Gian nan hành trình ngăn chặn nạn săn bẫy chim yến

Từ khi thành lập đến nay, Ban Bảo vệ chim yến tỉnh đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời gần 100 trường hợp bẫy bắt, góp phần bảo vệ đàn yến, thúc đẩy phát triển nghề nuôi chim yến của tỉnh.

Lưới tàng hình giăng kín trên một khu đồng ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa) khiến nhiều chim yến bị dính lưới. Ảnh: THỦY TIÊN

Lưới tàng hình giăng kín trên một khu đồng ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa) khiến nhiều chim yến bị dính lưới. Ảnh: THỦY TIÊN

Trong hành trình ngăn chặn nạn bẫy chim, các thành viên Ban Bảo vệ chim yến phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho bản thân và gia đình, rất cần được hỗ trợ từ các cơ quan chức năng.

Suy giảm đàn yến

Trước thực trạng chim hoang dã, trong đó có chim yến bị bẫy bắt tràn lan ở nhiều địa phương, khiến đàn yến suy giảm, năm 2019, Hội Yến sào tỉnh đã thành lập Ban Bảo vệ chim yến. Ban đầu, ban có 5 thành viên, sau đó tăng dần lên và hiện đã có 10 thành viên.

Các thành viên của ban hoạt động trên tinh thần tự nguyện, không lương, không phụ cấp… và đặc biệt không có giờ giấc, bởi bất kể thời gian nào chỉ cần nhận được tin báo của người dân về các khu vực, địa điểm có bẫy bắt chim là tức tốc lên đường.

Trưởng ban Bảo vệ chim yến tỉnh Nguyễn Đức Hiền cho biết: Cùng với việc chủ động đi kiểm tra ở các khu vực đồng trống, thường xuyên có lưới tàng hình giăng bẫy, chúng tôi còn công khai số điện thoại ở các địa phương để khi người dân phát hiện có bẫy giăng bắt chim sẽ báo về cho ban. Nhờ có sự hỗ trợ, phối hợp của người dân nên nhiều vụ bẫy bắt chim được kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Sau 7 năm hoạt động, Ban Bảo vệ chim yến đã phát hiện và ngăn chặn gần 100 vụ bẫy bắt chim. Riêng năm 2023, ban đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời 20 vụ săn bắt trái phép chim hoang dã, góp phần đẩy lùi tình trạng săn bắt chim yến trái phép.

Ông Lê Quyết Thắng, thành viên Ban Bảo vệ chim yến cho biết: Nửa đầu năm nay, số vụ săn bắt chim yến được phát hiện giảm, nguyên nhân vì các đối tượng bẫy bắt chim có sự cấu kết để cảnh báo cho nhau nên khó phát hiện hơn trước. Việc giăng bẫy bắt chim cũng tinh vi hơn, các đối tượng chỉ giăng lưới từ 30-60 phút sẽ dời địa điểm bẫy, nên khi ban nhận được tin báo, đến nơi thì không còn. Việc này bắt buộc chúng tôi phải tăng cường bám sát địa bàn, nhất là các khu vực thường xuyên phát hiện bẫy giăng để nhanh chóng ngăn chặn.

Toàn tỉnh hiện có hơn 1.200 nhà yến, tổng đàn trên 1,2 triệu con. Tổng sản lượng yến tổ trong năm 2023 của toàn tỉnh đạt gần 4 tấn; dự kiến năm 2024 có thể tăng 10-20% so với năm trước. Hiện nay, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh đang tích cực hỗ trợ để đưa sản phẩm tổ yến Việt Nam xuất khẩu, kỳ vọng sẽ mang lại doanh thu lớn cho đất nước. Tuy nhiên, nghề này vẫn đang phải đối mặt với nạn săn bắt làm suy giảm đàn yến và ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng khai thác tổ yến toàn tỉnh.

Cần sự hỗ trợ từ các cấp

Theo Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, chim yến thuộc bộ yến là động vật hoang dã cần được bảo tồn. Tuy nhiên, tình trạng bẫy bắt chim nói chung và chim yến nói riêng vẫn còn xảy ra, nhiều địa phương vẫn còn xem nhẹ việc ngăn chặn tình trạng bẫy chim, cũng như bảo vệ đàn chim yến. Đặc biệt, khó khăn nhất hiện nay của Ban Bảo vệ chim yến là lực lượng mỏng, các đối tượng giăng bẫy ngày càng tinh vi, manh động.

Theo ông Nguyễn Đức Hiền, khó khăn lớn nhất hiện nay của các thành viên Ban Bảo vệ chim yến không chỉ là chi phí cho việc duy trì hoạt động mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do các đối tượng săn bắt chim yến phản ứng sau khi bị phát hiện. Không ít lần trong quá trình làm việc, ngăn chặn bẫy bắt chim, các thành viên trong ban đã bị các đối tượng bẫy chim hành hung.

Để ngăn chặn bẫy bắt chim hoang dã, UBND tỉnh đã có văn bản quy định về việc phối hợp ngăn chặn vấn nạn bẫy chim yến và động vật hoang dã. Theo đó, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở NN&PTNT, TN&MT, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, UBND các huyện, thị, thành phố…

Hội Yến sào tỉnh cũng đã tích cực làm việc với các địa phương để ký kết quy chế phối hợp trong việc ngăn chặn, xử lý các trường hợp bẫy bắt chim. Hiện hội đã ký kết phối hợp với UBND TX Đông Hòa. Địa phương này đã thành lập đội liên ngành của thị xã sẵn sàng phối hợp với hội khi phát hiện trường hợp bẫy chim trên địa bàn.

“Hội đang tiếp tục liên hệ, làm việc với các địa phương còn lại để sớm hoàn thành việc ký kết, rất mong các địa phương tích cực hỗ trợ, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Ban Bảo vệ chim yến hoạt động. Ngoài ra, để hỗ trợ các thành viên Ban Bảo vệ chim yến trong quá trình làm việc, hội vừa trang bị 1 camera di động có thể vừa quay hình, vừa ghi âm và truyền trực tiếp hình ảnh về cho hội, giúp ghi lại bằng chứng trong trường hợp các đối tượng hành hung thành viên ban để có cơ sở cho cơ quan chức năng xử lý sau này”, ông Phạm Duy Khiêm, Phó Chủ tịch Hội Yến sào Việt Nam, Chủ tịch Hội Yến sào Phú Yên cho hay.

Theo quy định tại Điều 25 Nghị định 13/2020/NĐ-CP và Điều 27 Nghị định 14/2021/NĐ-CP, mọi hành vi săn bắt, dẫn dụ chim yến để sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích nuôi chim yến để khai thác tổ yến hoặc nghiên cứu khoa học sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10-15 triệu đồng và bị tịch thu tang vật sử dụng thực hiện hành vi vi phạm.

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/319495/gian-nan-hanh-trinh-ngan-chan-nan-san-bay-chim-yen.html