Giảm tuổi nghỉ hưu của giáo sư và phó giáo sư, ngành thể dục thể thao tâm tư
Việc giảm tuổi nghỉ hưu của giáo sư, phó giáo sư dường như cũng đang làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu hụt đội ngũ trình độ cao vốn có của Việt Nam.
Theo Nghị định 50/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập: “Việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức không quá 5 năm (60 tháng), tính từ thời điểm viên chức đủ tuổi nghỉ hưu theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu".
Trong khi trước đó, thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư là không quá 7 năm và đối với giảng viên có chức danh giáo sư là không quá 10 năm.
Với nhiều ngành khoa học cơ bản, khoa học đặc thù nói chung và ngành thể dục thể thao nói riêng, việc giảm độ tuổi nghỉ hưu của giáo sư, phó giáo sư có thể ảnh hưởng tới hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của các cơ sở đào tạo.
Số lượng giáo sư, phó giáo sư của ngành đặc thù không nhiều
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Long - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng cho biết, thực hiện Nghị định 50, nhà trường cũng thống nhất định hướng để bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, tùy thuộc vào nhu cầu của từng cá nhân cũng như dựa theo quy định tinh giản biên chế.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Long - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng. Ảnh: NVCC.
Về mặt ưu điểm, Nghị định tạo cơ hội, điều kiện cho lực lượng nhân sự trẻ vươn lên, khẳng định mình. Song, số lượng đội ngũ trình độ cao có chức danh giáo sư, phó giáo sư của ngành học đặc thù vốn chưa nhiều, vì vậy nhiều trường lo ngại trước tình trạng thiếu hụt các nhà khoa học kế cận tiếp nối sự nghiệp thế hệ trước.
Trong năm học vừa qua, nhà trường không có ứng viên nào đăng ký xét chức danh giáo sư, phó giáo sư vì với một lĩnh vực đặc thù như thể dục thể thao, tiêu chuẩn xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư rất khó để đạt được.
Cụ thể, yêu cầu số lượng bài báo quốc tế tại Quyết định 37/2018/QĐ-TTg là thách thức rất lớn với các với các ứng viên giáo sư, phó giáo sư lĩnh vực thể dục thể thao.
Theo Quyết định 37/2018/QĐ-TTg Ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư:
- Đối với ứng viên giáo sư phải đáp ứng tiêu chí: ứng viên là tác giả chính đã công bố được ít nhất 05 bài báo khoa học hoặc (và) bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc tế.
Ứng viên không đủ công trình khoa học quy định tại điểm này thì phải có ít nhất 03 trong số các công trình khoa học nêu trên và 02 chương sách phục vụ đào tạo do một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới xuất bản hoặc có ít nhất 03 trong số các công trình khoa học nêu trên và 02 sách chuyên khảo do một nhà xuất bản có uy tín xuất bản.
- Đối với ứng viên phó giáo sư phải đáp ứng tiêu chí: ứng viên là tác giả chính đã công bố được ít nhất 03 bài báo khoa học hoặc (và) bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc tế.
Ứng viên không đủ công trình khoa học quy định tại điểm này thì phải có ít nhất 02 trong số các công trình nêu trên và 01 chương sách phục vụ đào tạo do một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới xuất bản hoặc có ít nhất 02 trong số các công trình nêu trên và 01 sách chuyên khảo do một nhà xuất bản có uy tín xuất bản.
Đồng tình với ý kiến trên, Tiến sĩ Nguyễn Kế Bình - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, hiện nay, xét riêng về ngành thể dục thể thao trên toàn quốc, số lượng đội ngũ cán bộ trình độ cao của các trường không nhiều nhưng nguồn lực vẫn tương đối ổn định, nhằm đảm bảo duy trì đào tạo và tiêu chuẩn tuyển sinh.
Tuy nhiên, tiêu chuẩn xét công nhận giáo sư, phó giáo sư theo quy định hiện hành có nhiều tiêu chí khó đối với lĩnh vực thể dục thể thao. Trong khi số lượng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư ngành này ít và không tăng trong những năm gần đây.
Tiến sĩ Nguyễn Kế Bình - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.
