Gian lận thi Sơn La, Hà Giang: Cựu công an trốn triệu tập, mặc cấp dưới hầu tòa
Một công an nguyên là phó phòng thuộc Công an tỉnh Sơn La bị xác định đã giúp 5 thí sinh và được tòa triệu tập trong vai trò nhân chứng. Tuy nhiên, người này đã bỏ đi khỏi nơi cư trú, không chấp hành lệnh dẫn giải, mặc cho 2 cán bộ cấp dưới đứng trước 'vành móng ngựa'.
Nâng điểm giúp người “dưng”
Ngày 17/10, TAND tỉnh Sơn La tiếp tục phần xét hỏi trong phiên xử vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018. Theo truy tố, 8 bị cáo trong vụ án đã nhận thông tin thí sinh từ những người trung gian rồi cấu kết nâng điểm cho 44 trường hợp và được nhận hàng tỷ đồng tiền cảm ơn. Những người trung gian này lại được tòa triệu tập trong vai trò nhân chứng và tất cả phủ nhận việc nhờ nâng điểm hoặc đưa tiền, họ cho biết chỉ “nhờ các bị cáo xem điểm trước và hoàn toàn không biết con em mình được can thiệp điểm số”(?).
Nhân chứng Phan Ngọc Sơn, cán bộ giáo dục cho biết, đã nhờ bị cáo Trần Xuân Yến, nguyên Phó GĐ Sở GD&ĐT Sơn La xem trước kết quả. Chủ tọa hỏi, ông Sơn là người trong ngành Giáo dục và biết rõ điểm số sẽ được công bố lên mạng, tại sao cần biết điểm trước? Nhân chứng này đáp: “Có con dự thi rất mong muốn biết kết quả... Ba môn cháu được 27 điểm, trúng tuyển Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Sau chấm thẩm định có thông tin cháu được nâng 7,45 điểm nên đã tự nghỉ học”.
Tiếp đến, nhân chứng Lê Văn Thời, Giám đốc một doanh nghiệp cho biết đã nhờ ông Hoàng Tiến Đức, GĐ Sở GD&ĐT Sơn La giúp xem điểm cho con một “người dưng”. “Tôi là đối tác với anh Đức từ ngày ở huyện Mai Sơn. Trong bữa ăn ở nhà hàng của tôi, tôi đi mời rượu và có khách hỏi có quen anh Đức để nhờ xem điểm trước. Tôi mang mảnh giấy có số báo danh đưa cho anh Đức... Tôi không quen biết gì người nhờ, họ chỉ là khách nhà hàng”. Theo tài liệu tố tụng, ông Thời đã chuyển thông tin thí sinh Nguyễn Hà Phong cho ông Hoàng Tiến Đức và thí sinh này được nâng lên mức 27 điểm.
Bà Chu Mai Hương là nhân chứng tiếp theo nói: Bố mẹ mình nhận bà Dương Thị Đạt làm con nuôi; bà Đạt là đồng nghiệp trong ngành Giáo dục của ông Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng phòng THPT, Sở GD&ĐT Sơn La. Bà Hương đã nhờ bà Đạt tác động để ông Hà xem điểm trước cho Phạm Anh Dũng - một thí sinh thuê trọ nhà mình, việc này không có lợi ích vật chất can thiệp. Kết quả điều tra thể hiện, thí sinh Dũng bị hạ 14,9 điểm sau chấm thẩm định.
Cựu sĩ quan trốn lệnh triệu tập
Cũng tại tòa, ông Lê Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Sơn La cho tòa biết, đã nhờ Nguyễn Ngọc Hà xem điểm cho cháu và Nguyễn Minh Khoa, Phó phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La (PA03) xem điểm cho con. Tuy nhiên, con cháu ông Bình đều được nâng điểm tới mức đỗ đại học ngành công an, trong đó con ông được 27 điểm và bị hạ sau chấm thẩm định..
Được xét hỏi, nhân chứng Nguyễn Thị Thúy cho biết, bà công tác tại Đại học Tây Bắc, là đồng nghiệp với bà Huệ, vợ ông Nguyễn Minh Khoa. Chủ tọa nói nhân chứng Khoa hiện không có mặt tại tòa, đã đi khỏi nơi cư trú dù có quyết định dẫn giải đến phiên xử. Hồ sơ vụ án thể hiện bà Thúy đã chuyển thông tin thí sinh Đỗ Hoàng Điệp cho ông Khoa để xem điểm trước. Được yêu cầu khai báo, bà Thúy đáp: “Tôi không cung cấp bất cứ thông tin thí sinh nào cho ai”.
Tuy vậy, kết quả điều tra thể hiện ông Khoa đã chuyển thông tin thí sinh Điệp cho cấp dưới là bị cáo Đỗ Khắc Hưng, yêu cầu nâng môn Toán lên 9,0 điểm (bị trừ 2,2 điểm sau chấm thẩm định).
Theo điều tra, ông Khoa đã nhận giúp đỡ 2 thí sinh cho ông Lê Trọng Bình, 1 em cho bà Thúy và 2 thí sinh cho ông Lê Minh Loan, nguyên Trưởng phòng PX14 Công an tỉnh Sơn La. Sau đó, ông Khoa chuyển thông tin 5 thí sinh này cho Lò Văn Huynh, Trưởng phòng Khảo thí Sở GD&ĐT Sơn La và các bị cáo Đỗ Khắc Hưng, Nguyễn Hải Sơn, đều là cán bộ phòng PA03, yêu cầu can thiệp. Bị cáo Huynh khai thêm, ông Nguyễn Minh Khoa chuyển 1 tỷ đồng để nhờ nâng điểm, hiện số tiền này đã được nộp cho cơ quan điều tra.
_______
Tại tòa, bị cáo Trần Xuân Yến khẳng định không chỉ đạo việc nâng điểm như viện kiểm sát truy tố và khai mình bị điều tra viên ép cung, mớm cung. “Trong một số biên bản ghi lời khai, có một số nội dung ghi không đúng lời khai bị cáo. Điều này có thể so sánh biên bản hỏi cung với bản tự khai trong cùng một buổi... Biên bản ngày 21/2/2019 được bị cáo chép từ tài liệu của cơ quan điều tra. Sau này, điều tra viên yêu cầu bị cáo xóa từ “chép” và thay băng từ “ghi”, hồ sơ vụ án có thể hiện rõ việc này”, Trần Xuân Yến nói.