Giảm tiểu cầu có phải bị ung thư máu?
Giảm tiểu cầu là khi số lượng tiểu cầu trong máu thấp, thậm chí rất thấp, tình trạng này cần được can thiệp điều trị kịp thời.
Tiểu cầu là một loại tế bào máu của cơ thể, được sinh ra từ tủy xương và có kích thước rất nhỏ.
Tiểu cầu có vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể cầm máu và bảo vệ thành mạch không bị rò rỉ.
Khi số lượng tiểu cầu giảm thì quá trình đông máu không được thực hiện và gây nên tình trạng xuất huyết.
Giảm tiểu cầu là tình trạng số lượng tiểu cầu trong máu thấp, có thể xảy ra do bệnh lý của tủy xương như bệnh bạch cầu, bệnh lý về hệ miễn dịch, tác dụng phụ của một số loại thuốc…
Giảm tiểu cầu thường không có triệu chứng, nếu có thì chủ yếu là dưới dạng các chấm xuất huyết bằng đầu kim, phẳng trên da, mọc chủ yếu ở chân và bàn chân; xuất huyết dưới da dẫn đến hình thành các vết loang lổ hoặc bầm tím, có thể là màu xanh lam, tím và chuyển sang màu vàng hoặc xanh lục theo thời gian. Các dấu hiệu trên xuất hiện là khi chỉ số tiểu cầu ở dưới mức trung bình cho phép song chưa quá thấp.
Ngoài ra, nhiều người có biểu hiện mệt mỏi, mệt lả, choáng váng, buồn ngủ… Một số bị chảy máu mũi, chảy máu chân răng; kinh nguyệt số lượng nhiều, kéo dài; máu lẫn trong phân hoặc nước tiểu…
Có 2 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến giảm tiểu cầu là tăng phá hủy tiểu cầu ở máu ngoại vi và giảm sinh tiểu cầu ở tủy xương. Nhiều người bị giảm tiểu cầu nhưng không xác định được nguyên nhân gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.
Giảm tiểu cầu không phải là một loại ung thư nhưng nó có liên quan đến ung thư, có thể là tác dụng phụ thường gặp của hóa trị, xạ trị.
Ngoài ra, một số loại ung thư như bệnh bạch cầu, ung thư hạch và ung thư xương cũng có thể dẫn đến biến chứng giảm tiểu cầu.
Người dân nên chú ý khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bất thường của cơ thể, nhất là người có tiền sử bệnh tự miễn hoặc các triệu chứng nghi ngờ.
Riêng người đã mắc bệnh, cần tránh các hoạt động mạnh dẫn đến nguy cơ chảy máu, tránh dùng thuốc aspirin hoặc các thuốc chống viêm không steroid mà không có chỉ định của bác sĩ vì chúng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
Nguồn PLO: https://plo.vn/giam-tieu-cau-co-phai-bi-ung-thu-mau-post828296.html