Gian lận thi cử - Do con người cố tình sai phạm
Nói về các sự việc gian lận điểm thi vừa qua tại một số tỉnh, TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ: Việc tiêu cực xảy ra tại một số tỉnh Sơn La, Hà Giang… là không ai muốn có. Đúng là đã tạo ra cú sốc rất lớn cho phụ huynh học sinh và những người làm giáo dục như chúng ta. Thật sự rất đau xót.
Đổi mới thi cử của chúng ta là để không tạo áp lực cho học sinh. Nhưng phải đảm bảo sự trung thực, khách quan. Và vì thế chúng ta đã đưa thi trắc nghiệm ở các bộ môn vào, và hi vọng rằng việc thi trắc nghiệm nhiều mã đề như thế thì học sinh không quay cóp được. Đặc biệt còn được chấm bằng máy.
Tuy nhiên, qua sự việc gian lận điểm thi vừa qua thì cũng thấy rằng những giải pháp trên không giải quyết được vấn đề tiêu cực. Ở đây vẫn là con người. Những người làm giáo dục ở Hà Giang chẳng hạn, họ không phải không biết pháp luật, không biết điều đó là cấm không được làm. Nhưng người ta vẫn làm. Chứng tỏ là người ta coi thường pháp luật, chứng tỏ người ta bất chấp đạo lý. Họ chỉ vì lợi ích của mình, để đáp ứng nhu cầu của một số phụ huynh mà dám hi sinh các thứ khác.
Theo tôi, động cơ để người ta bất chấp pháp luật để thực hiện hành vi gian lận là vì lợi ích. Một số phụ huynh muốn con mình thi đạt vào các trường ĐH tốp đầu, mặc dù học lực kém chẳng hạn. Và như thế tạo ra sự bất bình đẳng, đưa học sinh vào một quan niệm không cần cố gắng học tập rèn luyện, mà chỉ bằng quan hệ, bằng tiền tệ sẽ giải quyết được mọi thứ. Đây là một gương rất xấu. Trong xã hội đúng là có rất nhiều tiêu cực chúng ta phải giải quyết dần dần, nhưng tôi muốn trong giáo dục phải giải quyết một cách triệt để, để làm sao những tiêu cực trong giáo dục là không thể làm được. Ví dụ quy chế thi của chúng ta, việc chấm thi của chúng ta vẫn còn kẽ hở. Giờ phải sửa đổi, các tỉnh không được chấm bài của mình, phải bí mật chuyển đi để không biết chấm của thí sinh nào… Thứ hai, phải có kỷ luật để người ta thấy không thể làm tiêu cực kiểu này được nữa. Người ta phải mất hết, hi sinh tất cả, thì có chấp nhận được không? Trước đây chúng ta làm không triệt để, chưa có cái gương nào để người ta thấy giải quyết thấu đáo. Vì trước đây tiêu cực nằm ở phía học sinh nhiều như quay cóp, trao đổi bài… Bây giờ thành hệ thống rồi.
Huyền Trang (tổ chức và thực hiện)