Gian nan canh lửa, giữ rừng. Bài 2: Những bất cập nảy sinh từ thực tế bảo vệ rừng

Diện tích rừng trên địa bàn lớn, trong khi đó, tình trạng thiếu kinh phí, thiếu trang thiết bị, nguồn nước, cơ sở hạ tầng giao thông, công trình phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) không đáp ứng, ý thức người dân nhiều nơi chưa cao… đang là những bất cập ảnh hưởng không nhỏ đến công tác PCCCR ở Quảng Trị.

Tìm đường dập lửa cứu rừng xuyên đêm

Vừa qua, chúng tôi quyết định băng đường rừng vào tận khu vực rừng số 13,14 a, tiểu khu 596, xã Linh Trường, huyện Gio Linh, nơi mà cách đây hơn một tháng, vào các ngày 23, 26/6/2023 đã xảy ra vụ cháy rừng. Từ điểm dừng xe ô tô, mất hơn một giờ đồng hồ vừa đi vừa leo các con dốc, luồn sâu vào các đám cây rừng mọc rậm rạp, chúng tôi khá chật vật để theo kịp các cán bộ kiểm lâm và Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải vào đến điểm cháy.

Hiện trường còn lại là những thân cây keo tai tượng ngót nghét 10 năm tuổi bị cháy sạm đen phần thân, vàng lá. Vụ cháy đã làm thiệt hại hơn 5,4 ha rừng, theo đánh giá mức độ thiệt hại khoảng 30%, toàn bộ là rừng trồng phòng hộ.

Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Gio Linh Đặng Nam chỉ cho chúng tôi xem một hố lõm nghi là người dân đã đào để lấy vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh và cho biết: “Các đơn vị chức năng đang tiếp tục điều tra để tìm ra nguyên nhân vụ cháy. Đây là một vụ cháy rừng hy hữu bởi diễn ra vào ban đêm, địa bàn xa, hiểm trở, khó tiếp cận, vì thế việc chữa cháy mất nhiều thời gian và công sức.

Với đặc điểm vụ cháy xảy ra vào ban đêm và hiện trường có hố lõm này, khả năng cao là do vật liệu nổ phát nổ gây cháy, có thể giống với nguyên nhân vụ cháy tại lô 2, 3, 7, khoảnh 4; lô 13, khoảnh 2, tiểu khu 592B và lô 1, lô 2, khoảnh 2, tiểu khu 592A xã Linh Trường, huyện Gio Linh vào ngày 17/5/2023”.

Kiểm tra hiện trường vụ cháy rừng tại tiểu khu 596, xã Linh Trường, huyện Gio Linh - Ảnh: T.T

Kiểm tra hiện trường vụ cháy rừng tại tiểu khu 596, xã Linh Trường, huyện Gio Linh - Ảnh: T.T

Anh Nguyễn Thanh Hải, Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng, tiểu khu 604T, Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải nhớ lại, khoảng 16 giờ 30 phút ngày 23/6/2023, anh nhận tin báo có khói bốc lên từ phía Đông Nam hai lô rừng số 13,14, tiểu khu 596. Đây là khoảnh rừng trồng từ năm 2010, thuộc dự án trồng mới 5 triệu ha rừng của Ban Quản lý Dự án 661 lưu vực sông Bến Hải.

Anh vội vàng báo tin về ban, đồng thời cùng với anh em trong tổ cộng đồng bảo vệ rừng nhận lệnh khẩn trương lên đường. Chỉ trong một thời gian ngắn, các lực lượng kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải đã huy động được 74 người tham gia chữa cháy bao gồm kiểm lâm, chủ rừng và người dân của Tổ bảo vệ rừng cộng đồng xã Linh Trường.

“Khi đã xác định vị trí điểm cháy, chúng tôi chia thành 5 nhóm, tìm đường đi ngắn nhất để tiếp cận hiện trường. Dù chỉ cách khu vực chòi canh khoảng 1,5 km đường chim bay, nhưng để tiếp cận điểm cháy không hề dễ dàng. Sau hơn 30 phút cố gắng tìm đường, mở 3-4 tuyến đường đi ngắn nhất có thể nhưng không khả thi, chúng tôi quyết định đi theo lối mòn đường băng cản lửa.

Tuy nhiên, lối mòn này cũng đã bị cây cối, lau lách mọc um tùm làm mất dấu. Chúng tôi vừa đi, vừa phát quang mở đường, hình thành một con đường hoàn toàn mới để có thể tiếp cận đám cháy nhanh nhất. Trời tối, anh em cố gắng bám nhau để tránh mất phương hướng. Chưa bao giờ việc đi rừng lại khó khăn như lúc này dù địa bàn rừng chúng tôi đều khá quen thuộc. Hơn một giờ đồng hồ dò dẫm vượt 8 km đường rừng, lực lượng mới tiếp cận được hiện trường vụ cháy”, anh Hải kể.

