Gian lận thi cử Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La nên đưa về trung ương xử lý
Theo ông Lê Như Tiến: 'Tôi nghĩ kiến nghị của ông Trí là phù hợp vì lường trước được việc ở địa phương với nhau có những cái nương nhẹ'.
Ngày 16/9, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La hoãn phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến gian lận điểm thi trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 vì nhiều nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng mặt. Theo đó, trong số 43 nhân chứng thì chỉ 12 người có mặt.
Nhân chứng Hoàng Tiến Đức, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã không có mặt tại tòa.
Trước khi phiên tòa được mở, dư luận trông chờ về màn đối chứng lời khai giữa ông Hoàng Tiến Đức và ông Trần Xuân Yến. Vì điều này góp phần làm sáng tỏ có hay không việc nhận tiền để sửa điểm?
Ngày 18/9, Tòa án tỉnh Hà Giang cũng quyết định hoãn phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến gian lận thi cử tại tỉnh này. Lý do là vì vắng mặt đến hơn 100 nhân chứng và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Việc hai phiên tòa xét xử các vụ án liên quan đến gian lận thi cử một lần nữa cho thấy mức độ phức tạp của vụ việc gian lận thi cử năm 2018.
Ngay cả khi quá trình điều tra bước đầu đã hoàn thành, vụ án được đưa ra xét xử thì dư luận vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra cần giải đáp, trong đó có yếu tố đưa và nhận tiền hay không?
Cho đến thời điểm này, vụ việc ở Sơn La, Hà Giang chưa chứng minh được điều này, trong khi Hòa Bình đã làm rõ.
Trong kỳ họp tại Thường vụ Quốc hội mới đây, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã nhắc tới vụ gian lận thi cử ở Sơn La và cho rằng, vụ án này không thuộc án Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo nhưng để ở dưới địa phương không làm được.
Bình luận về ý kiến này, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội - ông Lê Như Tiến cho rằng: “Pháp luật rất rõ ràng, chỉ có điều trong quá trình làm có khi do ở địa phương có cái du di nên thiếu tính khách quan.
Ở địa phương có viện kiểm sát, cơ quan điều tra, tòa án nhưng dù sao trên địa phương mình không thể tránh khỏi những nể nang nên làm có thể chưa đúng với quy định của pháp luật.
Nên tôi thấy ý kiến của ông Lê Minh Trí rất phù hợp vì người ta lo địa phương ứng xử với nhau về tình làng, nghĩa xóm, cấp trên, cấp dưới.
Khách quan nhất là cơ quan điều tra cấp trên, kiểm sát, tòa cấp trên vào cuộc”.
Cuối cùng ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Tôi nghĩ kiến nghị của ông Trí là phù hợp vì lường trước được việc ở địa phương với nhau có những cái nương nhẹ tay, bao che dễ làm sai lệch đi tội danh.
Nếu thấy phù hợp cơ quan có thẩm quyền nên quyết định”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng: “Để cho minh bạch, đúng người, đúng tội gửi về Trung ương là đúng.
Không chỉ Sơn La mà các tỉnh cũng nên như thế”.
Trước đó Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, ngày 12/9, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng chống tham nhũng năm 2019.
Đáng chú ý, trong báo cáo của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng các vụ án liên quan đến tiêu cực trong tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở một số địa phương hiện dư luận và cử tri còn băn khoăn, đề nghị làm rõ trách nhiệm của những phụ huynh can thiệp làm sai lệch kết quả thi.
Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình không đồng tình với đánh giá các sai phạm, vi phạm trong vụ gian lận thi cử tại kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 “đã được xử lý nghiêm”.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đông của Quốc hội nhấn mạnh, những người tham gia có ba vai trò: người hối lộ, người nhận hối lộ để thực hiện hành vi sai phạm (sửa, nâng điểm) và người thụ hưởng hành vi sai phạm đó.
Hiện chúng ta mới xử lý những người có trách nhiệm làm sai, còn có hay không những người đưa tiền thì chúng ta chưa làm rõ.
Chúng ta có xử lý nhưng chỉ mới xử lý kỷ luật hành chính”, ông Bình nói và đề nghị phải làm rõ vì sao những người có trách nhiệm lại làm như vậy.
Ngay sau đó trong phần giải trình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí đã nhắc tới vụ gian lận thi cử ở Sơn La.
“Ở tỉnh điều tra một hồi thì ra tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trung ương đang định điều tra tội đưa và nhận hối lộ và sẽ còn khởi tố bổ sung 7 bị can nữa”, ông Trí cho hay.
Theo ông Trí, vụ án này không thuộc án Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo nhưng để ở dưới địa phương không làm được.
“Đồng chí Nguyễn Hòa Bình (Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao – phóng viên) cũng trăn trở nói với tôi tội đó phải là đưa, nhận hối lộ. Tội lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ không chính xác vì có yếu tố nhận tiền”, ông Trí nêu quan điểm.