Giảm từ 3-5% thuế thu nhập doanh nghiệp để doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ lớn lên

Các chuyên gia cho rằng, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là để doanh nghiệp gặp thuận lợi, lớn lên, chứ không phải ưu đãi để doanh nghiệp cứ nhỏ mãi để hưởng ưu đãi.

Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế TNDN cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ xuống mức 15% -17% thay vì mức 20% như hiện hành.

Cụ thể, doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng sẽ chịu mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 15%. Những doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng sẽ chịu thuế suất 17%. Thuế suất này không áp dụng với các doanh nghiệp là công ty con hoặc công ty có quan hệ liên kết mà doanh nghiệp trong quan hệ liên kết không thuộc đối tượng được hưởng chính sách trên.

Việc giảm thuế được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Ở Việt Nam hiện nay, theo thống kê, trong tổng số khoảng 900 nghìn doanh nghiệp hoạt động, số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 94%.

Ở Việt Nam hiện nay, theo thống kê, trong tổng số khoảng 900 nghìn doanh nghiệp hoạt động, số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 94%.

Công ty CP Cơ khí Intech Việt Nam (Hà Nội) đang có kế hoạch phát triển thêm các loại robot bốc xếp và kho thông minh, do nhu cầu thị trường mặt hàng này đang tăng cao. Vì thế nguồn vốn là một yếu tố quan trọng để họ có thể phát triển sản phẩm mới. Theo đại diện doanh nghiệp, họ đang rất trông chờ được áp thuế TNDN từ 17-18%. “Được giảm 3% hay 5% trong bối cảnh hiện nay cũng là một con số rất quý bởi vì chúng tôi có thể tái tạo được cho lực lượng lao động cũng như đầu tư máy móc nhà xưởng", đại diện doanh nghiệp cho hay.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu quan điểm: Giảm thuế TNDN là giải pháp rất cụ thể và thiết thực, là tin vui đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên thì chưa phải là tất cả, những giải pháp nếu không đồng bộ thì rõ ràng như giải pháp về thuế cũng chưa tạo ra chuyển biến lớn đối với nhóm doanh nghiệp được đánh giá là còn nhiều khó khăn và yếu thế này.

Ở Việt Nam hiện nay, theo thống kê, trong tổng số khoảng 900 nghìn doanh nghiệp hoạt động, số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 94%. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có lợi nhuận để đóng thuế TNDN nên nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Bộ Tài chính nên mở rộng thêm quy mô doanh thu để thêm nhiều doanh nghiệp được thụ hưởng.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đặt vấn đề: "Liệu bao nhiêu doanh nghiệp trong số các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiệm cận được chính chính sách này trong thực tiễn. Nếu chính sách ban hành ra trên lý thuyết thì tốt nhưng doanh nghiệp tiệm cận được không mấy thì không phát huy được".

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, ưu đãi ở đây là để cho doanh nghiệp gặp thuận lợi để lớn lên, chứ không phải ưu đãi để doanh nghiệp cứ nhỏ mãi để hưởng ưu đãi. Chính vì vậy, phải hiểu rằng, chính sách ưu đãi thuế này là giải pháp của nhà nước, để thúc đẩy khu vực này lớn mạnh hơn nữa, tạo thêm nhiều công ăn việc làm hơn nữa, đóng góp nhiều ngân sách trong tương lai hơn nữa chứ không phải ưu đãi ở đây để cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cứ loay hoay mãi với quy mô nhỏ và vừa, thì đây cũng là định hướng rất quan trọng.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế Trưởng, Ngân hàng BIDV cho hay: "Đâu đó về phần thực thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp có giảm 1 chút nhưng khuyến khích hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp và họ sẽ đóng thuế nhiều hơn, thứ hai là giảm được tình trạng trốn thuế, chúng ta cũng nên có chính sách thuế phân biệt để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mạnh mẽ hơn nữa".

Bên cạnh chính sách hỗ trợ giảm thuế TNDN, các chuyên gia cho rằng cần có thêm các chính sách hỗ trợ khác mới tạo được đòn bẩy thực sự để các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bứt tốc.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng: "Chính sách tiếp cận về mặt bằng, các thủ tục hành chính. Đặc biệt hỗ trợ vốn trung hạn để họ thực hiện chuyển đổi số, thực hiện đổi mới. Tất cả phải đồng bộ với nhau thì mới phát huy hết ý nghĩa của chính sách thuế để làm sao người ta kinh doanh có lời thì người ta mới nộp thuế".

Với những kiến nghị trên, Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh việc đề xuất áp dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ cần phải dựa trên nguyên tắc đúng, trúng đối tượng để đạt được lợi ích kinh tế, xã hội cao nhất, tránh dàn trải, làm giảm hiệu quả của chính sách.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thue-ngan-sach/giam-tu-3-5-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-de-doanh-nghiep-nho-va-sieu-nho-lon-len-1101016.html