Toàn ngành thể thao của nước ta hiện nay có 7 giáo sư. Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 1 giáo sư và 4 phó giáo sư.
"Để tận dụng nguồn nhân lực trình độ cao, tránh lãng phí “chất xám”, nhà trường luôn thực hiện khuyến khích các thầy cô còn sức khỏe, tâm huyết và có nguyện vọng tiếp tục công tác làm việc và cống hiến cho giáo dục.
Vì hầu hết các thầy cô vẫn đang ở độ tuổi “chín” trong nghề, thời gian công tác có thể kéo dài hơn nữa”, thầy Bình cho hay.
Cùng bàn luận về vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Lộc - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thông tin: Năm 2023, trong gần 82.000 giảng viên đại học, có 711 giáo sư (chiếm 0,87%) và 5.292 phó giáo sư (chiếm 6,47%) tham gia giảng dạy toàn thời gian.
Ở Mỹ, tỉ lệ của giáo sư và phó giáo sư trong khối giảng viên đại học chiếm khoảng 24% vào năm 2020. Có thể thấy, số lượng đội ngũ trình độ cao trong giáo dục đào tạo gồm giáo sư và phó giáo sư của Việt Nam còn thấp.
“Tuy có thể mang đến một số điều tích cực, song Nghị định 50 dường như cũng đang làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu hụt đội ngũ giáo sư và phó giáo sư vốn có của Việt Nam.
Vấn đề này đặc biệt có liên quan đến việc mở ngành, duy trì ngành, nghiên cứu, giảng dạy. Sự trầm trọng này có thể thấy rất rõ đối với đào tạo sau đại học và các ngành văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao. Ở các nước tiên tiến không hạn chế tuổi nghỉ hưu đối với các giáo sư”, Giáo sư Nguyễn Lộc chia sẻ.
Không nên giới hạn thời gian nghỉ hưu đối với giáo sư, phó giáo sư
Theo quan điểm của nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, quy định kéo dài tuổi hưu của các chức danh giáo sư, phó giáo bằng nhau và bằng viên chức học vị tiến sĩ có thể dẫn đến lãng phí “chất xám”.
Chúng ta đều biết, quá trình để phấn đấu đạt được chức danh giáo sư, phó giáo sư đòi hỏi một khoảng thời gian dài nỗ lực cống hiến của cá nhân các nhà giáo. Hơn nữa, quá trình này luôn nằm dưới sự giám sát, kiểm tra và đánh giá của xã hội.
Giáo sư Nguyễn Lộc - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Ảnh: NVCC.
Do đó, chúng ta cần tạo sự động lực phấn đấu, khích lệ tương xứng, phù hợp với đội ngũ giảng dạy đăng ký xét các chức danh này.
Việc hành chính hóa cơ chế quy định về kéo dài tuổi hưu, san bằng đồng nhất giữa các chức danh có thể khiến các nhà khoa học chùn bước phấn đấu, giảm nguồn nhân lực thế hệ trước và thiếu hụt đội ngũ kế cận sau.
Cụ thể, nên cân nhắc quay lại áp dụng việc kéo dài thời gian công tác của giáo sư và phó giáo sư theo Nghị định 141. Đồng thời cần nghiên cứu triển khai kinh nghiệm của thế giới về việc không giới hạn thời gian nghỉ hưu của đội ngũ này trong thời gian tới.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Kế Bình cho rằng, nếu như giới hạn thời gian giảng dạy, công tác của đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, thì sẽ lãng phí nguồn nhân lực trình độ cao, vì nhiều thầy cô lãnh đạo các cấp ở nhiều trường trong độ tuổi đó vẫn đang làm việc đạt năng suất và hiệu quả cao, giàu kinh nghiệm và tâm huyết.
Cùng bàn luận về vấn đề này, lãnh đạo một trường đại học khu vực phía Nam nhận định: Các trường coi trọng “giữ chân” người tài nên luôn định hướng cố gắng vận dụng nhiều chính sách đãi ngộ, tạo điều kiện để phát huy năng lực đội ngũ cán bộ được đáp ứng nguyện vọng cống hiến và đóng góp cho giáo dục.
Quan trọng là, chúng ta cần xây dựng cơ chế, chính sách sao cho công bằng khi sử dụng những nguồn lực đó.