Gian nan chống buôn lậu trên biển

Thời gian qua, trên khu vực vùng biển miền Trung, tình hình hoạt động buôn lậu than diễn biến khá phức tạp, dưới nhiều hình thức khác nhau và rất tinh vi. Mặc dù số lượng phương tiện, tang vật bị BĐBP Thừa Thiên Huế bắt giữ, xử lý khá lớn, nhưng tình trạng vận chuyển và buôn lậu than trái phép trên biển vẫn có thể bùng phát trở lại trong thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán sắp cận kề.

BĐBP Thừa Thiên Huế kiểm tra tàu Tiến Thành 16, mang số hiệu QN 8196 đang vận chuyển 3.588,75 tấn than cám không rõ nguồn gốc. Ảnh: Lê Đồng

BĐBP Thừa Thiên Huế kiểm tra tàu Tiến Thành 16, mang số hiệu QN 8196 đang vận chuyển 3.588,75 tấn than cám không rõ nguồn gốc. Ảnh: Lê Đồng

Theo đánh giá của BĐBP Thừa Thiên Huế, thời gian qua, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là mặt hàng than cám trên biển gặp rất nhiều khó khăn, vì các đối tượng buôn lậu dùng mọi thủ đoạn nhằm trốn tránh pháp luật. Các đầu nậu thường ít xuất đầu lộ diện mà gián tiếp thông qua thuyền trưởng, người áp tải hàng hoặc công ty trung gian để thực hiện hành vi buôn lậu.

Để hợp thức hóa hàng lậu, các đối tượng quay vòng hồ sơ, hóa đơn, chứng từ vận chuyển trong nước đưa hàng hóa không có nguồn gốc hợp pháp đi tiêu thụ. Các đối tượng buôn lậu thường xuyên neo đậu tàu, thuyền ngoài khơi, sau đó trung chuyển hàng lậu sang các tàu nhỏ, nhất là đối với mặt hàng than, làm cho lực lượng chức năng rất khó phát hiện, bắt giữ, vì mặt hàng này có nhiều chủng loại, chất lượng cũng khác nhau. Có trường hợp, các đối lợi dụng đêm tối, sóng to, gió lớn để vận chuyển hàng lậu gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Các đối tượng còn thay đổi tên và số phương tiện, tuyến hành trình hoặc cho phương tiện chạy lòng vòng trên biển, sau đó chờ thời cơ thuận lợi để tẩu tán hàng.

Chỉ trong vòng vài tháng trở lại đây, trên vùng biển miền Trung xảy ra gần 10 vụ buôn lậu than với số lượng lớn lên đến hàng chục nghìn tấn. Trung tá Trần Công Thắng, Đồn trưởng Đồn BPCK Thuận An, BĐBP Thừa Thiên Huế cho biết: "Các đối tượng buôn lậu than trên biển hoạt động ngày càng tinh vi với nhiều thủ đoạn khác nhau như dùng nhiều hóa đơn, chứng từ khống để hợp thức hóa số hàng lậu. Bởi vậy, công tác đấu tranh rất khó khăn vì các đối tượng dùng mọi thủ đoạn nhằm che giấu hành vi của mình. Vì vậy, trong xác minh, điều tra, chúng ta phải làm hết sức khẩn trương và chính xác. Tuy nhiên, trong các vụ đơn vị bắt giữ, nhiều đối tượng không có giấy tờ, hoặc xuất trình giấy tờ giả nên công tác truy ra nguồn gốc hàng lậu gặp rất nhiều khó khăn".

Theo báo của của BĐBP Thừa Thiên Huế, 9 tháng đầu năm 2016, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý 5 vụ với 5 phương tiện, tang vật thu giữ 11.520 tấn than, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 200 triệu đồng.

Điển hình, ngày 6 và 7-8-2016, BĐBP Thừa Thiên Huế phối hợp với Đoàn Đặc nhiệm miền Trung, Đoàn Đặc nhiệm miền Nam, thuộc Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) BĐBP bắt giữ 2 tàu thủy vận chuyển trái phép hơn 5.000 tấn than cám khi đi qua vùng biển Thừa Thiên Huế. Vụ thứ nhất, vào lúc 20 giờ, ngày 6-8-2016, tại khu vực cảng biển Chân Mây, huyện Phú Lộc, lực lượng chức năng BĐBP đã tiến hành kiểm tra và phát hiện tàu Tiến Thành 16, mang số hiệu QN 8196, do Trần Ngọc Nam, trú tại thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa làm Thuyền trưởng, đang vận chuyển 3.588,75 tấn than cám không rõ nguồn gốc.

Quá trình điều tra, lực lượng chức năng BĐBP phát hiện tàu Tiến Thành 16 có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đặc biệt là hóa đơn giá trị gia tăng bị tẩy xóa, nội dung hàng hóa không đúng như thực tế hàng hóa tàu đang vận chuyển.

Vụ thứ hai, vào lúc 1 giờ sáng, ngày 7-8-2016, trong quá trình tuần tra, kiểm soát tại vùng cảng biển Thuận An, huyện Phú Vang, lực lượng BĐBP đã phát hiện và bắt giữ tàu LP26, mang số hiệu HP4023, do ông Nguyễn Văn Hướng, trú tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định làm Thuyền trưởng, đang vận chuyển 1.450 tấn than cám không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng trên. Hơn nữa, 7 thuyền viên đang làm việc trên tàu này không ai đúng tên trong danh sách đăng ký với cơ quan chức năng.

Thượng tá Tôn Thất Nguyên Đạt, Phó phòng PCTPMT&TP, BĐBP Thừa Thiên Huế cho biết: "Thời gian qua, nhiều đối tượng đi thu mua than trôi nổi, không có nguồn gốc tại các địa phương, sau đó bốc xuống các tàu có trọng tải lớn, dùng hóa đơn, chứng từ cũ đi đến các tỉnh miền Trung, miền Nam tiêu thụ. Đặc biệt, có một số đối tượng còn móc nối với các công ty có chức năng xuất khẩu, kinh doanh than để ký hợp đồng mua bán nội địa, sau đó quay vòng hợp thức hàng lậu hoặc tìm cách tăng số than thực xuất, trộn than chất lượng cao với than chất lượng thấp, khai báo hải quan than chất lượng thấp để gian lận thuế, trốn thuế...".

Để đấu tranh chống buôn lậu than trên biển đạt hiệu quả cao, BĐBP Thừa Thiên Huế đã tăng cường lực lượng phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn, nhất là trao đổi, cung cấp thông tin, tuần tra, kiểm soát thường xuyên trên biển, đồng thời đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, kịp thời phát hiện, bắt giữ những đối tượng, phương tiện dùng để buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển.

Tuy nhiên, tại khu vực vùng biển miền Trung hiện nay, chúng ta mới xử lý được phần ngọn của nạn buôn lậu than trên biển, bởi những đối tượng mà lực lượng chức năng bắt giữ chỉ là người vận chuyển, hoặc đối tượng buôn bán nhỏ lẻ, còn những ông "trùm" phân phối than lậu đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Do vậy, việc siết chặt thủ tục kiểm tra, nhất là chứng từ, hóa đơn xuất nhập đối với đơn vị kinh doanh than trong nước là việc làm cần thiết và cấp bách.

Lê Đồng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/gian-nan-chong-buon-lau-tren-bien/