Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống
Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...
1. Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được ban hành từ năm 2007, tính tới thời điểm hiện tại mới trải qua 2 lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh vào năm 2013 và năm 2020. Theo quy định hiện hành, mức thu nhập từ 11 triệu đồng trở lên phải đóng thuế TNCN và giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người. Thuế TNCN dựa trên tiền công, tiền lương của người làm công ăn lương với 7 bậc đánh thuế, thấp nhất 5% và cao nhất 35%.
Mức giảm trừ gia cảnh này được duy trì từ tháng 7/2020. Cụ thể, sau khi giảm trừ gia cảnh, mức thuế các bậc gồm: Thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống mức thuế 5%; từ 5-10 triệu đồng/tháng mức thuế 10%; trên 10-18 triệu đồng mức 15%; từ 18-32 triệu đồng nộp thuế 20%; từ 32-52 triệu đồng nộp thuế 25%; từ 52-80 triệu đồng nộp thuế 30% và trên 80 triệu đồng nộp thuế 35%.
Rất nhiều chuyên gia cũng như nhiều người dân đã lên tiếng cho rằng mức giảm trừ gia cảnh trên so với thời kỳ hiện nay đã quá lạc hậu và khác xa với thực tế. Sau gần 4 năm kể từ lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất năm 2020 với 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc, giá cả thực tế đã tăng cao trong khi thu nhập lại giảm nên mới nảy sinh thực tế là nhiều người làm công ăn lương tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM dù đang đóng thuế TNCN nhưng lại càng phải thắt lưng buộc bụng, những người lao động đang phải đóng thuế ở bậc 1, bậc 2 hiện nay chỉ ở mức đủ sống.
Dưới góc độ chuyên gia, PGS.TS Phạm Thế Anh cũng cho rằng, mặc dù là nước có thu nhập thấp nhưng nếu nhìn vào biểu thuế TNCN ở Việt Nam thì các mức thuế suất của Việt Nam cao như những nước có thu nhập cao vậy, thậm chí còn cao hơn. Hơn nữa, các bậc thuế sát nhau. Ví dụ nhảy từ 5% lên 10%, 10% lên 15% chỉ cách nhau vài ba triệu đồng mỗi tháng. Như vậy, thu nhập chỉ cần mới cải thiện chút ít là đã rơi vào diện chịu thuế mới, lên đến đỉnh 35% là mức rất cao so với các nước có thu nhập trung bình.
Cũng bởi thực tế đó nên mới có chuyện từ ngày 1/7 tới, đồng lương sẽ tăng nhưng nhiều người lao động lại rơi vào âu lo bởi tăng lương thì đồng nghĩa thu nhập tính thuế của người lao động cũng sẽ tăng. Đơn cử như tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Lương tăng nhưng quy định về TNCN lại đứng yên, đồng nghĩa với việc một số người khi được tăng lương lại phải đóng thuế cao hơn. Thực tế này cũng dẫn đến việc ý nghĩa của các chính sách tăng lương không còn nhiều ý nghĩa.
Như nhìn nhận của TS. Nguyễn Ngọc Tú – giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội bất cập lớn nhất của thuế TNCN hiện nay là quy định mức giảm trừ gia cảnh bằng một số tiền cụ thể, được áp dụng trong nhiều năm liên tục. Trong khi đó, giá cả hàng hóa, dịch vụ thay đổi hằng ngày. Giá một tô phở hiện nay đã tăng lên so với cách đây 4 năm; những mặt hàng trong rổ tính CPI như ăn uống, học hành, y tế tăng lên rất nhiều. “Chính sách lương cũng được thay đổi liên tục hằng năm để bù đắp cho người lao động phần nào mà giảm trừ gia cảnh lại bất động, đứng yên là quá vô lý” - TS. Nguyễn Ngọc Tú nhấn mạnh.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tính thuế TNCN để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân. Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội hồi tháng 11/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận mức giảm trừ gia cảnh dùng để tính thuế TNCN đang thấp.
2. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo quý I/2024 mới đây, đại diện Bộ Tài chính khẳng định: Chưa đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Lý do mà Bộ này đưa ra là biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chưa đến 20% cũng như chờ sửa đổi Luật Thuế TNCN.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc chờ đến khi Luật TNCN (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2026 mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là quá chậm, nhất là khi mức giảm trừ này đã quá lạc hậu so với mức sống của người dân hiện nay. Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang cho rằng, việc sửa Luật Thuế TNCN là sửa tổng thể, liên quan đến nhiều quy định khác nhau còn riêng mức GTGC đã lạc hậu, tồn tại từ nhiều năm và các cơ quan Bộ, ngành ai cũng thấy thì nên sửa ngay chứ không nên chờ.
“Nếu lấn cấn về quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân là CPI tăng 20% mới điều chỉnh mức GTGC thì đừng dựa vào sự bất hợp lý này. Bởi chỉ số CPI tính tổng thể trên 752 mặt hàng hóa, dịch vụ khác nhau, phục vụ cho quản lý vĩ mô. Trong khi đó, người lao động chỉ chịu tác động biến động giá ở vài chục mặt hàng hóa, dịch vụ, biến động mạnh hơn chỉ số CPI” - Luật sư Trần Xoa bày tỏ quan điểm.
Cùng góc nhìn, ông Nguyễn Văn Được - Ủy viên BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, cũng cho rằng: “Luật quy định trường hợp CPI tăng 20% thì Chính phủ mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả và đây chính là điểm chưa hợp lý trong sắc thuế TNCN. Có thể điều chỉnh theo hướng giao cho Chính phủ được quyền quyết định thay đổi mức giảm trừ gia cảnh khi chỉ số giá tiêu dùng tăng đến một giới hạn nào đó, có thể 5 hay 10%, như vậy sẽ sát thực hơn, linh hoạt hơn mà vẫn đảm bảo tổng hòa các mối quan hệ”.
Ở một góc nhìn khác, nhiều chuyên gia lại cho rằng, Luật Thuế TNCN chỉ nên ban hành khung quy định, với mức giảm trừ gia cảnh điều chỉnh linh hoạt theo chỉ số trượt giá hằng năm. Như quan điểm của TS. Huỳnh Thanh Điền - chuyên gia kinh tế, giảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: “Luật TNCN nên sửa đổi quy định khung thay vì đưa ra những quy định chi tiết, “cứng”. Nền kinh tế liên tục chuyển động, các chỉ số lạm phát, thu nhập bình quân của người dân hay chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thay đổi và biến động theo từng năm. Do đó, mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế và người phụ thuộc không nên quy định cứng mà nên điều chỉnh 1 - 2 năm/lần, dựa vào các chỉ số lạm phát, chỉ số CPI và mức chi tiêu bình quân của người dân mỗi năm để có công thức điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho năm kế tiếp”.
Rõ ràng, dù nhìn theo góc độ nào thì việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là “việc cần làm ngay” đang được người dân đang hết sức mong chờ. Tất nhiên mức nâng bao nhiêu cần được tính toán khoa học, cụ thể từ các cơ quan chức năng của Chính phủ cũng như lấy ý kiến người nộp thuế. Điều quan trọng nhất trong câu chuyện điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh hay thuế TNCN là: Thuế thu nhập sẽ không là gánh nặng đối với người làm công ăn lương. Giảm trừ gia cảnh chỉ nên là biện pháp hỗ trợ cần thiết của Nhà nước để người nộp thuế TNCN giảm áp lực tâm lý, khuyến khích người dân có thu nhập cao, tăng cường đầu tư, tích lũy, tạo công ăn việc làm cho xã hội, đóng góp cho nền kinh tế đất nước.