Gián điệp Trung Quốc xâm nhập hàng ngũ lực lượng phòng vệ Đài Loan
Các cuộc điều tra mới đây hé lộ chiến dịch hoạt động gián điệp ở quy mô lớn của Trung Quốc đại lục nhắm vào giới lãnh đạo lực lượng phòng vệ Đài Loan.
Suốt hơn 20 năm qua, Xie Xizhang hoạt động dưới vỏ bọc một doanh nhân Hong Kong làm việc ở Đài Loan. Lúc này, người đàn ông đang bị cáo buộc hoạt động gián điệp cho Trung Quốc đại lục.
Nhiều quan chức Đài Loan cùng thành viên gia đình bị cáo buộc đã bán mình cho Xie, đổi lại những chuyến du lịch nước ngoài xa hoa, những khoản thanh toán hàng nghìn USD, cùng các mặt hàng thời trang xa xỉ.
Tháng 6/2019, cơ quan phản gián Đài Loan khởi động chiến dịch bóc gỡ mạng lưới gián điệp của Xie ở hòn đảo. Tài liệu từ cuộc điều tra vén màn chiến dịch tình báo của Trung Quốc đại lục nhắm vào hàng ngũ quan chức lực lượng phòng vệ Đài Loan, dẫn đến nhiều vụ bắt giữ và truy tố thời gian qua, theo Reuters.
Hoạt động gián điệp quy mô lớn
Trong 10 năm qua, ít nhất 21 quan chức quân sự Đài Loan mang quân hàm từ đại úy trở lên đã bị kết án hoạt động gián điệp cho Trung Quốc đại lục. Ít nhất 9 quan chức khác của lực lượng phòng vệ Đài Loan đang bị điều tra, truy tố do có liên hệ với tình báo Trung Quốc đại lục.
Những quan chức bị kết án thường vì giúp gián điệp Trung Quốc tuyển mộ nguồn tin, hoặc chuyển giao thông tin nhạy cảm cho đại lục, gồm thông tin liên hệ của các quan chức Đài Loan cấp cao, hoặc thông tin về gián điệp của hòn đảo hoạt động tại Trung Quốc.
Các vụ điều tra cho thấy Trung Quốc tiến hành chiến dịch do thám ở quy mô lớn nhằm vào hệ thống lãnh đạo dân sự - quân sự của Đài Loan, làm suy yếu ý chí phản kháng của hòn đảo, đồng thời khai thác thông tin chi tiết về công nghệ và kế hoạch phòng thủ của Đài Loan.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan tuyên bố đã triển khai các biện pháp phản gián chủ động, ngăn chặn âm mưu gián điệp của tình báo Trung Quốc đại lục. Cơ quan này khẳng định lực lượng phòng vệ hòn đảo "chưa bị xâm nhập".
Tuy nhiên, một số cơ quan khác của chính quyền Đài Loan đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ gián điệp. Hội đồng Quan hệ Đại lục của Đài Loan cho biết Trung Quốc không ngừng mở rộng hoạt động gián điệp, coi đây là một trong những chiêu bài chính trị chủ chốt nhắm vào hòn đảo, phá hoại "sự phát triển bình thường của quan hệ giữa hai bờ eo biển".
Giới chuyên gia quân sự nhận định việc cài cắm điệp viên trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao lực lượng phòng vệ Đài Loan sẽ giúp Trung Quốc đại lục có "lợi thế vô giá" trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự.
"Trung Quốc tiến hành các âm mưu xâm nhập rất có trọng tâm nhắm vào Đài Loan", Lu Li Shih, một cựu quan chức lực lượng phòng vệ Đài Loan, cho biết.
Các vụ hoạt động gián điệp đã bị bóc trần cho thấy Bắc Kinh xâm nhập gần như ở mọi cấp độ, kể cả nhóm tướng lĩnh cấp cao, bất chấp các nỗ lực phản gián của Đài Loan.
Điệp viên Trung Quốc thường tiếp cận mục tiêu bằng những món quà nhỏ, mời ăn uống hoặc tham dự sự kiện. Bắc Kinh sẵn sàng trả giá cao cho những lần giao dịch thông tin nhạy cảm đầu tiên từ quan chức Đài Loan, ông Lu nói. Từ đó, gián điệp Trung Quốc đại lục sẽ tống tiền, buộc quan chức Đài Loan phải tiếp tục cung cấp thêm thông tin.
Vũ khí uy lực của Trung Quốc
Từ lâu, hoạt động gián điệp là một vũ khí ưa thích của Trung Quốc đại lục.
