Gian nan hàn gắn Trung Đông

Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết tiếp tục nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột giữa Israel - Hamas ở Gaza trong 6 tháng còn lại của nhiệm kỳ

Sau bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ một ngày trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden ngày 25-7 (giờ Mỹ). Một quan chức Mỹ cấp cao nói với hãng tin Reuters rằng những trở ngại tồn đọng trong các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza có thể vượt qua được trong cuộc gặp này.

Mỹ đã viện trợ quân sự cho Israel trong suốt cuộc xung đột kéo dài 9 tháng với Hamas. Dưới sức ép của các bên, Mỹ đã đề xuất một kế hoạch ngừng bắn và trao đổi con tin - tù nhân gồm 3 giai đoạn cho Gaza nhưng đến nay, Israel và Hamas vẫn chưa đạt được thỏa thuận.

Tổng thống Biden hôm 24-7 tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột giữa Israel - Hamas ở Gaza trong 6 tháng còn lại của nhiệm kỳ hiện nay.

Tuy nhiên, các cuộc họp ngày 25-7 không nhằm thuyết phục ông Netanyahu ký vào thỏa thuận cuối cùng mà chỉ giúp thu hẹp khoảng cách trong các cuộc đàm phán. Hàng loạt cuộc gặp trực tiếp quan trọng tiếp theo giữa các bên liên quan sẽ diễn ra ở Washington - Mỹ trong tuần tới trong khi các quan chức từ Ai Cập, Israel, Mỹ và Qatar cũng lên kế hoạch nhóm họp tại Doha ngày 25-7.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (giữa, hàng thứ hai từ trên xuống) phát biểu trước Quốc hội Mỹ ở Washington - Mỹ hôm 24-7 Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (giữa, hàng thứ hai từ trên xuống) phát biểu trước Quốc hội Mỹ ở Washington - Mỹ hôm 24-7 Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin Tân Hoa xã, Hamas phản ứng gay gắt trước bài phát biểu của Thủ tướng Netanyahu tại Quốc hội Mỹ hôm 24-7. Phía Hamas cho rằng tuyên bố nỗ lực tăng cường trao trả con tin của ông Netanyahu là "hoàn toàn dối trá và gây hiểu lầm" cho dư luận Israel, Mỹ và quốc tế. Hamas cáo buộc chính ông Netanyahu đã cản trở mọi nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột của các nhà hòa giải ở Ai Cập và Qatar.

Trong khi đó, Hamas và Fatah, 2 phong trào đối nghịch của người Palestine, đã ký thỏa thuận hòa giải tại Bắc Kinh - Trung Quốc với mục đích "hợp tác vì đoàn kết dân tộc" hôm 23-7. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết thỏa thuận hoàn tất sau 3 ngày đàm phán tích cực giữa các bên, đặt nền tảng cho một "chính phủ hòa giải dân tộc lâm thời" quản lý Gaza thời hậu xung đột.

Ông Mustafa Barghouti, Tổng thư ký của Sáng kiến Quốc gia Palestine, 1 trong 14 bên ký thỏa thuận, nhận định 4 yếu tố chính của thỏa thuận là thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc tạm thời, thiết lập ban lãnh đạo thống nhất của Palestine trước các cuộc bầu cử trong tương lai, cuộc bầu cử tự do của Hội đồng Dân tộc Palestine mới và tuyên bố chung về sự thống nhất trước các cuộc tấn công của Israel.

Sự hòa giải giữa Hamas và Fatah là một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ nội bộ Palestine. Hai phong trào này đã đối đầu gay gắt kể từ khi xung đột nổ ra vào năm 2006, sau đó Hamas giành quyền kiểm soát Gaza.

Ông Barghouti cho rằng cuộc xung đột ở Gaza hiện nay là "yếu tố chính" thúc đẩy các bên Palestine gạt bỏ những bất đồng. Trước diễn biến mới ở Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Israel Katz tái khẳng định lập trường của Israel là không bên nào khác ngoài Israel sẽ kiểm soát Gaza sau khi kết thúc xung đột.

Cũng trong bài phát biểu tại Quốc hội Mỹ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đề xuất thành lập một khối quân sự mới theo mô hình Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để đối phó với Iran. Theo ông, Mỹ từng lập liên minh NATO ở châu Âu để đối phó với Liên Xô, do đó Mỹ và Israel hiện nay có thể hình thành một liên minh an ninh tương tự ở Trung Đông.

Ông Netanyahu cho hay ý tưởng về liên minh như vậy bắt đầu hôm 14-4, khi Iran tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào Israel. Vào thời điểm đó, Mỹ và Anh đã giúp Israel đương đầu với đòn trả đũa của Iran.

XUÂN MAI

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/gian-nan-han-gan-trung-dong-196240725212509598.htm