Mặc sức nóng từ ngọn lửa phả vào người, lực lượng chữa cháy rừng khẩn trương dùng máy thổi lửa, cành cây ra sức dập lửa, nỗ lực phát cây cối xung quanh mở thêm đường băng cản lửa tạm thời, hạn chế ngọn lửa lây lan.

“Chúng tôi đã rất nỗ lực để ngăn cản đám cháy lan rộng, tuy nhiên phải mất đến 18 giờ đồng hồ mới dập tắt hoàn toàn đám cháy. Đến trưa hôm sau mới thấm cái đói và mệt, bởi lúc đi, tình thế khẩn cấp, anh em chỉ kịp mỗi người mang theo một bi đông nước. Trên đường ra, nhiều người kiệt sức, những người khỏe thay phiên nhau dìu người yếu hơn để leo dốc ra khỏi rừng”, ông Trần Lữ Hồng, cán bộ Hạt Kiểm lâm Gio Linh chia sẻ.

Câu chuyện kể về việc chữa cháy rừng xuyên đêm của những người đã trực tiếp tham gia với vô vàn khó khăn, gần như “tay không bắt giặc lửa”, không nguồn nước, không bảo hộ, phương tiện thô sơ, địa hình hiểm trở không có đường vào thuận tiện... khiến chúng tôi càng thêm thấu hiểu và sẻ chia khi trực tiếp đến tận địa bàn xảy ra cháy rừng.

Không chỉ riêng diện tích rừng do Ban quản lý, mà hầu hết diện tích rừng trên địa bàn tỉnh đều tập trung ở nơi xa dân cư, địa hình phức tạp, đồi núi cao, dốc, đường sá đi lại khó khăn, nhiều vùng ô tô, xe máy không đến được, không có sóng điện thoại... gây trở ngại cho công tác PCCCR.

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực đầu tư nguồn vốn để xây dựng đường băng cản lửa phục vụ công tác PCCCR thuộc dự án Nâng cao năng lực PCCCR. Tuy nhiên, hệ thống đường băng cản lửa vẫn còn quá ít so với yêu cầu thực tế và được xây dựng từ những năm trước đây, hiện đã bị thực bì phủ kín, kích thước đường băng nhỏ, không đủ để ngăn cách đám cháy.

Nguồn nước phục vụ chữa cháy rừng cần được quan tâm

Trên địa bàn huyện Triệu Phong hiện có khoảng 15.000 ha rừng, trong đó diện tích rừng trồng gần 14.000 ha, còn lại là rừng tự nhiên. Rừng trồng tập trung chủ yếu ở hai xã vùng đồi Triệu Ái, Triệu Thượng và một phần diện tích thuộc các xã vùng cát ven biển Triệu Vân, Triệu Trạch, Triệu An, Triệu Sơn... Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trong giai đoạn từ 2016 - 2022, trên địa bàn đã xảy ra 5 điểm cháy và 4 vụ cháy rừng trồng với diện tích rừng bị cháy hơn 43 ha.

Nguồn nước phục vụ chữa cháy rừng chủ yếu lấy từ ao, hồ, sông, suối nhưng cần phải đầu tư đường vào thuận lợi -Ảnh: T.T

Nguồn nước phục vụ chữa cháy rừng chủ yếu lấy từ ao, hồ, sông, suối nhưng cần phải đầu tư đường vào thuận lợi -Ảnh: T.T

Dẫn chúng tôi đi thực địa khu vực hồ Triệu Thượng 2, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Triệu Phong Bùi Công Phú cho biết, thời gian qua, nhờ được đầu tư bờ kè đá vào tận mép hồ nên việc đưa xe chuyên dụng vào lấy nước đã trở nên dễ dàng hơn trước đây nhiều. Tuy nhiên, không phải khu vực hồ nào cũng thuận lợi như thế này.

“Đối với huyện Triệu Phong, hiện có các điểm tiếp nước chủ yếu phục vụ công tác chữa cháy là hồ Ái Tử, sông Vĩnh Phước, đập Mụ Huyện, các hồ Triệu Thượng 1 và 2, kênh mương thủy lợi, các hồ cá ở các thôn. Nguồn nước phục vụ chữa cháy rừng phụ thuộc hoàn toàn vào các ao, hồ, sông suối quanh khu vực xảy ra đám cháy hoặc cách đó không quá xa. Khó khăn nhất là đường sá không thuận lợi để đưa phương tiện vào đến điểm tiếp nước cũng như khu vực xảy ra cháy. Mặt khác, do phụ thuộc nguồn nước tự nhiên mà cháy rừng thường diễn ra vào mùa khô nên nguồn nước không đảm bảo”, ông Phú chia sẻ.

