Giảm thịt lợn trong cơ cấu bữa ăn

Trong một thời gian dài, ở nước ta 'chăn nuôi lấy lợn làm đầu' nhờ khả năng sinh sản nhanh, mỗi con lợn mẹ cho hai lứa đẻ trong năm, mỗi lứa hơn 10 con, như vậy nếu đàn con để nuôi thương phẩm thì mỗi năm có thể sản xuất ra từ 1,5 đến 2 tấn thịt lợn - loại thực phẩm rất được ưa chuộng của người Việt Nam.

Ngoài ra, chất thải trong chăn nuôi còn được tận dụng làm phân hữu cơ một phần không thể thiếu đối với cây trồng, nhất là cây lúa. Trong hệ thống nông nghiệp dựa trên nông hộ thì cây lúa và con lợn tạo nên một vòng năng lượng khép kín rất có hiệu quả lại không làm ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên khi chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất lớn thì vòng tuần hoàn năng lượng khép kín bị phá vỡ, chăn nuôi tách dần khỏi trồng trọt. Với thức ăn công nghiệp và các thức ăn bổ sung vi-ta-min, chất khoáng... chăn nuôi gia súc (trừ loài nhai lại) không nhất thiết phải gắn với cây trồng, còn gọi là “chăn nuôi không dựa vào đất trồng”. Trước đây chăn nuôi ở quy mô nhỏ, việc xử lý chất thải xem ra dễ dàng, các hộ nông nghiệp có thể ủ phân ngay trong vườn và trực tiếp dùng cho đồng ruộng nhà mình. Nhưng chăn nuôi quy mô lớn thì rất khác, với lượng phân hữu cơ cũng không dùng hết. Hậu quả là nạn ô nhiễm môi trường nguồn nước, đất đai, không khí ngày càng nghiêm trọng. Nhất là ở một số vùng, chăn nuôi lợn tập trung quá cao, thiếu kiểm soát đã gây nên vấn đề xã hội, nhiều khi làm mất đoàn kết nông thôn. Việc xây hố ủ bi-ô-ga được coi là biện pháp có ích, nhưng với trang trại lớn nhiều phân, chất thải thì chẳng mấy tác dụng.

Một hiện tượng đang gây lo ngại trong giới trẻ ở thành thị nước ta là hiện tượng tăng cân béo phì mà dễ thấy nhất là ở học sinh các trường tiểu học, cũng có thể thấy nhiều ở những người hay ăn nhậu. Tình hình này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe (đi lại nặng nề, khó khăn, khó thở, tăng nguy cơ mắc các bệnh cao huyết áp, gan nhiễm mỡ...) mà còn ảnh hưởng đến tâm lý trẻ, dễ bị chứng tự ti, chán chường, kéo dài thì có khi dẫn đến trầm cảm. Vì vậy, để nâng cao sức khỏe, người ta đã nghĩ đến chuyện ăn chay, bớt ăn thịt. Cách đây 15 năm, từ năm 2003, ở châu Âu đã có chiến dịch quốc tế “Ngày thứ hai không ăn thịt” để giảm sản lượng tiêu thụ thịt, giảm bệnh béo phì, tốt cho sức khỏe, sống lâu, lại tiết kiệm tiền, ở các trường đại học của một số nước, các bếp ăn sinh viên có một ngày ăn chay trong tuần, người ăn chỉ được ăn prô-tê-in thực vật và hoàn toàn không có prô-tê-in động vật. Ở nước ta, tục ăn chay không còn xa lạ, nhưng hình như chỉ là thói quen cá nhân và liên quan nhiều đến đời sống tôn giáo. Việc cổ động cho phong trào ăn chay một ngày trong tuần đáng được sự ủng hộ của toàn xã hội trước hết là ở các thành phố, nơi mức sống đã tương đối cao.

Phải chăng nhân chuyện thiếu thịt lợn gần đây mà thông qua truyền thông và các hoạt động xã hội tuyên truyền thay đổi cơ cấu bữa ăn, bớt ăn thịt lợn (vì nhiều mỡ), tăng thịt gà, thịt trâu bò và tất nhiên là tăng rau xanh, củ quả... Bớt ăn thịt lợn sẽ dẫn đến bớt nuôi lợn, làm cân đối cơ cấu chăn nuôi trong nước. Có người nói thói quen ăn thịt lợn của dân mình đã từ lâu đời, khó mà thay đổi. Thật vậy, khó nhưng không phải là không thể. Thiết nghĩ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đẩy mạnh cải tiến cơ cấu chăn nuôi, giảm bớt chăn nuôi lợn và tăng phát triển chăn nuôi trâu bò và gia cầm - một định hướng rất
có lý và chắc chắn sẽ được dư luận cộng đồng ủng hộ.

GS LÊ VIẾT LY

Hội Chăn nuôi Việt Nam

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/42897502-giam-thit-lon-trong-co-cau-bua-an.html