Gian nan cuộc chiến chống nhập lậu con giống, gia cầm vào nội địa
Hiện nay, nhu cầu trong nước tăng cao, cần nguồn giống gia cầm với số lượng lớn để phục vụ cho các trang trại chăn nuôi tại các tỉnh, thành. Vì thế, tình trạng nhập lậu con giống gia cầm, đặc biệt là gà, vịt từ bên kia biên giới có dấu hiệu 'nóng' trở lại. Các đối tượng nhập lậu đang tìm nhiều cách để vận chuyển mặt hàng này về tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Liên tục bắt giữ nhiều vụ việc
Theo thống kê của lực lượng chức năng, 9 tháng của năm 2023, tình trạng vận chuyển trái phép mặt hàng con giống gia cầm có chiều hướng gia tăng. Việc mua bán, vận chuyển trái phép mặt hàng đặc thù này chủ yếu tập trung tại biên giới giáp Trung Quốc, thuộc các địa phương như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh… Lực lượng chức năng đóng tại các khu vực cửa khẩu liên tục phát hiện những vụ việc lớn với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi nhằm né tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Đơn cử, tại Cao Bằng, ngày 17/10 Chi cục Hải quan cửa khẩu Lý Vạn (Cục Hải quan tỉnh Cao Bằng) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với lực lượng biên phòng kiểm tra tại khu vực biên giới thuộc xóm Bản Suối, xã Minh Long, huyện Hạ Lang phát hiện ô tô tải biển 11C-042.xx đang chở 80 sọt nhựa màu đen đựng hơn 16.000 quả trứng vịt ấp sắp nở. Thời điểm kiểm tra, người điều khiển phương tiện không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của số trứng trên.
Tại Lạng Sơn, 9 tháng qua, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 31 vụ việc vi phạm, thu giữ tang vật lên tới 100.000 con gia cầm giống nhập lậu. Tính riêng địa bàn cửa khẩu Chi Ma, trong nửa tháng qua, lực lượng hải quan đã bắt 2 vụ, thu giữ hơn 11 nghìn con giống gia cầm nhập lậu.
Cá biệt có vụ lực lượng chức năng bắt giữ được cả container gồm hơn 20 nghìn con vịt giống mới vài ngày tuổi. Khi được hỏi, tài xế container cho biết đang di chuyển thì có đối tượng ra vẫy xe và thuê chở vịt về Bắc Giang sẽ có người đón.
Tương tự trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, các lực lượng hải quan, biên phòng, công an liên tục phát hiện nhiều vụ việc vận chuyển trái phép con giống, gia cầm và cả trứng. Có vụ, tại khu vực biên giới biển bến Gót thuộc thôn Hải Yến, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, các đối tượng dùng xuồng cao tốc (không biển kiểm soát) vận chuyển tới 12.045 con gà, vịt giống, 18.900 quả trứng gia cầm. Tất cả đều do một người đàn ông (không rõ tên tuổi, địa chỉ, lai lịch) đã thuê chủ xuồng vận chuyển từ khu vực biên giới biển đảo Trần thuộc xã Thanh Lâm, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh về vùng biển tỉnh Thái Bình tiêu thụ.
Thủ đoạn tinh vi gây khó lực lượng chức năng
Qua khai thác các đối tượng bị bắt giữ có thể thấy, giá thành của các con giống gia cầm nhập lậu chỉ bằng một nửa so với con giống nội địa, quá trình sinh trưởng nhanh nên nhu cầu trong nước vẫn rất lớn.
Buôn lậu gia cầm diễn biến phức tạp
Số liệu thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho thấy, ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn/năm. Mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại nhập lậu qua biên giới vào nước ta.
Một đối tượng “đầu nậu” bị bắt giữ tại biên giới Lạng Sơn từng khai nhận thu gom con giống của người dân quanh khu vực biên giới với giá 7 nghìn đồng/con, sau đó vận chuyển xuống các chợ đầu mối ở Bắc Giang bán với giá 10 nghìn đồng/con. Tiêu chí của đối tượng là không cần biết nguồn gốc, chỉ thấy bán lời thì làm. Trừ hao các loại chi phí, nếu vận chuyển trót lọt, “đầu nậu” này có thể thu lời 5 triệu đồng/ chuyến hàng. Những người thu gom nhỏ lẻ ở địa phương có thể kiếm vài trăm nghìn đồng trong một đêm.
Lợi nhuận từ hành vi nhập lậu gia cầm không hề nhỏ, bởi vậy, các đối tượng liên tục thay đổi thủ đoạn, phương thức vận chuyển.
Các đối tượng lợi dụng các đường mòn trên biên giới để vòng tránh các lực lượng tuần tra, kiểm soát để vận chuyển gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc vào các thôn bản giáp biên. Sau đó gánh qua đường đồi, đường rừng rồi vào các thôn bản ở các xã nội địa. Từ đó tập kết dùng xe vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.
Do đặc thù gia cầm giống không chịu được nắng nóng nên hoạt động vận chuyển trái phép chủ yếu diễn ra vào ban đêm với quy mô nhỏ lẻ. Cung đường các đối tượng chọn để di chuyển thường là cung đường hiểm trở, một bên là núi đá, một bên là vực sâu nên gây nhiều khó khăn cho công tác truy bắt. Người vận chuyển chủ yếu là người dân trên địa bàn các xã giáp biên được thuê chở hàng nên phần lớn vụ việc không bắt giữ được đối tượng chính.
