Gian nan kiện đòi phí bảo hiểm
Phí bảo hiểm là nguồn thu chính để doanh nghiệp bảo hiểm tồn tại. Tuy nhiên, nợ đọng phí bảo hiểm đang là vấn đề nan giải của các doanh nghiệp ngành này.
Quyền thu phí và nghĩa vụ đóng phí
Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền thu phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, tương ứng với đó là nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm đầy đủ, theo thời hạn và phương thức đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Trường hợp bên mua bảo hiểm không thực hiện nghĩa vụ thanh toán phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và có quyền thu phí bảo hiểm đến thời điểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.
Như vậy, ngoại trừ các hợp đồng bảo hiểm con người, trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm chấm dứt trước thời hạn do khách hàng không đóng phí thì bên mua bảo hiểm phải đóng phí đến thời điểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có quyền khởi kiện đòi bên mua bảo hiểm đóng phí.
Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm thường thỏa thuận cho khách hàng nợ phí trong một thời hạn nhất định hoặc chia phí theo kỳ thanh toán nhằm mục đích tạo điều kiện cho khách hàng không phải đóng một khoản phí lớn ngay khi ký hợp đồng mà vẫn được bảo hiểm.
Tuy nhiên, đây lại là nguyên nhân khiến cho nhiều tranh chấp xảy ra liên quan đến nghĩa vụ thanh toán phí.
Bởi trường hợp khách hàng không thanh toán phí đúng thời hạn thì hợp đồng bảo hiểm sẽ chấm dứt hiệu lực vào ngày hết hạn thanh toán phí bảo hiểm; đồng thời, khách hàng có nghĩa vụ thanh toán khoản phí bảo hiểm đến thời điểm hợp đồng bảo hiểm chấm dứt hiệu lực.
Và, doanh nghiệp bảo hiểm được hưởng khoản phí bảo hiểm tương ứng với thời gian hợp đồng bảo hiểm phát sinh trách nhiệm.
Quy định là vậy, nhưng không phải khách hàng nào cũng thiện chí nộp đầy đủ số phí bảo hiểm còn thiếu khi hợp đồng chấm dứt. Cực chẳng đã, nhiều công ty bảo hiểm đã phải khởi kiện ra tòa để đòi phí bảo hiểm.
Bởi vì, trên thực tế, mặc dù chưa thu được phí bảo hiểm, trách nhiệm bảo hiểm của công ty bảo hiểm vẫn phát sinh nếu có tổn thất xảy ra trong thời gian khoản phí bảo hiểm chưa được thanh toán. Nói nôm na là công ty bảo hiểm đã bảo hiểm miễn phí trong thời gian cho nợ phí đến thời điểm hợp đồng bảo hiểm chấm dứt.
Nợ phí sơ sơ vài chục tỷ đồng
Lâu nay, truyền thông chủ yếu đề cập đến các vụ khách hàng kiện đòi tiền bồi thường bảo hiểm, chứ chưa quan tâm nhiều đến những vụ tranh chấp, trong đó công ty bảo hiểm là bên khởi kiện để đòi phí bảo hiểm.
Mặc dù nợ phí bảo hiểm không còn là tình trạng riêng của công ty bảo hiểm nào, thậm chí tại nhiều công ty bảo hiểm, khoản nợ phí phải đòi ngày một phình to và được liệt vào khoản nợ khó đòi.
Nguyên nhân của tình trạng này, một phần là do các bên đã thỏa thuận nợ phí, chia kỳ phí bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng.
Tuy nhiên, lý do chủ yếu vẫn là tình trạng thiếu tuân thủ quy định của pháp luật cũng như thiếu tuân thủ các thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng.
Mặc dù, phía doanh nghiệp đã viện dẫn đầy đủ các cơ sở pháp lý cũng như thông báo về việc sẽ khởi kiện đòi tiền phí bảo hiểm tại tòa án, khách hàng vẫn thờ ơ, chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ.
Thị trường phi nhân thọ hiện chưa có con số thống kê chính thức về số tiền nợ phí bảo hiểm, nhưng theo thống kê tại một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho thấy, số tiền nợ phí bảo hiểm 9 tháng đầu năm lên đến hơn 55 tỷ đồng, tỷ lệ nợ phí trên tổng doanh thu phí bảo hiểm là 3,9%.
