Gian nan gieo chữ ở thôn Cát, Trỉa

Cát và Trỉa là 2 thôn có vị trí địa lý xa xôi, cách trở của xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa. Nơi đây chỉ mới có điện vào năm 2016, có sóng điện thoại vào năm 2021 và vẫn chưa có đường. Vì thế, hành trình bám bản để gieo chữ của thầy, cô giáo nơi đây cũng lắm trần ai.

Thầy giáo Hồ Văn Thành dạy học sinh tập đọc - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Thầy giáo Hồ Văn Thành dạy học sinh tập đọc - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Đường đến trường xa xôi

4 giờ sáng một ngày trung tuần tháng 11, tiếng chuông báo thức reo vang, thầy giáo Hồ Xuân Sinh (sinh năm 1981) ở thôn Chấp Nam, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh vội vàng thức dậy. Sau vài phút chuẩn bị, thầy Sinh buộc kỹ tư trang đằng sau yên xe máy. Bên ngoài, trời tối đen như mực, mưa nặng hạt kéo theo từng đợt gió lạnh buốt thổi ràn rạt. Thầy Sinh vội mặc áo mưa rồi cho xe nổ máy, tiến ra phía đường lớn, hòa vào làn mưa xối xả...

Sau khoảng 1 giờ đồng hồ, thầy Sinh đến Km 27 Quốc lộ 9, đoạn đi qua xã Cam Thành, huyện Cam Lộ. Tại đây, thầy Sinh đợi bạn đường là cô giáo Trần Thị Kiều Oanh (sinh năm 1989), nhà ở thị trấn Cam Lộ, cùng dạy tại điểm lẻ thôn Trỉa, Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS Hướng Sơn để đến trường dạy học.

Cũng trong khoảng thời gian này, cô giáo Trần Thị Minh Hằng (sinh năm 1996) ở thôn Lai Bình, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh thức dậy, hôn tạm biệt con trước khi chuẩn bị ngược núi. Cũng quãng đường ấy, cô Hằng vượt qua hơn 50 km để đến Km 27 Quốc lộ 9. Tại đây, cô đợi người anh, người đồng nghiệp của mình là thầy giáo Hồ Văn Thành (sinh năm 1980), Trưởng điểm lẻ thôn Cát, Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS Hướng Sơn. Thầy Thành nhà ở thôn Trằm, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa. Khi thầy Thành đến nơi, cô Hằng gửi xe máy tại một quán tạp hóa bên đường rồi lên xe đồng nghiệp.

Từ Km 27 Quốc lộ 9, các giáo viên này phải vượt qua khoảng 80 km đường đèo núi hiểm trở để đến được 2 thôn Cát, Trỉa. Vài năm trước, một doanh nghiệp đã san ủi mặt bằng, đổ đá dăm tạo thành một con đường nhỏ dài khoảng vài cây số. Đoạn còn lại là đường mòn ven núi với đá tảng, đá học lởm chởm, gồ ghề. Tuy nhiên, sau nhiều trận mưa lớn, nhiều vị trí dọc tuyến đường này bị sạt lở, trong đó có 3 đoạn bị đứt gãy nghiêm trọng nên việc đi lại thêm phần hiểm nguy.

Nhiều người thắc mắc thầy Thành nhà ở xã Hướng Tân sao không đi đến xã Hướng Sơn rồi vào thôn Cát, Trỉa cho gần. Thực tế là 2 thôn Cát và Trỉa cách trung tâm xã Hướng Sơn khoảng 20 km, trong đó 2 km đầu đi được bằng xe máy, còn lại là đường rừng, chỉ có thể cuốc bộ.

Tuyến đường mòn này có nhiều điểm sạt lở và phải vượt qua 8 suối đá gập ghềnh. Có nhiều đoạn men theo sườn núi hẹp, một bên là mép vực sâu. Tổng chiều dài quãng đường mà các thầy, cô giáo phải vượt qua để đến được 2 điểm trường Cát, Trỉa là hơn 100 km.

Đường đến thôn Cát, Trỉa rất khó khăn, cách trở - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Đường đến thôn Cát, Trỉa rất khó khăn, cách trở - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Vì đường sá đi lại khó khăn nên cuộc sống của người dân ở 2 thôn này cũng muôn phần vất vả. Mỗi khi trời mưa lớn kéo dài, nước ở các con suối dâng cao, chảy xiết là 2 thôn Cát, Trỉa bị cô lập với thế giới bên ngoài. Các giáo viên cũng bị mắc kẹt lại nơi đây, chờ nước rút. Có lần, thầy Thành bị sốt rét, nằm li bì mấy ngày liền. Thấy vậy, phụ huynh phải đưa thầy băng suối vượt rừng ra đường lớn bằng cáng võng, sau đó mới đón xe khách đưa thầy đến bệnh viện chữa trị.

Thiếu phòng học, thiếu nhà vệ sinh

Thầy giáo Hồ Xuân Sinh vẫn còn nhớ như in những ngày đầu đặt chân đến vùng đất xa xôi hẻo lánh bậc nhất huyện Hướng Hóa này. “Năm 2004, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, với sức trẻ và lòng nhiệt huyết nên tôi tình nguyện lên vùng cao dạy học.

Lúc bấy giờ, tôi dạy phổ cập giáo dục trung học tại điểm lẻ thôn Trỉa, Trường Phổ thông cơ sở Hướng Sơn (cũ). Người dân nơi đây ban ngày lên rẫy trồng lúa, trồng ngô nên lớp học chỉ có thể diễn ra vào buổi tối. Trong ánh đèn dầu lay lắt, tôi lên bục dạy chữ cho những người đã học hết bậc tiểu học. Mới đó mà đã gần 20 năm”, thầy Sinh kể.

