Giảm trích lập dự phòng, BIDV đặt lợi nhuận tăng 53%

BIDV dự kiến tăng vốn thêm 10.623 tỷ đồng lên 61.208 tỷ đồng (tăng 21% so với năm 2021) nhằm cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR). Tỷ lệ trích lập dự phòng cũng là cơ sở để BIDV đặt kế hoạch lợi nhuận tăng 53%.

Sáng 29/4, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (mã: BID) tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2022 với nhiều vấn đề quan trọng được đưa ra thảo luận.

Tại Đại hội, ngân hàng đã trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022, đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 20.600 tỷ đồng (tăng 53% so với cùng kỳ), đảm bảo phù hợp với diễn biến của thị trường, năng lực của BIDV trước tác động của dịch COVID-19 và phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Phiên họp cổ đông thường niên 2022 BIDV

Phiên họp cổ đông thường niên 2022 BIDV

Về mục tiêu lợi nhuận năm nay, trả lời câu hỏi của cổ đông về động lực cho kế hoạch tăng trưởng tham vọng này, ông Lê Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc BIDV cho biết: Trong những năm qua, ngân hàng luôn duy trì mức chênh lệch thu chi ở mức cao, nhưng đồng thời cũng tăng mạnh trích lập dự phòng để nâng cao chất lượng tín dụng lên đến hơn 30.000 tỷ đồng. BIDV là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp, 0,82% năm 2021, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 235%

Chính vì vậy, năm 2022, với chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt hơn, tỷ lệ trích lập dự phòng tốt hơn, BIDV đặt kế hoạch lợi nhuận tốt hơn trong năm nay. “Đây là kết quả cả quá trình tái cơ cấu ngân hàng 2016-2020, nên giai đoạn hiện nay sẽ có ước tăng trưởng hơn về lợi nhuận”, ông Lâm khẳng định.

Về kết quả kinh doanh quý I/2022, huy động vốn của ngân hàng tăng 1,3% so với đầu năm. Tăng trưởng tín dụng đạt 4,7%. Chất lượng nợ xấu ở 0,8%. Cũng trong quý I, lợi nhuận hợp nhất đạt 4.513 tỷ đồng, lợi nhuận riêng lẻ đạt 4.190 tỷ đồng, thực hiện 22% kế hoạch năm. Tuy nhiên, một số cấu phần gia tăng lợi nhuận diễn ra vào quý III hoặc IV.

Chia sẻ thêm về mục tiêu tăng trưởng Chủ tịch HĐQT Phan Đức Tú cho biết, hiện nay BIDV trích đầy đủ các khoản nợ trong 3 năm theo thông tư 01,03 và 14 của NHNN.

Dự kiến năm nay, nếu dịch bệnh được kiểm soát bình thường, ngân hàng sẽ trích lập khoảng 23.000 tỷ đồng, còn nếu dịch kiểm soát tốt thì con số này sẽ thấp hơn.

Đại diện BIDV đưa ra nhận định: khả năng thu hồi các khoản nợ đã trích lập hiện nay lên đến 95%. Kể cả số nợ xấu do ảnh hưởng Covid-19 hay không, ngân hàng vẫn đặt mục mục nợ xấu duy trì dưới 1,6%, con số này không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh vì ngân h đã trích đủ 100% cho cả 3 năm.

“Trong chiến lược phát triển đến năm 2025, BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận từ 19-26% trong bối cảnh dư nợ tín dụng khoảng từ 10-16%”, ông Tú nói.

Chia sẻ về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), ông Tú cho biết: “Chúng tôi thấy quyền năng ngân hàng khi cho vay lớn hơn với tư cách đầu tư TPDN, nên BIDV hạn chế đầu tư trong những năm qua. Bên cạnh đó, nếu đầu tư TPDN cũng áp dụng quy định như cho vay tín dụng khi mua TPDN”.

Hiện, số dư trái phiếu doanh nghiệp tại BIDV khoảng 13.000 tỷ đồng, chiếm 0,93% tổng dư nợ. BIDV chủ yếu tập trung vào trái phiếu của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và một số doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp. Theo lãnh đạo BIDV, ngân hàng đầu tư TPDN trên cơ sở phải đảm bảo 3 tính năng: pháp lý, giá trị cao hơn giá trị đầu tư, tính phát mãi.

Về tín dụng bất động sản, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, hiện dư nợ tín dụng bất động sản tại BIDV khoảng 31.000 tỷ đồng, chiếm khoảng hơn 2% tổng dư nợ, với cách kiểm soát danh mục tín dụng bất động sản tại BIDV, nợ xấu bất động sản không đáng kể.

Cũng tại ĐHĐCĐ, BIDV dự kiến tăng vốn thêm 10.623 tỷ đồng lên 61.208 tỷ đồng (tăng 21% so với năm 2021) nhằm cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR).

Về phương thức tăng vốn, ông Tú chia sẻ, đầu tiên, ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021, tỷ lệ 12%, nâng vốn điều lệ tăng thêm 6.070,23 tỷ đồng. Việc chia cổ tức dự kiến được thực hiện trong quý III-IV, trên cơ sở phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền

Tiếp theo, ngân hàng sẽ tăng vốn từ phát hành thêm cổ phần bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ dự kiến 9% vốn điều lệ tại 31/12/2021, tương đương 4.552,67 tỷ đồng, được thực hiện trong 2 năm 2022-2023 và phải thực hiện được.

Về mức giá kỳ vọng, BIDV sẽ triển khai theo quyết định của Nhà nước và tình hình thị trường. Và đặc biệt phát hành riêng lẻ phải phù hợp tiêu chí của nhà đầu tư và tuân thủ các quy định pháp luật.

Chủ tịch BIDV cho hay, hệ số an toàn vốn (CAR) riêng lẻ của BIDV là 8,6% và hệ số CAR của các ngân hàng nhà nước theo ngân hàng được biết cũng ở mức thấp hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại cổ phần. Nếu tăng vốn thành công, CAR của BIDV có thể tăng lên trên 9% dù vẫn con số thấp. Ông Tú cho biết mục tiêu đến năm 2027, CAR của BIDV phải ở mức trên 12%.

Do vậy, khối ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước cũng đang đề xuất Chính phủ có nhiều giải pháp để tăng vốn điều lệ nhằm cải thiện hệ số CAR.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/giam-trich-lap-du-phong-bidv-dat-loi-nhuan-tang-53-1085132.html