Gian lận thi cử ở trời Tây: Cách xử lý 'tâm phục khẩu phục'
Không riêng Việt Nam, một số nước trên thế giới cũng từng xảy ra bê bối gian lận thi cử gây rúng động dư luận. Đặc biệt, không chỉ học sinh, sinh viên, phụ huynh mà cả hiệu trưởng cũng liên quan đến gian lận thi cử. Một số trường hợp phải ra hầu tòa và bị kết án tù.
Những ngày qua, dư luận và truyền thông trong nước theo dõi sát sao diễn biến về điểm thi THPT ở tỉnh Hà Giang cao bất thường. Liên quan đến sự việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn tất việc chấm thẩm định toàn bộ bài thi trắc nghiệm ở Hà Giang.
Kết quả chấm thi lại cho thấy 114 thí sinh với hơn 330 bài thi được nâng điểm. Có em tổng điểm các môn thi được làm tăng lên đến 29,95 so với mức thực tế đạt được. Vì vậy, Hội đồng chấm thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra quyết định kết quả chấm thẩm định được sử dụng thay thế cho toàn bộ kết quả chấm thi trắc nghiệm do Hội đồng thi Sở Giáo dục công bố trước đó.
Gian lận thi cử không phải là vấn đề riêng của Việt Nam. Trước đó, dư luận thế giới từng rúng động trước những vụ bê bối thi cử lớn. Ví dụ như vào năm 2012, một vụ gian lận thi cử lớn xảy ra tại Đại học Harvard (Mỹ). Đây là một trong những trường đại học danh giá nhất thế giới.
Theo thông tin của Đại học Harvard, 125 sinh viên bị điều tra vì nghi ngờ có thể đã cùng nhau làm bài thi cuối khóa ở nhà, bất chấp yêu cầu về việc phải tự làm bài một mình.
Bê bối này trở thành tâm điểm chú ý của nhà trường cũng như dư luận khi một thành viên của trường Đại học Harvard lưu ý về “sự giống nhau giữa một số bài thi”.
Trường Harvard không tiết lộ danh tính của lớp học vì muốn bảo vệ danh tính của các sinh viên bị nghi ngờ có liên quan đến vụ gian lận. Để làm sáng tỏ vụ việc, hơn 100 sinh viên trên bị Ban quản trị trường Harvard triệu tập để lấy lời khai trong cuộc điều tra.
Ban quản trị trường Harvard cho hay nếu sinh viên nào bị phát hiện gian lận, họ có thể bị đình chỉ học trong 1 năm.
Gian lận thi cử cũng trở thành vấn đề "nóng" ở Ấn Độ. Cứ đến mùa thi, vấn nạn gian lận thi cử lại diễn ra khi nhiều phụ huynh Ấn Độ bỏ ra số tiền lớn cho đường dây gian lận thi cử để các con vượt qua kỳ thi vào đại học.
Vụ gian lận thi cử được biết đến nhiều nhất ở quốc gia này xảy ra vào năm 2015. Khi ấy, những đoạn clip lan truyền trên các phương tiện truyền thông ở Ấn Độ cũng như thế giới ghi lại cảnh nhiều phụ huynh ở bang Bihar trèo lên một tòa nhà 5 tầng để đưa đáp án bài thi cho con trong lúc thi.
Đến tháng 7/2017, dư luận thế giới lại xôn xao trước vụ gian lận thi cử ở một ngôi trường phổ thông của Senegal. Khi ấy, 42 người, không chỉ học sinh mà còn có cả một hiệu trưởng và các giáo viên, bị buộc tội âm mưu gian lận để nhận được những lợi ích vật chất lớn. Vụ bê bối này bị phát giác sau khi các bài thi bị rò rỉ.
Vụ bê bối thi cử này khiến bài thi tiếng Pháp và Lịch sử - Địa lý tại ngôi trường trên bị hủy bỏ. Mới đây, tòa án ở Senegal đã tuyên án đối với những cá nhân liên quan đến vụ gian lận thi cử trên. Theo đó, hiệu trưởng bị kết án 5 năm tù và phải bồi thường 498.000 USD.
Một giáo viên bị kết án 2 năm tù và bị phạt tiền 17,9 triệu USD cộng với việc bị tịch thu tài sản. Những giáo viên và học sinh khác bị tuyên án từ 2 tháng cho đến 1 năm tù treo. Một số học sinh được tự do sau 7 tháng giam giữ. Đây được cho là bản án nghiêm khắc dành cho những người liên quan đến vụ bê bối gian lận thi cử ở trường học. Đồng thời là tiếng chuông cảnh tỉnh các em học sinh cũng như những người làm trong ngành giáo dục không nên vi phạm quy định thi cử.