Theo ông Nguyễn Bình Nguyên - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 6, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, các đối tượng hoạt động rất manh động. Họ cắt cử người trông ở cổng cơ quan để theo dõi, bám sát mọi hoạt động của lực lượng chức năng. Trong quá trình kiểm tra, bắt giữ, các đối tượng sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng để tẩu thoát số hàng. Thực tế, địa bàn đã xảy ra 2 vụ việc đối tượng chở con giống gia cầm nhập lậu chống đối lực lượng chức năng nhằm tẩu thoát. Hiện, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn đang xem xét để làm rõ hành vi chống người thi hành công vụ trong các vụ việc này.
Tài liệu trinh sát của cơ quan chức năng cũng cho thấy, việc sử dụng xe đầu kéo, xe container để chở con giống gia cầm nhập lậu như vụ việc đã nêu ở trên thực chất là một thủ đoạn mới, tinh vi của một số “đầu nậu” buôn bán mặt hàng này bởi lâu nay không ai sử dụng loại phương tiện này để chở gia cầm.
Từ giữa năm 2023, nhận định mức độ nghiêm trọng của hoạt động này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện khẩn số 426 gửi UBND các tỉnh, thành phố, các bộ ngành liên quan và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ngay sau đó, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai các giải pháp Thủ tướng đã chỉ đạo. Lãnh đạo các địa phương trọng điểm như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng… cũng đã có văn bản yêu cầu các lực lượng chức năng đóng trên địa bàn tăng cường trinh sát, nắm địa bàn và xử lý nhiều vụ vận chuyển con giống gia cầm nhập lậu. Thông qua các vụ việc đã bị phát hiện, cùng với các giải pháp nghiệp vụ, lực lượng Công an đang làm rõ các đường dây đưa dẫn, vận chuyển để có giải pháp đấu tranh triệt để hơn với tình trạng này.
Tuy nhiên, cho đến cùng, có cầu mới có cung. Thời điểm cuối năm và sát Tết, nhu cầu gia cầm trong nước ngày càng cao sẽ là “môi trường” để tình trạng nhập lậu con giống diễn biến phức tạp. Một lãnh đạo địa phương có chia sẻ rằng, nếu chỉ các tỉnh biên giới “căng ra” để đấu tranh thì không thể ngăn chặn được hiệu quả. Sự phối hợp của các địa phương nội địa trong việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh mạnh mẽ với việc mua bán để “cắt cầu” mới là giải pháp triệt để cho loại vi phạm này.
THIẾU TƯỚNG BÙI TRONG THẾ - PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC AN NINH KINH TẾ (BỘ CÔNG AN): Triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng
Thời gian tới, để tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động buôn lậu, vận chuyển gia súc, gia cầm vào trong nước, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương có biên giới tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng (Bộ đội biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường, Thú y…) tổ chức đấu tranh, ngăn chặn hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép gia sức, gia cầm, sản phẩm động vật biên giới; ngăn chặn hành vi hợp thức hóa nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật và chứng thư kiểm dịch động vật. Đồng thời, công an các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng nắm tình hình hoạt động của các đơn vị kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, kinh doanh giống gia cầm; tổ chức kiểm tra, kiểm soát, xử lý đối với động vật, sản phẩm động vật, con giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bộ Công an kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân không kinh doanh, mua bán sản phẩm động vật, con giống không rõ nguồn gốc xuất xứ…để tránh làm lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe, gây thiệt hại về kinh tế.
Khánh Linh (ghi)
ÔNG LƯƠNG VĂN THƠ – PHÓ CHI CỤC TRƯỞNG CHI CỤC HẢI QUAN CỬA KHẨU CHI MA (LẠNG SƠN): Tích cực tổ chức kiểm tra, giám sát
Đơn vị đã quán triệt nội dung Công điện số 426/CĐ-TTg ngày 18/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Lạng Sơn, Tổng cục Hải quan đến toàn thể cán bộ công chức. Đặc biệt là đã yêu cầu Tổ kiểm soát chống buôn lậu của Chi cục tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan đóng trên địa bàn tích cực tổ chức kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh, phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới trong phạm vị địa bàn quản lý của hải quan.
Đông Mai (ghi)
ÔNG VŨ ANH TUẤN - PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CỔ PHẦN CHĂN NUÔI C.P VIỆT NAM: Hoạt động chăn nuôi thường bị tác động bởi 2 yếu tố là dịch bệnh và giá thành
Đây được coi là 2 rủi ro ảnh hưởng trực tiếp đến đến người chăn nuôi và các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này.
Việc nhập lậu con giống gia cầm, các sản phẩm liên quan sẽ làm gia tăng rủi ro của cả 2 yếu tố trên do hàng nhập lậu không được kiểm dịch dẫn đến nguy cơ con giống bị lây nhiễm nguồn bệnh từ các nước khác xâm nhập vào Việt Nam. Đồng thời, giá bán của con giống nhập lậu thường rẻ hơn do chịu ít chi phí hơn.
Thời gian qua, với sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ ngành, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, lực lượng chức năng đã triển khai rất quyết liệt các giải pháp. Qua đó, lượng hàng lậu cũng có phần suy giảm, các đối tượng vi phạm cũng hoạt động nhỏ lẻ hơn. Với hiệu quả như vậy, mong rằng, các lực lượng sẽ duy trì hoạt động kiểm soát thường xuyên, liên tục để ngăn chặn triệt để hoạt động vi phạm này. Từ góc độ doanh nghiệp, chúng tôi sẽ tích cực chia sẻ thông tin tới Hiệp hội, các cơ quan chức năng để hỗ trợ phần nào công tác này.
Nam Khánh (ghi)