Một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần khá lớn khác cũng tiết lộ, số tiền nợ phí bảo hiểm của công ty từ đầu năm đến nay cũng xấp xỉ 50 tỷ đồng…
Đây là con số không nhỏ và đang là vấn đề nan giải của các doanh nghiệp bảo hiểm khi mà việc thu nợ không có hiệu quả hoặc mất nhiều thời gian, công sức do phải giải quyết bằng con đường tòa án.
Phí bảo hiểm là khoản tiền để doanh nghiệp bảo hiểm thu để bù đắp cho các chi phí bồi thường bảo hiểm theo nguyên tắc lấy số đông bù số ít. Không có tiền phí bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm không thể tồn tại.
Cách đây không lâu, tòa án tại một tỉnh đã giải quyết đơn kiện đòi phí bảo hiểm giữa Công ty bảo hiểm B và bên mua bảo hiểm là một công ty thủy điện.
Cụ thể, ngày 2/5/2011, Công ty bảo hiểm B đã ký kết hợp đồng bảo hiểm với bên mua bảo hiểm về việc Công ty bảo hiểm B nhận bảo hiểm rủi ro trong quá trình xây dựng, lắp đặt và trách nhiệm bên thứ ba cho các hạng mục liên quan trong quá trình thi công dự án thủy điện.
Trong hợp đồng bảo hiểm, các bên thỏa thuận thanh toán phí thành bốn kỳ. Khách hàng đã thanh toán được khoản phí kỳ đầu tiên và kỳ thứ hai đúng thời hạn và một phần của kỳ phí thứ ba. Đến ngày hết hạn đóng phí kỳ ba, khách hàng vẫn không thanh toán đầy đủ phí bảo hiểm của kỳ này cho công ty bảo hiểm.
Tòa án cấp phúc thẩm đã nhận định, căn cứ quy định tại Điều 23, Luật Kinh doanh bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm chấm dứt khi bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Tòa án nhận định, hợp đồng bảo hiểm giữa công ty bảo hiểm B và khách hàng đã chấm dứt hiệu lực.
Căn cứ quy định tại khoản 3, Điều 24, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, Tòa án đã buộc bên mua bảo hiểm phải thanh toán cho công ty bảo hiểm số tiền phí bảo hiểm còn nợ đến ngày hết hạn thanh toán phí. Như vậy là qua hai cấp tòa, công ty bảo hiểm đã đòi được khoản nợ phí bảo hiểm mà họ được hưởng.
Đây có thể xem là kết quả xứng đáng cho phía doanh nghiệp bảo hiểm sau thời gian dài theo kiện. Tuy nhiên, không phải là khoản nợ phí nào công ty bảo hiểm cũng khởi kiện ra tòa án để đòi, bởi việc kiện tụng chưa bao giờ là dễ dàng.
Thực tế, việc nợ phí không những gây ra những tranh chấp về kiện đòi phí, mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của chính người được bảo hiểm.Bởi sau khi hợp đồng chấm dứt, nếu có tổn thất xảy ra thì khách hàng sẽ không được bồi thường.
Rất nhiều trường hợp, quá thời hạn nộp phí bảo hiểm đến khi có tổn thất xảy ra, khách hàng mới đóng phí bảo hiểm để đòi bồi thường, điển hình như vụ việc của Công ty bảo hiểm P và Công ty Hoàng Phát. Hai bên đã thỏa thuận kỳ hạn thanh toán phí là ngày 5/6/2006 cho hợp đồng bảo hiểm cháy nổ, tuy nhiên quá thời hạn này, khách hàng đã không đóng phí.
Đến ngày 26/7/2006, vụ hỏa hoạn xảy ra. Mặc dù phía khách hàng có đóng phí, nhưng tòa án cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm đều nhận định: do Công ty Hoàng Phát nộp phí quá thời hạn, nên hợp đồng không còn hiệu lực và doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường.
Trên đây là những vụ việc điển hình liên quan đến vấn đề nợ phí bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm. Đây cần được xem là một tiền lệ tốt trong các vụ việc khởi kiện thu đòi phí bảo hiểm nói riêng cũng như các vụ tranh chấp về nghĩa vụ thanh toán nói chung nhằm đảm bảo tính tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức khi tham gia các quan hệ hợp đồng.
Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Khi có nhu cầu bảo hiểm, khách hàng phải đóng phí bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm theo thời hạn và phương thức mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/bao-hiem/gian-nan-kien-doi-phi-bao-hiem-313958.html