Gian nan canh lửa, giữ rừng. Bài 1: Trồng được rừng thì phải giữ được rừng

Toàn tỉnh hiện có hơn 248.100 ha rừng, bao gồm rừng tự nhiên gần 126.700 ha, rừng trồng khoảng 121.400 ha. Diện tích rừng trồng chủ yếu là các loài cây như keo, thông nhựa, cao su… có nguy cơ cháy rừng rất cao. Ngay từ đầu mùa khô năm 2023, tỉnh tổ chức diễn tập phương án phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) với quy mô lớn. Tuy nhiên, tình trạng cháy rừng ở một số địa phương vẫn diễn biến phức tạp, tăng cả số vụ, số điểm cháy và diện tích cháy so với cùng kỳ năm trước.

Đốt rừng nhằm mục đích phá hoại

Liên tiếp trong các ngày 16 - 17/6 và đêm 18/6/2023, trên địa bàn do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải quản lý đã xảy ra một vụ cháy rừng tại khoảnh 12, tiểu khu 547, 2 điểm cháy rừng tại khoảnh 23, tiểu khu 552 thuộc địa giới hành chính xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh gây thiệt hại với diện tích khoảng 4 ha.Trong đó, rừng trồng thông nhựa là 1,1 ha với hơn 360 cây thông và rừng trồng cây keo lai là 2,83 ha với mật độ 2.500 cây/ha. Giá trị thiệt hại ước tính khoảng 290 triệu đồng.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải Nguyễn Xuân Minh cho biết, qua điều tra sơ bộ cho thấy hiện trường vụ cháy rừng và điểm cháy rừng xảy ra xuất phát từ nhiều điểm cháy cùng một lúc và trong nhiều ngày nên có thể nhận định có động cơ cố tình đốt rừng nhằm hủy hoại tài sản của công ty.

Đơn cử như đối với vụ cháy rừng tại khoảnh 12, tiểu khu 547 có từ 4 - 5 điểm cháy cùng một lúc, khu vực cháy nằm xa khu dân cư, thời gian cháy vào buổi trưa, đây là khoảng thời gian có ít người ra vào rừng nên việc tiếp cận đám cháy và công tác chữa cháy rừng gặp khó khăn.

“Các đối tượng đốt rừng thường lựa chọn những điểm rừng có nhiều thực bì dễ cháy, lợi dụng đêm tối hay ngày cuối tuần để thực hiện hành vi hủy hoại rừng. Trước những diễn biến phức tạp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải đã báo cáo UBND huyện Vĩnh Linh và các cơ quan chức năng liên quan để có các biện pháp hỗ trợ”, ông Minh thông tin.

Hiện trường vụ cháy rừng tại khoảnh 12, tiểu khu 547, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải quản lý - Ảnh: L.A

Hiện trường vụ cháy rừng tại khoảnh 12, tiểu khu 547, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải quản lý - Ảnh: L.A

Có mặt tại hiện trường, chúng tôi ghi nhận nhiều điểm cháy nhỏ nằm cách nhau không xa chạy dọc theo các tuyến đường trong rừng và ngoài bìa rừng.

Hầu hết các điểm cháy đều chỉ mới cháy phần thực bì khô, trung bình mỗi điểm cháy chỉ khoảng vài chục mét vuông, không ảnh hưởng đến rừng.

Theo ông Minh, nhờ triển khai các biện pháp PCCCR, đồng thời tổ chức trực, tuần tra 24/24 giờ nên khi phát hiện cháy đã huy động kịp thời lực lượng tham gia chữa cháy, không để cháy rừng lan ra.

“Những điểm cháy rừng nhỏ này nếu không được phát hiện và chữa cháy kịp thời sẽ lan rộng dưới tán rừng. Đặc biệt là đối với những diện tích rừng thông nhựa có thảm thực bì dày, dễ cháy.

Mặc dù lực lượng bảo vệ rừng phối hợp với cơ quan chức năng đã nhiều lần mật phục để bắt quả tang các đối tượng cố tình đốt rừng, tuy nhiên, do diện tích rừng lớn, hơn 8.600 ha, lực lượng mỏng, các đối tượng hoạt động tinh vi nên đến nay vẫn chưa bắt được thủ phạm”, ông Minh nói.

