Giảm thuế góp phần kéo giảm sức ép lạm phát

Vượt qua sức ép lạm phát kèm suy thoái bao trùm nền kinh tế toàn cầu cùng giá hàng hóa tăng nóng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 chỉ tăng 2,44% so với bình quân cùng kỳ năm 2021. Số liệu lạc quan này minh chứng rõ ràng cho sự thành công trong quá trình phục hồi kinh tế của cả nước. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, việc giảm thuế, phí đã góp phần giúp ổn định giá hàng hóa, kiểm soát lạm phát.

Giảm thuế, người tiêu dùng có thêm điều kiện mua sắm

Ths. Vũ Thị Khánh Minh - Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên cho rằng, đây là một trong những chính sách có tác động rộng và có sức lan tỏa mạnh đến thị trường trong năm 2022. Thuế giá trị gia tăng (GTGT) phổ thông hiện nay là 10%, dù chỉ giảm 2% nhưng cũng có tác động đến toàn bộ giao dịch trên thị trường.

Bà Minh phân tích, thuế GTGT là thuế đánh vào hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng cuối cùng phải trả khoản thuế này nên họ sẽ được hưởng lợi lớn nhất và trực tiếp nhất sau khi áp dụng mức thuế giảm 2%.

Việc giảm thuế giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, nhờ đó, có thể giảm giá thành sản phẩm. Ảnh: TL

“Tác động của đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm của một bộ phận người dân, người tiêu dùng. Như đã nói ở trên, thuế GTGT là thuế đánh vào hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng, do đó, việc giảm thuế GTGT theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP sẽ giúp họ tiết kiệm được 2% chi tiêu bình quân, nhất là chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng có thu nhập thấp. Mặt khác, việc giảm thuế GTGT áp dụng đối với hầu hết các hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nên tất cả người dân đều được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế GTGT này” – bà Minh nhấn mạnh.

Chia sẻ với phóng viên tại siêu thị Vinmart Bà Triệu, Hà Nội, chị Hoàng Hoa ở quận Hai Bà Trưng cho biết, nhờ được giảm thuế GTGT, mỗi hóa đơn mua hàng với 500 ngàn đồng, khách hàng được giảm gần 10 ngàn đồng. Mặc dù số tiền được giảm không nhiều, song đây là sự chia sẻ rất thiết thực của Nhà nước với người dân.

Bà Loan – chủ tạp hóa trên phố Tuệ Tĩnh, Hai Bà Trưng, Hà Nội cho hay, nhiều mặt hàng thiết yếu như bánh, kẹo, nước giải khát và hàng gia dụng nhập về kinh doanh đều thuộc diện được giảm 2% thuế GTGT. "Việc giảm thuế tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thêm điều kiện mua sắm nhiều hơn, qua đó giúp lưu thông hàng hóa" - bà Loan cho biết.

Doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội để phục hồi sản xuất

Theo bà Vũ Thị Khánh Minh, việc giảm thuế GTGT sẽ hỗ trợ được cả cung và cầu. Do đó, sẽ khuyến khích người tiêu dùng tiếp tục tiêu thụ nhiều hàng hóa, dịch vụ hơn, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi sản xuất, mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, để người tiêu dùng thực sự được hưởng lợi từ việc giảm thuế GTGT thì cần phải có giải pháp đảm bảo hàng hóa, dịch vụ có mức giảm bằng với mức giảm thuế GTGT.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, việc giảm thuế GTGT cũng sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào; nhờ đó, có thể giảm bớt giá thành sản phẩm. Nhưng quan trọng hơn nhiều là nhờ việc giảm thuế, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội mở rộng quy mô, doanh thu, thị trường và khả năng tiêu thụ...

Trong bối cảnh dịch bệnh liên tục và kéo dài suốt 2 năm qua, dù đã có không ít chính sách hỗ trợ, an sinh xã hội, bổ sung thu nhập cho người lao động... nhưng thực tế cho thấy, vẫn có hàng chục triệu người lao động bị giảm thời gian làm việc, giảm thu nhập; hàng triệu người mất việc làm. Vì thế, trong xu hướng này, nếu giá cả hàng hóa không tăng, mà còn giảm nhờ vào ưu đãi của chính sách thuế gia tăng sẽ tạo nên sức ảnh hưởng lớn và tác động tới đời sống của toàn xã hội.

Giảm thuế vừa kích cầu vừa thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp

Thuế giá trị gia tăng là sắc thuế được áp dụng rộng rãi ở gần như tất cả hàng hóa, dịch vụ và có tầm ảnh hưởng rộng nhất trong đời sống người dân. Được giảm thuế giá trị gia tăng không chỉ giúp người dân tiết kiệm chi phí, kích cầu tiêu dùng mà còn thúc đẩy đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo bà Minh, để đưa chính sách giảm thuế GTGT tiếp tục phát huy tác dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân được thụ hưởng chính sách miễn, giảm thuế và mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế, cần sự nỗ lực của các bộ, ngành, chính quyền các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan thuế và các doanh nghiệp trong vấn đề thực thi và giải quyết vướng mắc của người nộp thuế. Mặt khác, các bộ, ngành, UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan thuế phải tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, thực hiện các giải pháp ổn định cung cầu hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế theo quy định để giữ bình ổn giá cả thị trường. Các cơ quan chức năng đẩy mạnh quán triệt, chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc chủ động tuyên tuyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ, kịp thời nội dung của chính sách giảm thuế GTGT.

“Theo tôi, việc giảm thuế 2% sẽ giúp đạt hai mục tiêu là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ phía sản xuất kinh doanh, từ phía tiêu dùng và ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Do đó, trong thời gian này, doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội để sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo nguồn cung hàng hóa dồi dào, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người dân, tránh tình trạng khan hàng tăng giá, khó kéo giảm lạm phát” – bà Minh nhấn mạnh.

Tuấn Nguyễn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giam-thue-gop-phan-keo-giam-suc-ep-lam-phat-108606-108606.html