Giảm thuế duy trì nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu

Ảnh hưởng của dịch bệnh và xung đột trên thế giới, thị trường trong nước và xuất khẩu đều bị thu hẹp, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng…, khiến doanh nghiệp phải đứng trước những thách thức chưa từng có. Ngành Thuế đã chủ động tham mưu Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, tiền thuê đất. Việc được giảm thuế đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân có thêm nguồn tiền đưa vào sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu.

Chính sách giãn thuế, giảm thuế là việc làm hết sức thiết thực, giúp cho doanh nghiệp vượt qua những khó khăn. Ảnh: TL

Chính sách giãn thuế, giảm thuế là việc làm hết sức thiết thực, giúp cho doanh nghiệp vượt qua những khó khăn. Ảnh: TL

Giảm thuế kích cầu tiêu dùng

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022, dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài đã gây ra những ảnh hưởng tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN), người dân bị đình trệ. Trong giai đoạn khó khăn này, thông điệp “Doanh nghiệp - động lực phát triển kinh tế của đất nước” luôn được Đảng, Nhà nước nêu cao và là mục tiêu và định hướng trong hầu hết các chính sách.

Theo đó, ngành Thuế đã chủ động đề xuất Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là những chính sách liên quan đến giãn, giảm, hoãn thuế, tiền thuê đất... Đó là các chính sách về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, cùng nhiều khoản phí, lệ phí để hỗ trợ DN, người dân và nền kinh tế.

Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, chỉ trong 3 năm (2020-2022), tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ DN là hơn 507 nghìn tỷ đồng, trong đó số tiền thuế được gia hạn là trên 352 nghìn tỷ đồng và số tiền thuế được miễn, giảm là khoảng 155 nghìn tỷ đồng. Đây là một con số không hề nhỏ và có ý nghĩa như một khoản Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người dân, DN giảm nghĩa vụ tài chính, ổn định sản xuất kinh doanh.

Mới đây nhất, năm 2023, với tinh thần đồng hành cùng DN, người dân vượt khó để phục hồi và phát triển kinh tế, ngành Thuế cũng tiếp tục tham mưu Bộ Tài chính tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ, với quy mô khoảng 196 nghìn tỷ đồng. Theo đó, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023. Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuê đất được giảm nghĩa vụ năm 2023 là khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm 2% thuế suất thuế GTGT, trong 6 tháng đầu năm 2024.

Bà Vũ Thị Thúy Hương - Giám đốc điều hành Chi nhánh Công ty Thực phẩm Orion Vina (Bắc Ninh) cho rằng, việc được giảm thuế GTGT 2% sẽ kích cầu tiêu dùng. Ngoài ra, DN cũng có thể sử dụng nguồn vốn đó để tái đầu tư sang các lĩnh vực khác tiềm năng hơn, tạo ra GTGT cho xã hội và nền kinh tế.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng các chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, DN là những quyết sách dài hơi, có tầm nhìn xa trông rộng. Bởi vì đổi lại, nhờ hỗ trợ kịp thời, DN có thêm vốn để đầu tư phát triển; góp phần thúc đẩy kinh tế vĩ mô tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia; góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất Đông Nam Á.

Tuân thủ pháp luật thuế giúp nguồn thu ngân sách ổn định

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho rằng, trong thời gian qua có rất nhiều doanh nghiệp (DN) đã có những cách làm mới, giữ được người lao động tạo thêm nhiều việc làm và đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước. Chúng tôi thấy rằng, các DN Việt Nam, các DN nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đã tuân thủ pháp luật Việt Nam và đặc biệt là pháp luật thuế nên nguồn thu ngân sách ngày càng ổn định.

Với gói hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, có thể khẳng định, Nhà nước đã phản ứng chính sách nhanh đưa ra các chương trình hỗ trợ hết sức kịp thời, đồng bộ và nhanh chóng đi vào cuộc sống, từ đó đã góp phần quan trọng trong phục hồi, phát triển nền kinh tế trong nước sau đại dịch.