Huyện Vĩnh Linh có diện tích rừng trên 33.600 ha. Trong đó, rừng tự nhiên khoảng 13.130 ha, rừng trồng trên 20.470 ha. Đặc biệt, có diện tích rừng thông hơn 2.000 ha nằm tập trung ở phía Tây Bắc của huyện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn thừa nhận, so với cùng kỳ năm trước thì tình hình cháy rừng năm nay diễn biến phức tạp, tăng cả về vụ cháy, điểm cháy, diện tích cháy.

Ngoài vụ cháy gây thiệt hại gần 4 ha rừng tại xã Vĩnh Chấp với giá trị thiệt hại ước tính khoảng 290 triệu đồng, còn xảy ra 8 điểm cháy rừng tại xã Vĩnh Chấp và Vĩnh Sơn nhưng được phát hiện và dập tắt kịp thời, không gây thiệt hại về rừng. Nguyên nhân nhận định ban đầu do con người cố tình đốt rừng nhằm mục đích phá hoại, một số liên quan đến tranh chấp, mâu thuẫn…

“Nhằm ngăn chặn, hạn chế tới mức thấp nhất các vụ cháy rừng, bảo vệ tài nguyên rừng, UBND huyện đã giao Công an huyện chủ trì phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, địa phương, chủ rừng và các đơn vị liên quan tổ chức xác minh làm rõ vụ việc cháy rừng. Nếu trường hợp nguyên nhân cháy rừng do con người gây ra thì xác định đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”, ông Tuấn cho hay.

“Mùa khô năm nay được dự báo sẽ còn kéo dài và có nhiều diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Do vậy, lực lượng kiểm lâm đã và đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chủ rừng, người dân và các đơn vị liên quan tập trung cao độ cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Phương châm của chúng tôi là trồng được rừng thì phải giữ được rừng, bảo vệ “lá phổi xanh” cho quê hương”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Trần Hiệp khẳng định.

Để chủ động PCCCR, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ rừng kiện toàn Ban chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng; kiện toàn 50 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng với gần 530 thành viên tham gia. Tu sửa và trang cấp mới các thiết bị, dụng cụ cần thiết phục vụ cho công tác PCCCR.

Đầu năm 2023, Công an tỉnh đã thành lập Đội cảnh sát chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Vĩnh Linh có trụ sở tại thị trấn Hồ Xá với 3 xe chữa cháy chuyên dụng cùng nhiều trang thiết bị chữa cháy hiện đại khác. Đây là lực lượng chuyên ngành PCCC sẽ hỗ trợ và trực tiếp tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn.

Vì màu xanh những cánh rừng

Chúng tôi đã có mặt tại hiện trường khi thời tiết nắng nóng gay gắt, cán bộ, nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực (QLRPHLV) sông Thạch Hãn đang “căng mình” giữ gìn, bảo vệ cho hơn 7.000 ha rừng trồng và rừng tự nhiên do đơn vị quản lý.

Giám đốc Ban QLRPHLV sông Thạch Hãn Thái Văn Sơn cho biết, xác định PCCCR là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, cùng với thực hiện nghiêm túc các phương án đã được phê duyệt, đơn vị đã phân công lịch trực bảo vệ rừng cụ thể hằng ngày cho từng trạm, tổ, hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Triển khai đóng hơn 100 bảng tuyên truyền, bảng cấm, bảng dự báo cấp cháy, PCCCR tại những vùng, tuyến đường trọng yếu ở ranh giới rừng có đông người dân ra, vào rừng...

Thường xuyên tuần tra, kiểm soát rừng, bố trí người túc trực tại các chòi canh lửa 24/24 giờ trong những tháng trọng điểm nắng nóng, hanh khô, sẵn sàng phương tiện, lực lượng tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.

“Ngoài lực lượng của 2 trạm bảo vệ rừng, ngay từ đầu năm, đơn vị đã chủ động ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng với 2 tổ nhận khoán bảo vệ rừng với số lượng 7 người/tổ. Diện tích nhận bảo vệ là hơn 4.700 ha. Nhiệm vụ của 2 tổ này là thường xuyên tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng, trực PCCCR 24/24 giờ trong mùa khô để phát hiện và dập tắt kịp thời các vụ cháy rừng xảy ra. Nhờ vậy, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn ban quản lý không có cháy rừng xảy ra”, ông Sơn thông tin.