Khoản 3 Điều 51 của Luật Lâm nghiệp quy định: công trình phòng cháy chữa cháy rừng bao gồm đường băng cản lửa, chòi canh lửa rừng, trạm quan sát dự báo lửa rừng, kênh mương, bể chứa nước, đập, hồ chứa nước. Thời gian qua, việc đầu tư hạ tầng hệ thống cấp nước chữa cháy trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, việc giải quyết nguồn nước chữa cháy trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, bất cập, nhất là nguồn nước phục vụ chữa cháy rừng. Tại các ao, hồ, sông, suối… chưa xây dựng các bến, bãi, điểm lấy nước cho xe, máy bơm nước chữa cháy tiếp cận để lấy nước.

Vào tháng 4/2021, UBND tỉnh đã ban hành văn bản đề nghị các ngành phối hợp giải quyết nguồn nước phục vụ PCCC trên địa bàn tỉnh. Trong đó yêu cầu ngành nông nghiệp và PTNT phối hợp với Công an tỉnh đề xuất xây dựng các bến, bãi, điểm lấy nước cho xe chữa cháy tại các ao, hồ, sông, suối, kênh…Khi xây dựng các kế hoạch, phương án bảo vệ, phát triển rừng phải lồng ghép nội dung về giải quyết nguồn nước khi có sự cố cháy rừng xảy ra.

UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Xây dựng tiến hành rà soát tiến độ thực hiện các quy hoạch hệ thống cấp nước chữa cháy và các dự án quy hoạch tại địa phương theo Quyết định của UBND tỉnh. Tại các ao, hồ, sông, suối, kênh... trên địa bàn được quy hoạch làm nguồn nước cho PCCC, cần thiết kế và xây dựng các bến, bãi, điểm lấy nước thuận tiện cho xe chữa cháy lấy nước.

Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và tính cấp thiết của công tác giải quyết nguồn nước chữa cháy, nâng cao hơn nữa nhận thức của Nhân dân trong việc tham gia giải quyết những khó khăn, bất cập của việc thiếu nước chữa cháy...

Như vậy, việc quy hoạch nguồn nước phục vụ công tác PCCC nói chung và PCCCR nói riêng đã được đặt ra nghiêm túc và bức thiết. Tuy nhiên để thực hiện hiệu quả thì đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó kinh phí đầu tư là vướng mắc lớn nhất.

PCCCR là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, đặc biệt trong những tháng cao điểm mùa khô từ tháng 5-8 hằng năm. Tuy nhiên, hiện trường rừng rất phức tạp, diện tích lớn, nhiều vùng không có sóng điện thoại nên các địa phương chưa thực sự chủ động trong triển khai công tác quản lý bảo vệ rừng, các phương án PCCCR một cách kịp thời.

Lực lượng kiểm lâm được giao nhiệm vụ nòng cốt trong công tác BVR và PCCCR nhưng lại rất mỏng và phân tán. Phương tiện, trang thiết bị cho công tác PCCCR chưa đáp ứng với nhiệm vụ đặt ra: thiếu thiết bị quan sát để phát hiện đám cháy, thiếu phương tiện vận chuyển lực lượng chữa cháy, phần lớn cơ động bằng xe máy cá nhân, dụng cụ dập lửa rất thô sơ chủ yếu là dùng cành cây để dập.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ rừng còn hạn chế, chính quyền cơ sở có nơi chưa thực sự quan tâm. Chủ trương xã hội hóa trong công tác QLBVR &PCCCR bước đầu được thực hiện, tuy nhiên, vai trò của chủ rừng chưa cao, nhất là các chủ rừng hộ gia đình, cộng đồng.

Mặt khác, chế độ, chính sách đối với lực lượng BVR và người dân tham gia chữa cháy rừng chưa tương xứng so với công việc nặng nề, vất vả và nguy hiểm trong chữa cháy rừng nên chưa động viên, khuyến khích mọi lực lượng tham gia cứu rừng một cách chủ động và tích cực.

Thanh Trúc - Lê An - Hà Trang

-------

Bài 3: Tăng cường nguồn lực đầu tư để bảo vệ rừng hiệu quả

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/gian-nan-canh-lua-giu-rung-bai-2-nhung-bat-cap-nay-sinh-tu-thuc-te-bao-ve-rung/178944.htm