Gian lận xăng dầu hoành hành vì khoảng trống pháp lý
Bất cập trong khâu quản lý, đặc biệt là quy định thương nhân phân phối xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn khiến mặt hàng này khó kiểm soát…
Có địa phương 50% mẫu xăng không đạt chuẩn
Mới đây, tại cuộc tọa đàm “Xăng dầu giả, thiệt hại thật”, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, trong những năm qua tình hình buôn lậu, gian lận thương mại với những mặt hàng xăng dầu vẫn diễn biến tương đối phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực xăng dầu. Từ đầu năm 2018 trở lại đây, cơ quan quản lý thị trường đã xử lý vi phạm hơn 1.000 vụ việc, tước quyền sử dụng 37 giấy phép kinh doanh, tịch thu 6 cột bơm và 1 cây xăng. Địa bàn gian lận thương mại xăng dầu hiện nay tương đối phổ biến là một số địa phương khu vực miền Tây Nam bộ, khu vực Trung bộ và lác đác một số tỉnh khu vực phía Bắc. Qua công tác kiểm tra, có những trường hợp 50% mẫu xăng A95 và 100% mẫu xăng E5 tại một vài cửa hàng đều không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.
Theo ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH-CN, kết quả thanh tra, kiểm tra năm 2018 tại 2.723 cơ sở, phát hiện 113 cơ sở kinh doanh xăng dầu có vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 6,8 tỷ đồng. “Năm 2019, chúng tôi có khảo sát, kiểm tra đột xuất trên thị trường, phát hiện một số cửa hàng xăng dầu vi phạm tại khu vực Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang. Có cửa hàng bị phạt 205 triệu đồng, có cửa hàng bị phạt 494 triệu đồng”, ông Tuấn thông tin.
Theo ông Trần Hữu Linh, hành vi vi phạm chủ yếu gồm: Không đảm bảo chất lượng và kinh doanh xăng dầu nhập lậu không rõ nguồn gốc. “Đối với xăng dầu nhập lậu không rõ nguồn gốc, tình trạng buôn lậu xăng dầu để đưa vào hệ thống bán lẻ xăng dầu là có. Và đã có một số ổ nhóm, đối tượng tương đối chuyên nghiệp vẫn còn tồn tại, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Mặc dù thời gian qua lực lượng cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, công an đã có những chuyên án lớn để bắt giữ, khởi tố các vụ nói trên. Tuy nhiên do vùng biển phía Tây Nam của chúng ta đã bị lợi dụng và thời điểm đêm tối vẫn có gian thương tận dụng để vận chuyển xăng dầu bất hợp pháp vào đất liền”, ông Linh nêu vấn đề.
Về phía DN, ông Nguyễn Anh Toàn, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) cho biết, với hệ thống gần 600 cửa hàng xăng dầu trực thuộc và hơn 3.000 đại lý, lượng xăng dầu lưu thông không ngừng, từ nhà máy lọc dầu hoặc nhập khẩu, hoặc có sản xuất, pha chế của doanh nghiệp, xăng dầu sẽ thông qua kho chứa, phương tiện vận tải đến các cửa hàng xăng dầu để bán lẻ tới người tiêu dùng.
“Khâu phức tạp nhất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất chính là việc bán lẻ. Tại các thành phố lớn, công tác giám sát, kiểm tra chặt chẽ thì xác suất sẽ tốt hơn, còn các địa bàn vùng sâu vùng xa thì việc kiểm tra sẽ khó hơn. Tôi cho rằng, căn nguyên là từ việc quản lý hệ thống, ở đây có sự phối hợp của các doanh nghiệp phân phối, của cả quản lý chất lượng. Chúng tôi có những quy trình rất chặt chẽ như: Lưu kho, lấy mẫu, kiểm tra, niêm phong, bàn giao và chúng tôi luôn kiểm tra trước khi cấp hàng.”, ông Toàn chia sẻ.
Quản lý vẫn còn nhiều bất cập
“
Bộ Công Thương đang dự thảo sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, trong đó cân nhắc lại quy định cho phép thương nhân phân phối được lấy từ nhiều nguồn. Chính phủ cũng sắp ban hành Nghị định mới thay thế hoàn toàn nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xăng dầu, khí và gas. Đây là những điều chỉnh chính sách hết sức quan trọng trong thực tiễn kinh doanh xăng dầu hiện nay”,
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường
”
Theo ông Trần Hữu Linh, lĩnh vực xăng dầu do nhiều đơn vị cùng quản lý nên trong quá trình kiểm tra dễ bị trùng lặp. “Riêng về công tác kiểm tra chất lượng, hiện nay cũng có nhiều đơn vị chịu trách nhiệm tuy nhiên do hạn chế về cơ ở vật chất, nguồn thông tin, quy chế cách thức phối hợp với nhau cho nên đôi khi chúng ta không phát hiện kịp thời các vi phạm về chất lượng xăng dầu. Đôi khi, trong lúc chờ đợi kết quả kiểm nghiệm thì xăng dầu vẫn phải lưu thông liên tục khi mà phát hiện ra sai phạm về chất lượng thì lúc đó xăng trong bồn đã tiêu thụ hết gây khó khăn trong vấn đề xử lý tang vật”.
Theo Ông Trần Quốc Tuấn, cơ quan chức năng một mặt tăng cường kiểm tra kiểm soát nhưng đồng thời cũng phải tránh sự chồng chéo, tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp. “Quy định là không kiểm tra kiểm soát theo kế hoạch chồng chéo một năm là quá một lần đối với một cơ sở nhưng việc kiểm tra đột xuất bất cứ lúc nào đối với cơ sở có dấu hiệu vi phạm. Theo tôi, giải pháp quan trọng ở đây là tiến hành trinh sát khảo sát và điều tra đột xuất. Thực tiễn thời gian qua cho thấy tất cả các cơ sở chúng tôi kiểm tra xử lý có những cơ sở tới gần 500 triệu đồng, tạm dừng giấy phép 3 tháng; những cơ sở như thế là những nơi đã từng được kiểm tra vì người ta cho rằng đã kiểm tra một năm rồi thì không có ai đến kiểm tra nữa”, ông Tuấn phân tích.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, những doanh nghiệp lớn thì không phát hiện thấy gian lận mà chủ yếu là phát hiện ở những doanh nghiệp lấy từ nhiều nguồn. “Trước đây, theo Nghị định 84 quy định mỗi thương nhân phân phối chỉ được lấy một nguồn nhưng giờ Nghị định 83 lại cho lấy nhiều nguồn nên khó kiểm soát. Tôi nghĩ rằng, tới đây nên quy định chặt chẽ thương nhân phân phối. Thậm chí, qua kiểm tra, chúng tôi thấy thương nhân phân phối thậm chí không có hệ thống mà toàn đi thuê mướn lại nhưng vẫn được tiêu chuẩn như thương nhân phân phối”, ông Tuấn phân tích.