Lực lượng kiểm lâm tăng cường tuần tra tại các vùng trọng điểm, có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao - Ảnh: L.A

Lực lượng kiểm lâm tăng cường tuần tra tại các vùng trọng điểm, có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao - Ảnh: L.A

Vào những tháng cao điểm mùa khô, ngoài việc tuần tra, kiểm tra rừng, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Ban QLRPHLV sông Bến Hải cùng với các thành viên các tổ nhận khoán bảo vệ rừng còn thay phiên nhau túc trực cả ngày lẫn đêm trên các chòi canh lửa để kịp thời phát hiện, xử lý khi có cháy xảy ra ở khu vực rừng mà họ nhận quản lý.

Phó Giám đốc Ban QLRPHLV sông Bến Hải Hoàng Duy Quang chia sẻ, ngay từ đầu năm đơn vị đã kiện toàn Ban chỉ huy PCCCR của đơn vị và phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Đồng thời chỉ đạo các trạm quản lý bảo vệ rừng xây dựng kế hoạch PCCCR cụ thể cho từng vùng; bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ tại các chòi canh vào những ngày nắng nóng. Lập thêm 5 lán chốt tại các vị trí rừng nằm xa chòi trực cháy và chỉ đạo lực lượng các trạm quản lý bảo vệ rừng, tổ nhận khoán bảo vệ rừng tăng cường lực lượng chốt chặn, tuần tra, kiểm tra rừng, kiểm soát người ra, vào rừng nhằm phát hiện và xử lý sớm khi có cháy rừng xảy ra.

Trên địa bàn huyện Hướng Hóa, hiện có hơn 51.200 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên hơn 40.000 ha, rừng trồng hơn 10.000 ha, tỉ lệ che phủ rừng đạt 43,77%. Có những vùng tập trung bao gồm loài cây dễ cháy như thông nhựa, các loài keo, nằm ở vùng giao thông đi lại khó khăn.

Hằng năm, vào mùa khô, thời tiết trong vùng chuyển biến nắng nóng kéo dài, gió Tây Nam thổi mạnh, nhiệt độ cao, có ngày lên tới 400 C, độ ẩm không khí thấp, làm cho thực bì khô nhanh. Lượng người hoạt động trong rừng và ven rừng nhiều nên rất khó kiểm soát.

Trước thực trạng đó, để hạn chế cháy rừng, hằng năm Ban Chỉ đạo (BCĐ) 886 huyện Hướng Hóa tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo công tác PCCCR, tổ chức thực hiện phương án PCCCR, đã xây dựng, chỉ đạo UBND các xã, các chủ rừng xây dựng và thực hiện phương án PCCCR của mình. Tổ chức lực lượng BVR-PCCCR hoạt động có hiệu quả, tăng cường tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật trong lĩnh vực QL, BVR-PCCCR bằng nhiều hình thức.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 37 vụ cháy rừng với diện tích hơn 127 ha, ước tính thiệt hại khoảng 2,95 tỉ đồng. Ngoài ra còn có 185 điểm cháy rừng được phát hiện, dập tắt kịp thời. Riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ cháy rừng với diện tích thiệt hại hơn 29,5 ha.

Ngoài ra còn có 9 điểm cháy được phát hiện, huy động lực lượng kịp thời dập tắt đám cháy, không gây thiệt hại về rừng.

Hiện tại, tình trạng nắng nóng vẫn còn diễn ra, mức độ cảnh báo cháy rừng đang ở cấp cao, lực lượng kiểm lâm cùng chính quyền địa phương, các chủ rừng đang tập trung cao nhất cho công tác PCCCR với mục tiêu không để xảy ra các vụ cháy rừng, hoặc nếu xảy ra tình huống khẩn cấp thì sớm khống chế, xử lý hiệu quả.

Xác định các vùng trọng điểm nguy cơ xảy ra cháy rừng cao với diện tích gần 47.300 ha nhằm tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát và duy trì chế độ trực 24/24 giờ trong suốt thời gian nắng nóng.

Lê An - Thanh Trúc - Hà Trang

----------

Bài 2: Những bất cập nảy sinh từ thực tế bảo vệ rừng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nong-lam-ngu/gian-nan-canh-lua-giu-rung-bai-1-trong-duoc-rung-thi-phai-giu-duoc-rung/178921.htm