Năm 2006, thầy Sinh vào biên chế và được phân công dạy bậc tiểu học tại điểm trường lẻ thôn Trỉa. Từ năm 2019 đến nay, thầy Sinh là Trưởng điểm trường lẻ thôn Trỉa, Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH & THCS Hướng Sơn. Hiện, điểm lẻ thôn Trỉa có 2 giáo viên đứng lớp là thầy Sinh và cô Oanh.

Điểm lẻ thôn Trỉa có 3 phòng học (2 phòng lớn, 1 phòng nhỏ). Vì được xây dựng đã lâu nên hiện nay tường bị xuống cấp, mái tôn bị bong. Chỉ cần trời mưa nhỏ là nước thấm dột chảy xuống nền lớp. Tại đây, có tổng cộng 24 học sinh, được chia thành 5 lớp. Thầy Sinh chủ nhiệm 3 lớp: 3, 4, 5 với 11 học sinh. Cô Oanh chủ nhiệm 2 lớp: 1, 2 với 13 học sinh.

Với điều kiện thiếu phòng, thiếu bàn ghế nên học sinh nơi đây bắt buộc phải học ghép. Ba lớp: 3, 4, 5 ghép thành một phòng. Lớp 1 và lớp 2 ghép thành một phòng. Phòng nhỏ còn lại để máy vi tính, dạy môn Tin học.

Trong lớp của thầy Sinh, bàn ghế được xoay về 3 hướng khác nhau. Mỗi hướng có một tấm bảng nhỏ. Thầy Sinh lần lượt đi vòng quanh đến mỗi tấm bảng để dạy kiến thức cho từng nhóm lớp. Ở phòng học cạnh bên, 2 lớp của cô Oanh cũng diễn ra tương tự.

Cách dãy phòng học không xa là nhà công vụ dành cho giáo viên với 3 phòng, mỗi phòng rộng khoảng 10 m2 , xung quanh thưng bằng ván gỗ ép. Tuy nhiên, do không có nhà vệ sinh nên sinh hoạt của giáo viên rất bất tiện, nhất là giáo viên nữ. Để khắc phục khó khăn, mỗi tối sau khi xong công việc, cô Oanh lại đến ngủ cùng với cô giáo Trần Thị Minh Hằng ở điểm lẻ thôn Cát, cách đó khoảng 5 km. Sáng hôm sau lại thức dậy sớm, về thôn Trỉa lên lớp giảng bài.

Nướng thực phẩm để bảo quản cho cả tuần

Thầy giáo Hồ Văn Thành (sinh năm 1980) là Trưởng điểm lẻ thôn Cát, Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH & THCS Hướng Sơn. Thầy Thành là một trong những người có thâm niên tại đây với 18 năm gắn bó. Hiện, thầy chủ nhiệm lớp 4 và lớp 5 với 17 học sinh.

Điểm lẻ thôn Cát có 5 giáo viên, trong đó chỉ có cô giáo Minh Hằng là nữ. Cơ sở hạ tầng của điểm lẻ thôn Cát khá hơn ở thôn Trỉa một chút. Dãy phòng học gồm có 4 phòng, mỗi phòng rộng khoảng 25 m2 nhưng có 2 phòng cũng bị thấm dột mỗi khi trời mưa.

Tại đây, chỉ có hai lớp 4, 5 là học ghép. Nhà công vụ dành cho giáo viên có 3 phòng, nền bê tông, xung quanh được thưng bằng ván gỗ. Nơi đây có nhà vệ sinh đàng hoàng nên các thầy, cô giáo đỡ vất vả hơn ở điểm lẻ thôn Trỉa.

Hôm thứ 2, sau khi dạy học xong buổi sáng, thầy Thành cùng đồng nghiệp tranh thủ nhóm bếp nướng số cá, thịt mà cô Hằng mua lên. Hỏi sao lại nướng hết thì thầy Thành bảo: “Trước đây, nhà trường có cho 1 cái tủ lạnh cỡ nhỏ nhưng nay đã bị hỏng.

Vì vậy, sáng thứ 2 mỗi tuần cô Hằng mua thịt cá mang lên, sau đó chúng tôi nướng hết để bảo quản được lâu hơn, dùng dần đến cuối tuần. Biết là ăn đồ nướng mãi dễ ngán, lại không đảm bảo sức khỏe nhưng không còn lựa chọn nào khác”.

Không chỉ đường sá đi lại khó khăn, trắc trở, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo việc dạy học, ăn ở cho giáo viên và học sinh, điểm trường lẻ thôn Cát, Trỉa còn thiếu nước sạch. Các giáo viên và người dân nơi đây vẫn phải dùng nguồn nước dẫn từ sông, suối về để phục vụ sinh hoạt. Vất vả, thiếu thốn là vậy nhưng thầy, cô giáo nơi đây vẫn luôn tận tụy, yêu nghề.

Khi chia tay, thầy Hồ Xuân Sinh trải lòng: “Mỗi khi trở lại trường, nhìn ánh mắt, nụ cười thơ ngây chào đón thầy, cô giáo của các em học sinh giữa núi rừng heo hút, chúng tôi không cầm lòng được. Đó là niềm hạnh phúc giản đơn nhưng cũng rất đỗi trân quý của nghề giáo mà chúng tôi đã chọn”.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/gian-nan-gieo-chu-o-thon-cat-tria/181619.htm