Giảm thuế cho doanh nghiệp là nuôi dưỡng nguồn thu
Cơ quan soạn thảo nói giảm thuế sẽ làm giảm thu cho ngân sách. Còn các đại biểu Quốc hội thì nói giảm thuế để nuôi nguồn thu, vực dậy doanh nghiệp sau dịch thì ngân sách chẳng mất đi đâu.
Ngày 11-6, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày dự thảo nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) phải nộp của năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.
Sớm cứu doanh nghiệp nhỏ và vừa
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết đề xuất áp dụng chính sách giảm thuế đối với DN có quy mô nhỏ dựa trên tính toán về khả năng, điều kiện ngân sách nhà nước trong bối cảnh sau dịch. Theo ước tính, việc giảm 30% thuế thu nhập DN với DN có quy mô nhỏ sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 15.840 tỉ đồng. Nếu tiếp tục mở rộng giảm thuế cho cả DN có quy mô vừa có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 22.440 tỉ đồng.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Thân (Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng: Việc giảm thuế cần trúng, đúng đối tượng, đạt lợi ích kinh tế - xã hội cao nhất nhưng không làm ảnh hưởng thu ngân sách nhà nước là rất. khó, phức tạp. Vì lẽ, hai tiêu chí đưa ra là phải “cùng dưới” 50 tỉ đồng và dưới 100 người lao động là quá chặt chẽ, khó thực hiện. ĐB Thân nêu: DN nhỏ có doanh thu 50 tỉ đồng, có trên 100 người lao động nếu căn cứ theo hai tiêu chí “cùng dưới” trên thì sẽ không được giảm thuế thu nhập DN là bất hợp lý.
ĐB Thân không đồng ý về cơ sở nhận định của Chính phủ là việc giảm thuế thu nhập DN sẽ làm giảm thu ngân sách trên 15.800 tỉ đồng. “Thực chất đây không phải là mất mà là giảm thuế cho những người có lãi. Bởi có nhiều DN đang tồn tại nhưng không có lãi, DN có lãi rất ít, nên cần phải có chính sách hỗ trợ cho DN không có lãi” - ĐB Thân nói.
Từ đó, ông Thân đề nghị dựa vào tiêu chí về DN nhỏ và vừa đã được xác định và giảm thuế cho toàn bộ DN nhỏ và vừa chứ không nên lựa chọn các DN theo hai tiêu chí “cùng dưới” nêu trên. “Tinh thần là nuôi dưỡng nguồn thu, chứ không phải tư duy mất hơn 15.800 tỉ đồng ngân sách và cần tránh tâm lý sợ phải hỗ trợ nhiều hơn cho DN lớn. Vì lẽ, hỗ trợ cho DN lớn sẽ làm lan tỏa lớn hơn, công bằng hơn” - ĐB Thân đề nghị.
Nên hỗ trợ cả doanh nghiệp lớn
ĐB Phạm Đình Toản (Hưng Yên) cho rằng dịch COVID-19 không chỉ làm cho các DN nhỏ bị ảnh hưởng mà cả các DN vừa và lớn cũng bị tác động. Từ đó, ĐB Toản đề nghị hỗ trợ luôn cho cả DN vừa chứ không chỉ DN nhỏ để tạo đồng bộ và tối ưu cho các DN cùng phát triển.
ĐB Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) nói: “Chỉ giảm thuế cho DN nhỏ, còn DN sử dụng nhiều lao động không được xem xét thì tôi cảm thấy hơi lạ. DN nhỏ và vừa chiếm 97% được giảm 30% thuế, còn DN lớn chỉ chiếm 3%, liệu có nên giảm thuế 10% cho DN lớn để tạo sự bình đẳng không? Vì DN lớn tuy chiếm 3% nhưng lại có lực lượng lao động lớn, đóng góp lớn cho tăng trưởng. Cho nên số DN này cũng rất cần được sự hỗ trợ giảm thuế”.
760.000 DN đang hoạt động, tính đến cuối năm 2019. Trong đó, DN có quy mô nhỏ và vừa chiếm khoảng 97%.
Theo Bộ trưởng ĐINH TIẾN DŨNG
ĐB Nguyễn Vân Chi (Nghệ An) cũng cho rằng: “Không nên phân biệt quy mô DN mà cần nghiên cứu để thực hiện giảm thuế cho tất cả DN gặp khó khăn do dịch bệnh”. ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) bày tỏ sự đồng tình với việc phải giảm thuế thu nhập cho các DN. Tuy nhiên, ông băn khoăn nếu chỉ giảm thuế cho các DN có doanh thu dưới 50 tỉ đồng và dưới 100 người lao động đóng bảo hiểm xã hội. “DN có doanh thu trên 50 tỉ đồng và có trên 100 người lao động thì họ gặp khó khăn nhiều hơn các DN theo hai tiêu chí “cùng dưới” (thuyền to, sóng lớn mà) nhưng họ lại không được giảm thuế thu nhập DN thì là điều đáng tiếc” - ĐB Trần Hoàng Ngân nói.
ĐB Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, nói nếu theo tiêu tiêu chí như dự thảo thì các DN trên địa bàn TP.HCM nói chung và cả nước sẽ rất khó tiếp cận được nguồn hỗ trợ. Nếu số lượng người lao động mất việc tăng lên từ nay đến cuối năm, quan hệ giữa người lao động và DN sẽ phức tạp thì các chính sách của Chính phủ vẫn chỉ ở mức độ “động viên” các DN thôi.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc đề xuất giảm thuế đối với DN có quy mô nhỏ “có doanh thu năm 2020 không quá 50 tỉ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người” nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ và tránh tình trạng ưu đãi dàn trải.
Vẫn theo Bộ trưởng Dũng, nếu việc giảm thuế áp dụng cho toàn bộ DN tại Việt Nam thì sẽ không mang ý nghĩa, mục tiêu: Ưu tiên phát triển DN nhỏ và vừa. Từ đó có thể dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các loại hình DN vừa, nhỏ và lớn.
Không gây áp lực lớn cho ngân sách
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho biết: Đa số ý kiến trong ủy ban này nhất trí với tờ trình của Chính phủ về giảm số thuế thu nhập DN cho DN nhỏ ở mức 30% trên cơ sở hai tiêu chí: Doanh thu dưới 50 tỉ đồng và có dưới 100 người lao động đóng bảo hiểm xã hội. Đây là các đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất do ảnh hưởng của COVID-19 bởi khả năng tiếp cận vốn, trình độ quản lý và áp dụng công nghệ còn hạn chế. Đây cũng là nhóm đối tượng chiếm đa số trong tổng số các đối tượng phải nộp thuế thu nhập DN.
“Việc quy định giảm thuế thu nhập DN 30% sẽ góp phần giúp các DN nhỏ vượt qua khó khăn, tăng cường nguồn lực để phát triển. Đồng thời, việc hạn chế đối tượng theo doanh thu và số người lao động như dự thảo nghị quyết cũng không gây áp lực quá lớn lên thu ngân sách nhà nước trong năm 2020” - ông Hải nói.
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/giam-thue-cho-doanh-nghiep-la-nuoi-duong-nguon-thu-918064.html