Gian nan khởi nghiệp đồ chay và bí quyết thành công ít ai biết

Không phải ai có vốn lao vào kinh doanh thực phẩm chay cũng có thể 'trụ' được nếu không xuất phát từ 'tâm' (?!).

Thực khách dùng đồ chay tại một quán ăn trên đường Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội

Thực khách dùng đồ chay tại một quán ăn trên đường Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội

Không phải theo đạo mới ăn chay

Gắn bó với bữa ăn không thịt đã hơn 23 năm, không biết từ khi nào, ăn chay đã trở thành điều không thể thiếu đối với chị Nguyễn Thị Quyên, chủ cơ sở sản xuất thực phẩm chay Minh Quyên (Gia Lâm, Hà Nội).

Theo chị, từ trước đến nay, nhiều người vẫn thường quan niệm có theo đạo mới ăn chay, ăn chay sẽ thiếu chất, không đảm bảo dinh dưỡng... Vì vậy, chị Quyên vẫn luôn mong muốn có một nơi để giới thiệu về cách ăn uống thuần tự nhiên, mang lại sức khỏe tốt hơn và phù hợp cho tất cả mọi người.

Từ những ý tưởng ban đầu đó, năm 2006, chị quyết định mở quán lấy tên “Lối sống mới” tại số 485 phố Trần Khát Chân. Lúc bấy giờ, đây được coi là một trong những cửa hàng chay hiếm hoi ở Hà Nội.

“Ban đầu, mở quán là mục đích chung của mọi người trong nhóm cộng đồng ăn chay để lan tỏa lợi ích của điều này và không phải kinh doanh cá nhân. Tất cả chỉ vì đam mê và tôi sẵn sàng làm như một con thiêu thân”, chị Quyên nhớ lại.

Thế nhưng, khi bắt tay vào thực hiện, chị Quyên mới thực sự cảm nhận được muôn vàn khó khăn trong lĩnh vực rất mới này. Mất 8 tháng đầu, chị phải nhờ đến mọi người trong nhóm ăn chay tài trợ để hàng ngày làm 150 suất cơm hộp đưa vào chợ Đồng Xuân bán với giá 10 nghìn đồng/suất.

Giá thuê mặt bằng mỗi tháng đã 12 triệu đồng nhưng khách hàng chưa có nhiều, doanh thu trung bình chỉ khoảng 300 nghìn đồng/ngày, vì vậy mà cửa hàng cứ “lỗ lên lỗ xuống”.

Thậm chí, chồng chị khi đó đang lao động xuất khẩu ở Hàn Quốc cũng thường xuyên gửi tiền về để trang trải.

Hai năm sau, khách hàng đã dần quen, nhận thức của mọi người về ăn chay đã thay đổi, đã nghĩ ăn chay rất tốt cho sức khỏe nên đối tượng khách hàng của cửa hàng ngày càng mở rộng, cửa hàng được chuyển về số 192 phố Quán Thánh. Tại đây, việc kinh doanh thuận lợi hơn.

Sau khi vượt qua những khó khăn đó, chị Quyên đã quyết định chuyển giao lại nhà hàng cho chị gái đảm nhiệm và chuyên tâm sản xuất mặt hàng chay tại nhà để giao cho các đại lý. Bên cạnh đó, chị cũng nhận làm tiệc lưu động tại các sự kiện lớn, nhỏ.

500 một mâm cỗ chay đủ dinh dưỡng

Với kinh nghiệm có sẵn và trải qua gần 10 năm phát triển, hiện cơ sở của chị trung bình mỗi ngày có thể cung cấp từ 2-3 đơn hàng cho các đại lý lớn về đồ chay. Trong đó, riêng món giò chay đã lên đến hàng tấn mỗi tháng với tổng lợi nhuận khoảng hơn 100 triệu đồng.

“Để có thể cung cấp số lượng lớn như vậy tại Hà Nội có lẽ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay và điều quan trọng phải biết sản xuất nhiều món. Nếu đặt tiệc, mâm cỗ chay sang trọng nhất cũng chỉ 2,5 triệu đồng và rẻ nhất là 500 nghìn đồng đều đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.

Tính chi phí trung bình mà mỗi khách hàng bỏ ra vẫn rẻ hơn ăn mặn vì cốt nguyên liệu không thể nào lấy đắt hơn”, chị Quyên nói.

Không có tâm làm đồ chay sẽ không thành công

Một mâm cơm chay với đầy đủ chất dinh dưỡng

Một mâm cơm chay với đầy đủ chất dinh dưỡng

Cũng xuất phát từ mục đích ăn chay để tốt cho sức khỏe, tháng 10/2018, chị Phạm Ánh Tuyết (Long Biên, Hà Nội) đã cho ra đời cửa hàng Thực Dưỡng Bồ Đề Nguyện tại số 92 ngõ 158, đường Nguyễn Văn Cừ. Theo lời chủ cơ sở này, mất một thời gian đầu chị không nhận được sự đồng cảm. Ngay từ trong gia đình đã có sự cản trở, không ủng hộ về việc ăn chay vì cho rằng sẽ thiếu chất.

“Có những người nhìn tôi bằng con mắt không mấy thiện cảm rồi buông lời mỉa mai: Ăn chay để làm gì?, Ăn chay có đủ hay không?... Nhưng tôi phải vượt qua những trở ngại đó vì mục tiêu lớn hơn giúp mọi người thay đổi nhận thức bằng một minh chứng cụ thể là chính bản thân mình, một người ăn chay vẫn hoàn toàn khỏe mạnh”, chị Tuyết bày tỏ.

