Giãn cách kéo dài, cảm ơn đời vì chúng ta còn có 'boss'!
Với những bạn trẻ vô tình 'kẹt' lại vùng dịch và sống xa gia đình trong tình cảnh dịch bệnh đầy căng thẳng, các 'boss' cưng có lẽ là liều 'vắc-xin tinh thần' tốt nhất để có thể vượt qua những ngày dài giãn cách.
Nghiệp con sen "full-time"
Kim Anh vừa nhận nuôi một chú mèo hoang vào đầu tháng 7. Trước khi TP.HCM lần đầu áp dụng chỉ thị 16, chó mèo bị bỏ rơi nhiều hơn bình thường vì thiếu lương thực, chủ phải đi cách ly không thể chăm sóc trong một thời gian dài,... Bên cạnh đó, chó mèo hoang ngày thường được người qua đường tốt cho ăn cũng rơi vào trạng thái “khan hiếm lương thực”. Thấy thế, Kim Anh đã nhận nuôi Ja từ một hội nhóm cứu trợ động vật.
Trước khi đón Ja về 2 tuần, cô bạn đã “lùng sục” khắp nơi để order thực phẩm, cát vệ sinh thế nhưng đến nay hàng vẫn chưa về. Cái khó ló cái khôn, cô bạn hỏi “xin ké” cát cho Ja trong nhóm chat chung của chung cư và được hàng xóm hỗ trợ.
Kim Anh chia sẻ, Ja may mắn không gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Thế nhưng trong các hội “sen” và bạn bè của cô bạn, có rất nhiều câu chuyện buồn khi những “người bạn 4 chân” không được cứu chữa, điều trị kịp thời trong giai đoạn giãn cách.
Khác với Ja, "boss" của Tường Vy lại là một bé mèo không thể dùng chung thức ăn với người vì dễ mắc bệnh đường ruột. Ở đợt giãn cách đầu tiên vào giữa tháng 6, cô bạn còn có thể “vớt vát” thịt cá từ các siêu thị, cửa hàng hoặc đặt người giao tới. Sau đó thời gian giãn cách kéo dài, Tường Vy phải rất khó khăn để tìm mua được thức ăn, đồ dùng cho mèo cưng.
Cảm ơn đời vì có "boss"
Diễn biến dịch căng thẳng tại TP.HCM khiến bầu không khí trong nhà nhiều khi căng như dây đàn. Là nỗi lo âu, sợ hãi gấp nhiều lần khi mỗi ngày số ca nhiễm ngoài cộng đồng lên đến con số hàng nghìn. Là phải tính toán chi li từng chút để chu toàn cho gia đình. Là cảm giác bức bối, khó chịu khi nhiều tháng liền không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Vì thế sự xuất hiện của Ja như một “món quà” mà "vũ trụ” đã mang đến cho Kim Anh. Cho Ja ăn vào mỗi buổi sáng, ngắm hoàng hôn cùng Ja, đưa Ja “góp vui” vào mấy buổi video call cùng bè bạn, hoặc chỉ là nhìn cô mèo ngủ say sưa cũng giúp những ngày giãn cách trôi qua dễ dàng hơn.
“Đôi lúc chỉ ngồi ngắm Ja thôi cũng khiến mình vô cùng hạnh phúc. Chăm sóc Ja giúp mình có "lý do" để... rời khỏi giường vào mỗi buổi sáng. Ja còn là "cầu nối" giữa mình và người thương đang du học ở xa nữa. Từ khi nuôi Ja, tụi mình chưa bao giờ hết chuyện để nói luôn đó!” - Kim Anh vui vẻ.
Thú vui mỗi ngày của Phương Uyên chính là trò chuyện cùng bầy chim. “Boss” của cô bạn chính là những chú chim nhiều màu sắc, với những cái tên hết sức đáng yêu: Dâu, Cà rốt, Nger, Ngác, Chill,...
Mỗi “người bạn” đều có “tính nết” khác nhau. Có “đứa” ưa “bạo lực”, đang đứng trên vai thì tự dưng “nổi quạu” bứt văng bông tai khiến Uyên đau thấu tận trời xanh. Có “đứa” máu “tăng động”, lúc nào cũng nhảy nhót véo von. Trong mùa dịch này, điện thoại Phương Uyên chỉ toàn là những khoảnh khắc hết sức “ngáo ngơ” của bầy chim - cũng là những “người bạn” ồn ào nhưng vô cùng đặc biệt.
“Những giống chim nhà mình nuôi đều lai vẹt, biết hát theo bài và hiểu sơ sơ tiếng người chứ không nói giỏi như vẹt. Chán thì mình sẽ ngồi nói chuyện vu vơ với tụi nó nè, hoặc là "xách" tụi nó thả vô phòng. Chim chơi phần chim, mình làm việc của mình, lâu lâu quay qua nói chuyện, cảm giác như đi cà phê tám chuyện với bạn vậy đó. Mình nghĩ mình sắp hiểu được "ngôn ngữ" của mấy ẻm luôn rồi!” - Phương Uyên hào hứng.
Với Kim Anh, Tường Vy, Phương Uyên và rất nhiều “con sen” khác, vật nuôi còn là một người bạn, một người thân sẽ cùng các bạn đi qua những ngày dài giãn cách, với niềm tin Sài Gòn sẽ sớm khỏe lại thôi.