Gian lận thương mại là thách thức lớn nhất với ngành gỗ xuất khẩu
Ngày 8/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và tổ chức Forest Trends đã phối hợp tổ chức hội thảo 'Thực trạng xuất nhập khẩu và dịch chuyển FDI trong ngành gỗ'. Tại hội thảo, nội dung nhận diện các rủi ro để phát triển bền vững ngành gỗ Việt Nam đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các đại biểu tham dự.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết ngành chế biến gỗ xuất khẩu đang có sự mở rộng rất nhanh thời gian gần đây, tăng trưởng luôn duy trì ở mức 2 con số. Trong đó, đáng chú ý là sự phát triển nhanh chóng của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo ông Tô Xuân Phúc, đến từ Forest Trends, đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ tăng rất nhanh, đặc biệt từ năm 2018 trở lại đây. Trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư lớn nhất.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy số doanh nghiệp FDI đăng ký mới vào ngành gỗ trong 9 tháng đầu năm 2019 là 67, tương đương con số cả năm 2018. Lượng vốn đăng ký của các dự án mới trong 9 tháng đầu năm 2019 cũng cao hơn 2,3 lần so với tổng vốn đăng ký cả năm 2018.
Đại diện Forest Trends cho biết hoạt động đầu tư của doanh nghiệp FDI chủ yếu diễn ra trên 3 hình thức là đầu tư dự án mới, dự án tăng vốn mở rộng sản xuất và góp vốn thông qua hình thức mua cổ phần.
Đáng chú ý là hiện tại, Trung Quốc đang vươn lên là quốc gia dẫn đầu trong danh sách các quốc gia đầu tư vào lĩnh vực chế biến gỗ Việt Nam với 40 dự án, chiếm gần 60% trong tổng số dự án đầu tư của 9 tháng đầu năm nay. Mặc dù Trung Quốc chiếm số lượng dự án FDI đông đảo, tuy nhiên theo ông Phúc, các dự án của Trung Quốc lại có quy mô nhỏ.
Nhận định về nguyên nhân đầu tư FDI vào ngành gỗ tăng mạnh, ông Phúc cho biết cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể tạo ra những cơ hội mới cho việc thu hút vốn ngoại, bao gồm cả mở rộng về số lượng và kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, gian lận thương mại được coi là rủi ro lớn nhất đối với ngành gỗ xuất khẩu hiện nay.
Gian lận thương mại có thể diễn ra dưới hình thức “đầu tư chui” hay “đầu tư núp bóng” với doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp có thể thuê nhà máy, nhà xưởng của Việt Nam, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào sơ chế rồi xuất khẩu sản phẩm với nhãn mác Việt Nam.
Vì vậy, “việc kiểm soát rủi ro trong gian lận thương mại là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu của ngành”, ông Phúc nhấn mạnh.
Cùng chia sẻ quan ngại trên, ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết cơ quan thương mại Hoa Kỳ hiện đang tiến hành điều tra một số công ty của Trung Quốc có dấu hiệu vi phạm gian lận thương mại đối với mặt hàng gỗ dán từ Việt Nam. Các cơ quan thương mại Hàn Quốc, Ấn Độ cũng đang xem xét khả năng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng tương tự của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.
Đề cập đến các giải pháp nhằm ngăn chặn hành gian lận thương mại, ông Tô Xuân Phúc cho rằng, các cơ quan quản lý và ngành gỗ cần có những cơ chế hiệu quả nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra rủi ro gian lận thương mại. Cụ thể, các cơ quan quản lý cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát , chủ động tiếp cận thông tin, hợp tác với cơ quan thương mại của các nước, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu.
Đặc biệt, đại diện Forest Trends cũng đề xuất Chính phủ nên thành lập tổ công tác đặc biệt để kiểm tra và xử lý vấn đề gian lận thương mại. Tổ công tác bao gồm các đơn vị có liên quan như cơ quan phụ trách xuất nhập khẩu, phòng vệ thương mại, đầu tư nước ngoài, cơ quan cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/0)...