Ngoài ra, theo chị Tuyết thực phẩm chay không phải dành cho nhiều đối tượng nên khi mở cửa hàng cũng có giới hạn nhất định. Bởi không phải cứ mở ra là có khách ngay mà cần phải có thời gian để duy trì. Đó còn chưa kể cần tận dụng tối đa nguồn nhân lực tự có vì nếu thuê thêm người sẽ không đủ để chi trả trong những giai đoạn đầu.

Chị tâm sự, làm kinh doanh mặt hàng này đầu tiên phải biết cho đi, mang lợi ích đến cộng đồng như thường xuyên dạy nấu ăn miễn phí, tổ chức các buổi từ thiện phát đồ chay cho người nhà và bệnh nhân tại các bệnh viện…

Sau khi thưởng thức xong, họ đều cảm thấy ăn chay không chỉ ngon mà còn dễ chịu, không bị đói, không thiếu chất như thường ngày vẫn nghĩ. Đây cũng là cách để trực tiếp trải nghiệm trên bản thân. Rồi người này mách người kia, dần dần khách hàng sẽ tự đến với mình và việc truyền miệng này sẽ hiệu quả hơn so với quảng cáo trên các phương tiện thông tin khác.

Về nguyên tắc lựa chọn thực phẩm và gia vị của Thực Dưỡng Bồ Đề Nguyện cũng rất khắt khe, tất cả đều phải nằm trong nhóm thuần tự nhiên, không dùng hóa chất. Ví dụ như để tạo vị chua sẽ dùng quả mơ muối lâu năm, vị ngọt sẽ dùng mật mía hoặc đường phèn và không dùng mì chính, hạt nêm có chất điều vị…

“Các cụ ngày xưa đã có câu “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra” vì vậy cần phải biết lựa chọn các thực phẩm lành, sạch. Hiện nay, không chỉ riêng Việt Nam mà cả ở trên thế giới, nhiều người đang có xu hướng chuyển sang ăn chay rất nhiều. Theo tôi, thị trường trong lĩnh vực này đang rất có tiềm năng để phát triển”, chị Tuyết bày tỏ.

Tuy nhiên, theo bà chủ của Thực Dưỡng Bồ Đề Nguyện, đối với những người không ăn chay trường, rất khó trụ được trong lĩnh vực này và hầu hết đều thất bại.

“Những người kinh doanh đồ chay nếu đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên sẽ không thể thành công. Và thực tế, tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp nhanh chóng đóng cửa. Nó giống như người thầy thuốc phải có tâm mới chữa được cho bệnh nhân. Ăn chay cũng vậy, nếu muốn khẳng định là đầy đủ chất, trước tiên phải có sản phẩm tốt, nếu không làm được điều đó khách hàng sẽ tự động bỏ đi”, chị Tuyết bộc bạch.

Đồ chay nội át đồ ngoại từ nhà hàng tới siêu thị

Các sản phẩm chay đóng gói sẵn cũng được bày bán rộng rãi tại những siêu thị

Các sản phẩm chay đóng gói sẵn cũng được bày bán rộng rãi tại những siêu thị

Nếu trước đây, thực phẩm chay được tiếp cận dưới góc độ tôn giáo thì ngày nay đã trở nên phổ cập ở tất cả các lứa tuổi. Chị Đinh Thị Thu Hằng (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi người ăn chay sẽ có nhiều nguyên nhân lựa chọn khác nhau nhưng đều chung mục đích là đảm bảo tốt sức khỏe của mình. Riêng gia đình tôi, thi thoảng lại đổi bữa ăn chay để giúp cơ thể được thanh lọc, cân bằng những chất được nạp từ động vật”.

Đáp ứng nhu cầu của thực khách, nhiều món chay lạ, độc được các nhà hàng chế biến với mức giá dao động từ 65-125 nghìn đồng/suất. Cơm chay Nàng Tấm là một trong những thương hiệu ẩm thực chay hơn 20 năm tại Hà Nội. Bất kể ngày nào trong tháng, địa điểm này cũng đều thu hút thực khách với những món ăn đặc trưng như: Viên tuyết hoa, óc đậu, cá sốt ngũ liễu, nộm tuyết lê...

Một cái tên quen thuộc khác tại Hà Nội là Ưu Đàm Chay, một nhà hàng được thiết kế với nhiều âm hưởng Phật giáo với những món chay hấp dẫn như: Củ sen lắc phô mai, súp thủy trúc, súp hồ đào, súp bát nhã, salad đồng quê, nem vuông, dừa ấp nấm, cơm chiên lá nếp, xôi mạn - đà - la, xôi an nhiên…

Ghi nhận trên thị trường phân phối, thực phẩm chay chế biến sẵn cũng phát triển đa dạng phong phú. Từ các gia vị như bột nêm, nước chấm, dầu hào... đến mỳ chay, gạo lứt, chà bông thịt bò, gà lát, đồ hộp... đều có mặt tại hầu hết các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và chuỗi cửa hàng bán lẻ phân bố không chỉ ở các thành phố lớn mà ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đáng nói, thực phẩm chay sản xuất trong nước đang chiếm ưu thế so với hàng nhập ngoại bởi giá cả cạnh tranh, mẫu mã đa dạng. Thống kê tại các kệ hàng thực phẩm chay tại các siêu thị như Vinmart, Fivimart, BigC… sản phẩm trong nước chiếm tới hơn 80%. Nhiều thương hiệu đồ chay trong nước cũng được người tiêu dùng biết đến như Vissan, Cầu Tre, Ngọc Liên, Song Hương, Âu Lạc…

Tạ Hải

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/gian-nan-khoi-nghiep-do-chay-d441108.html