Các cuộc điều tra gần đây cho thấy một trong các ưu tiên của Bắc Kinh là nuôi dưỡng sự bất mãn trong lực lượng phòng vệ Đài Loan. Dù quân đội Trung Quốc đại lục có sức mạnh áp đảo, Bắc Kinh vẫn sẽ vấp phải nhiều khó khăn nếu định thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.
Ngay cả khi không có trợ giúp từ bên ngoài, lực lượng phòng vệ Đài Loan vốn được huấn luyện và trang bị tốt có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho đội quân tấn công.
Việc thu thập thông tin về kế hoạch phòng thủ, mật mã thông tin liên lạc, vị trí đóng quân và cất giấu vũ khí của Đài Loan có thể giúp Trung Quốc đại lục nắm được lợi thế không nhỏ, giảm thiểu rủi ro khi quyết định dùng vũ lực.
Các sĩ quan phản bội sẽ từ chối chiến đấu, đưa ra những chỉ thị sai lệch cho binh sĩ dưới quyền, hoặc đơn giản là đào ngũ sang phía bên kia.
Trong một báo cáo hồi tháng 9, cơ quan phòng vệ Đài Loan thừa nhận gián điệp Trung Quốc đại lục có thể tấn công vào cơ quan đầu não và sát hại lãnh đạo quân sự - chính trị hòn đảo, làm suy giảm nhuệ khí của lực lượng vũ trang.
Ngay cả trong thời bình, việc phát hiện mạng lưới tình báo quy mô lớn của Trung Quốc đại lục cũng giáng đòn vào sĩ khí của Đài Loan.
"Khi đã tạo ra tâm lý nghi ngờ về sự liêm chính của người chỉ huy, bất mãn, mục nát sẽ nảy sinh và ngày càng sâu sắc", Grant Newsham, cựu quan chức Thủy quân lục chiến Mỹ nghiên cứu về Đài Loan, nhận định.
Một số quan chức quân sự Đài Loan về hưu lo ngại việc liên tiếp xảy ra các vụ gián điệp có thể khiến Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của hòn đảo, do dự chia sẻ vũ khí công nghệ cao và thông tin tình báo nhạy cảm do lo ngại lộ lọt vào tay Bắc Kinh.
Đánh vào sự chia rẽ ở Đài Loan
Trung Quốc từ lâu đã nhắm vào các chỉ huy Đài Loan về hưu có quan hệ gần gũi với đại lục. Một trong các chiến thuật ưa thích của Bắc Kinh là khai thác chia rẽ chính trị ngày càng sâu sắc giữa đảng Dân Tiến cầm quyền và Quốc Dân đảng đối lập.
Đảng Dân Tiến nhận được sự ủng hộ rộng rãi của giới trẻ, thế hệ định vị bản thân là người Đài Loan chứ không phải công dân Trung Quốc.
Trong khi đó, Quốc Dân đảng vẫn bám víu vào giấc mơ thống nhất toàn bộ Trung Quốc, đồng thời ủng hộ xây dựng quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh.
Nhiều chỉ huy lão thành, sĩ quan nghỉ hưu của lực lượng phòng vệ Đài Loan vốn đã tại ngũ từ hàng chục năm trước ủng hộ Quốc Dân đảng và hiện cạnh tranh với đảng Dân Tiến để giành quyền lực.
Đa phần sĩ quan Đài Loan nghỉ hưu không ủng hộ đại lục. Tuy vậy, họ được chào đón mỗi khi đến Bắc Kinh tham dự các buổi hội thảo, các cuộc tiếp tân với cựu quan chức quân đội Trung Quốc.
Một số cựu quan chức cho biết những chuyến thăm Trung Quốc như vậy làm ảnh hưởng tới hình ảnh lực lượng phòng vệ hòn đảo. Tuy nhiên, họ nhận định các sĩ quan trẻ hiện nay ít bị hấp dẫn với ý tưởng "Một Trung Quốc".
Một trong những thách thức lớn với nỗ lực phản gián của Đài Loan là hình phạt tương đối lỏng lẻo dành cho các cựu quan chức về hưu hoạt động gián điệp.
Theo luật quân sự, sĩ quan tại ngũ hoạt động gián điệp có thể đối mặt án tù chung thân hoặc tử hình. Nhưng khi đã về hưu, người phạm tội nếu bị kết án sẽ chỉ nhận hình phạt tù có thời hạn tương đối ngắn.
Trước sức ép của công luận, tháng 6/2019, cơ quan lập pháp Đài Loan đã tăng hình phạt cho cựu sĩ quan phạm tội nghiêm trọng lên tối thiểu 7 năm tù và tiền phạt 3 triệu USD.