Gian lận điểm thi ở Sơn La: Không vì tiền, nâng điểm giúp người dưng?
Những người liên quan gian lận thi ở Sơn La đều nhờ xem điểm trước cho con bạn thân cùng lớp của chồng; con đồng hao của em vợ; học sinh cũ thậm chí nhờ giúp người không quen biết... Một điểm chung là tất cả thí sinh cần xem điểm trước đều được nâng điểm.
Ngày 17/10, TAND tỉnh Sơn La tiếp tục xét hỏi các nhân chứng liên quan vụ gian lận điểm thi THTP Quốc gia năm 2018 tại tỉnh. Các nhân chứng này được xác định đã chuyển thông tin thí sinh cho nhóm 8 bị cáo trong vụ nâng điểm.
Tuy vậy, tất cả nhân chứng khẳng định chỉ nhờ xem điểm trước nhưng sau đó, họ cũng không được nhận thông tin điểm số trước khi Bộ GD&ĐT công bố trên mạng internet; họ không biết việc con em mình được nâng điểm.
Nhân chứng Phan Ngọc Sơn cho biết ông là cấp dưới của bị cáo Trần Xuân Yến – nguyên Phó GĐ Sở GD&ĐT Sơn La. Có con tham gia thi, ông Sơn đã nhắn thông tin của con mình cho bị cáo Yến để nhờ xem điểm trước nhưng kết quả, thí sinh này được nâng điểm.
Chủ tọa đặt câu hỏi, ông Sơn là người trong ngành giáo dục, biết rõ điểm số sẽ được công bố lên mạng, tại sao cần biết điểm trước? Nhân chứng này đáp: “Có con dự thi rất mong muốn biết kết quả, khi nhờ tôi cũng không biết sẽ vi phạm... Ba môn cháu được 27 điểm, trúng tuyển Kinh tế quốc dân. Sau chấm thẩm định có thông tin cháu được nâng 7,45 điểm nên đã tự nghỉ học”.
Tương tự, nhân chứng Đỗ Kim Quang – GĐ VNPT cho biết có quen biết Hoàng Tiến Đức – GĐ Sở GD&ĐT nên đã: “Nhờ xem giúp kết quả trước cho cháu là con của đồng hao với em vợ tôi nhưng sau không có thông tin nào... Khi công bố, cháu được hơn 24 điểm, sau thẩm định còn 19 điểm”.
Đáng chú ý, nhân chứng Lê Văn Thời – giám đốc một doanh nghiệp tại Sơn La cho biết đã nhờ ông Hoàng Tiến Đức giúp một người không quen. “Tôi là đối tác với anh Đức từ ngày ở huyện Mai Sơn. Trong bữa ăn ở nhà hàng của tôi, tôi đi mời rượu và có khách hỏi có quen anh Đức để nhờ xem điểm trước. Tôi mang mảnh giấy có số báo danh đưa cho anh Đức... Tôi không quen biết gì người nhờ, họ chỉ là khách nhà hàng”.
Theo tài liệu tố tụng, ông Lê Văn Thời đã chuyển thông tin thí sinh Nguyễn Hà Phong cho ông Hoàng Tiếng Đức. Thí sinh Phong sau đó được nâng điểm 3 môn Toán, Văn, Lịch sử lên 27 điểm.
Đáng chú ý, ông Lê Trọng Bình – Phó chủ tịch UBND TP Sơn La cho tòa biết có quen ông Nguyễn Ngọc Hà – Trưởng phòng THPT Sở GD&ĐT và Nguyễn Minh Khoa – Phó phòng PA03 Công an Sơn La.
Vì vậy, ông Bình đã nhờ Nguyễn Minh Khoa xem điểm trước cho con; nhờ Nguyễn Ngọc Hà xem điểm cho cháu vì muốn biết trước kết quả. “Con tôi được 27 điểm, thẩm định xong bị hạ điểm” – ông Bình nói.
Nhân chứng tiếp, bà Chu Thị Mai Hương nói bố mẹ mình nhận bà Dương Thị Đạt làm con nuôi; bà Đạt là đồng nghiệp trong ngành giáo dục của ông Nguyễn Ngọc Hà. Bà Hương đã nhờ bà Đạt tác động để ông Hà xem điểm trước cho một thí sinh thuê trọ nhà mình. Tuy vậy, bà Hương chỉ biết thí sinh này được 26 điểm sau thi, không biết điểm chấm thẩm định là bao nhiêu.
Trong vụ án, một số bị cáo khai đã nhận hàng trăm triệu đồng trên mỗi trường hợp được nâng điểm. Tuy vậy, chỉ 1 nhân chứng thừa nhận có đưa tiền; tất cả nhân chứng, người liên quan khác khẳng định chỉ nhờ xem điểm trước, không nhờ nâng điểm và cũng không đưa tiền. Cơ quan tố tụng cho rằng không đủ căn cứ làm rõ hành vi đưa, nhận hoặc môi giới hối lộ.