Nêu quan điểm về việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, cộng đồng DN đánh giá cao tính chủ động của ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung trong việc tham mưu các chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, không chỉ riêng trong đại dịch mà cả trước và sau đại dịch. Ngành Thuế luôn sâu sát cùng với người nộp thuế trong việc tìm hiểu khó khăn vướng mắc để kịp thời tháo gỡ cho DN, người nộp thuế. Đây chính là chính sách rất nhân văn của Đảng và Nhà nước ta trong việc hỗ trợ DN. "Có thể nói chúng ta đã bảo vệ được nguồn thu trong các giai đoạn và duy trì nuôi dưỡng, phát triển được các nguồn thu. Đây là chính sách rất tích cực, rất đáng được khích lệ trong thời gian tới" - ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP. Hà Nội, nhận định việc miễn, giảm thuế được cộng đồng DN đánh giá cao, đặc biệt là chính sách miễn, giảm các khoản thuế, phí và tiền thuê đất. Thời điểm được miễn, giảm thuế cũng được ghi nhận là kịp thời, bởi sau một thời gian chống chọi với dịch bệnh, nhiều DN phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng quan điểm, ông Trương Ngọc Minh - Phó Giám đốc Công ty CP Viglacera Tiên Sơn (Bắc Ninh), đánh giá chính sách giãn thuế, giảm thuế là việc làm hết sức thiết thực, giúp cho DN vượt qua những khó khăn, ổn định kịp thời sản xuất kinh doanh cả trong ngắn hạn cũng như trung hạn và dài hạn để DN sớm ổn định.

ÔNG NGUYỄN LÂM AN - GIÁM ĐỐC CÔNG TY DỊCH VỤ CÁP TREO BÀ NÀ (ĐÀ NẴNG): Doanh nghiệp có thêm nguồn vốn duy trì, khôi phục sản xuất

Việc giãn hoãn nộp thuế, tiền thuê đất có tác động rất tích cực đến DN. Khi DN gặp khó trong vay vốn, khi đó lại được dùng nguồn tiền thay vì phải nộp vào ngân sách nhà nước thì để quay vòng vốn, tái đầu tư, sẽ giúp DN, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Thực chất, cơ chế giãn, hoãn nộp thuế có tính chất là khoản cho vay không tính lãi của nhà nước đối với doanh nghiệp, cá nhân để có nguồn tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh, gia tăng nguồn lực trong tương lai, từ đó tăng mức đóng góp cho ngân sách nhà nước.

BÀ ĐỖ THỊ THỦY - GIÁM ĐỐC TÀI CHÍNH TNHH CEDO VIỆT NAM: Giảm thuế thúc đẩy tiến trình phục hồi sản xuất kinh doanh

Trong tâm điểm dịch bệnh, các đơn hàng của CEDO xuất sang thị trường châu Âu sụt giảm mạnh. Năm nay, các đơn hàng đã dần ổn định, DN dự định tăng thêm 10% công suất. Với mức độ vận hành đơn hàng như hiện nay, việc giảm thuế GTGT giúp DN tiết kiệm 1 tỷ đồng mỗi tháng. Với số tiền này, DN sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư, mua thêm máy móc mới và đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định vì hiện nay vẫn còn khó khăn.

Trong vòng tròn khép kín, việc được giảm 2% thuế GTGT thì người tiêu dùng là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp, song DN cũng gián tiếp trở thành động lực phát triển. Nếu DN phát triển sẽ thanh toán được nợ ngân hàng, thanh toán được nợ trái phiếu, tạo được việc làm, thanh toán được bảo hiểm, nộp thuế đầy đủ..., nuôi dưỡng được các nguồn thu và nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế.

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giam-thue-duy-tri-nuoi-duong-phat-trien-nguon-thu-138361.html