Gian lận thi ở Sơn La: Cơ quan điều tra tạm giữ hàng tỷ đồng 'nhờ nâng điểm' từ bị can
Cơ quan an ninh điều tra thu giữ, tạm giữ nhiều vật chứng và cả số tiền lên đến hàng tỷ đồng từ bị can trong vụ gian lận thi cử ở Sơn La.
Theo kết luận điều tra giai đoạn 1 của Cơ quan An ninh điều tra về vụ gian lận thi cử ở Sơn La, cơ quan công an tạm giữ gần 2,5 tỷ đồng của những người liên quan.
Trong đó, bị can Nguyễn Thị Hồng Nga bị tạm giữ 950 triệu đồng, bị can Cầm Thị Bun Sọn 440 triệu đồng, ông Lê Thanh Sơn (em vợ Lò Văn Huynh) 1 tỷ đồng và bà Nguyễn Minh Nguyệt (em gái Nguyễn Thị Hồng Nga) bị tạm giữ 50 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan công an còn tạm giữ nhiều đồ vật và tài liệu liên quan khác.
Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La xác định, trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, các bị can Trần Xuân Yến, Nguyễn Thị Hồng Nga, Đặng Hữu Thủy, Cầm Thị Bun Sọn, Lò Văn Huynh, Nguyễn Thanh Nhàn, Đỗ Khắc Hưng, Đinh Hải Sơn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhận, câu kết sửa bài thi nâng điểm cho 44 thí sinh.
Quá trình điều tra, bị can Nguyễn Thị Hồng Nga khai nhận thỏa thuận, nhận số tiền 1,04 tỷ đồng từ Trần Văn Điện khi sửa giúp bài thi, nâng điểm cho thí sinh N.T.H, N.V.M, T.I.Q, N.V.C. Bị can và người thân tự nguyện giao nộp tiền cho cơ quan công an.
Tuy nhiên, Trần Văn Điện và người thân các thí sinh không thừa nhận. Ngoài lời khai của bị can, không có tài liệu khác bổ trợ nên không đủ căn cứ quy kết. Cơ quan an ninh điều tra xác định đây là tiền vụ lợi cần tịch thu theo quy định của pháp luật.
Bị can Cầm Thị Bun Sọn khai có thỏa thuận, thống nhất và được bà Hoàng Thị Thành đưa 440 triệu đồng giúp nâng điểm cho thí sinh Dương Hoàng Trung và tự nguyện giao nộp số tiền này.
Tuy nhiên, bà Hoàng Thị Thành không thừa nhận. Lời khai của Sọn không có tài liệu, chứng cứ nào khác nên không đủ căn cứ quy kết. Cơ quan công an xác định số tiền này là tiền vụ lợi cần tịch thu theo quy định của pháp luật.
Bị can Lò Văn Huynh khai sau khi nhận lời giúp nâng điểm cho thí sinh L.M.H, được bà Lò Thị Trường đưa 300 triệu đồng nhưng ngày 24/7/2018, Huynh trả lại số tiền này cho bà Trường. Đồng thời, Huynh cũng thỏa thuận với Nguyễn Minh Khoa tiền giúp nâng điểm cho mỗi thí sinh là 700 triệu đồng và được Khoa đưa trước số tiền là 1 tỷ đồng. Số tiền này Lò Văn Huynh và người thân đã tự nguyện giao nộp cho Cơ quan an ninh điều tra.
Tuy nhiên, bà Lò Thị Trường khai không thỏa thuận cụ thể và chưa đưa tiền cho Lò Văn Huynh; ông Nguyễn Minh Khoa không thừa nhận. Ngoài lời khai của Huynh, không có tài liệu, chứng cứ nào khác nên không đủ cơ sở quy kết về việc đưa, nhận tiền. Xác định số tiền này là tiền vụ lợi cần tịch thu theo quy định của pháp luật.
Cũng theo kết luận điều tra, 8 người liên quan đến gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018 bị đề nghị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015.
Các bị can gồm: Trần Xuân Yến (cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La); Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng); Cầm Thị Bun Sọn (cựu Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng); Đặng Hữu Thủy (cựu Phó hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu);
Lò Văn Huynh (cựu Phó trưởng phòng Khảo thí Sở GD&ĐT Sơn La); Nguyễn Thanh Nhàn (cựu Phó trưởng phòng khảo thí Sở GD&ĐT Sơn La); Đinh Hải Sơn (cựu Thiếu tá, nguyên Đội phó đội giáo dục, Phòng an ninh chính trị nội bộ); Đỗ Khắc Hưng (cựu Trung tá, cán bộ phòng An ninh chính trị nội bộ)
Sơn La là một trong ba địa phương "dính" gian lận thi cử năm 2018. Theo Cơ quan An ninh Điều tra - Công an tỉnh Sơn La, có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi công bố trước đây. Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9 điểm.
Trong danh sách 44 thí sinh, có tới 12 trường hợp là con em các cán bộ đang công tác trong ngành giáo dục và đào tạo tỉnh này.