Gian nan tạo giống nuôi biển

Trong nuôi trồng thủy sản, con giống có yếu tố quyết định thắng lợi hay thất bại mùa vụ nuôi cá thịt. Các nhà sản xuất cá giống chuyên nghiệp trong tỉnh phải kỳ công chọn lựa đàn cá bố mẹ ưu tú để tạo ra những đàn giống đạt sản lượng cao nhất, trở thành trung tâm sản xuất cá giống nuôi biển lớn nhất nước.

Kỳ công chọn cá giống

Phải mất cả năm trời kết thân, kỹ sư Nguyễn Văn Vinh, chuyên làm cá giống nuôi biển ở các xã Vĩnh Lương, Phước Đồng (TP. Nha Trang) và TP. Cam Ranh mới đồng ý cho tôi đi theo và xem kỹ lưỡng các quy trình tuyển chọn, chăm sóc cá bố mẹ. Đây là công đoạn khó và có ý nghĩa lớn trong chuỗi nuôi trồng thủy sản, mang tính quyết định thắng lợi hay thất bại cho người nuôi thương mại.

 Người dân xã Ninh Ích (Ninh Hòa) mua trứng cá về ấp nở và ươm nuôi giống cá biển ở địa phương.

Người dân xã Ninh Ích (Ninh Hòa) mua trứng cá về ấp nở và ươm nuôi giống cá biển ở địa phương.

Tàu cập vào bè nuôi cá chim của bà Ngân trên vịnh Cam Ranh, có cả 100 lồng nuôi. Các kỹ sư nuôi trồng nhanh chóng chuẩn bị “phòng đẻ” cho cá là tấm lưới bằng vải thun màu xanh cột thả xuống biển. Muốn có đàn cá bố mẹ chất lượng cao, bà Ngân - chủ bè và kỹ sư Vinh cùng hợp tác, tuyển chọn cẩn thận trong số hàng nghìn con cá chim để tìm ra hơn 100 con cá bố mẹ ưu tú. Sau 5 năm chăm sóc, cá đạt trọng lượng từ 6 đến 10kg/con, chi phí hơn 400 triệu đồng.

 Tuyển chọn cá chim bố mẹ ở vịnh Cam Ranh.

Tuyển chọn cá chim bố mẹ ở vịnh Cam Ranh.

Vừa nói chuyện, kỹ sư Vinh vừa khẩn trương chuẩn bị các thùng đựng nước, bỏ thêm đá lạnh để giảm nhiệt độ xuống 20oC dưới cái nắng chói chang; một thùng nước ngọt ở bên cạnh để tắm cho cá, loại bỏ các ký sinh trùng bám ở da cá. Kéo ô lưới lên, mấy chục con cá bố mẹ vẫy vùng ầm ầm, anh phải sử dụng thuốc gây mê cho vào thùng nước. Với cá to, mỗi lần chỉ đưa được 3 con vào thùng gây mê. Kỹ sư Vinh dùng ống nhựa nhỏ đút sâu vào bụng cá thăm dò trứng, tinh trùng. Con cá mẹ nào đủ tiêu chuẩn trứng mới tiêm thuốc kích thích chín trứng, đối với cá bố là kích dục tố.

Suốt cả một buổi sáng, kỹ sư Vinh chọn được 11 con cá mẹ và 11 con cá bố đạt tiêu chuẩn, tiến hành xong các bước, thả vào ở chung cùng “phòng đẻ”. Bước sang đêm thứ 2, từng cặp cá bố mẹ bơi sát nhau, cá mẹ dừng lại đẻ trứng, cá bố bơi xung quanh “rải” tinh trùng lên trứng. Kỹ sư Vinh đã vớt được 2kg trứng. “Thời điểm cuối tháng 4, qua kiểm tra, nhiều bè nuôi cá chim bố mẹ ở vịnh Cam Ranh, vịnh Nha Trang, đầm Nha Phu cá không có trứng. Nhóm chúng tôi lấy được lượng trứng như thế này là rất tốt. Chúng tôi phải mang trứng về bể xi măng (trại nuôi) ở đất liền ấp, nở thành cá ấu trùng. Sau 3 ngày, bắt đầu tập cho cá ăn và nuôi cá đủ kích cỡ cá giống, khoảng 3 tháng sau mới đưa ra nuôi ở biển và ao đìa” - kỹ sư Vinh cho biết.

Trước đó, quy trình chăm sóc “bà bầu” được kỹ sư Vinh thiết kế rất tỉ mỉ, phải theo dõi, quan sát sức cá ăn, di chuyển trong lồng hàng ngày. Đặc biệt, phác đồ về cân đối chế độ dinh dưỡng cho cá được xem là “đòn” quyết định. Nếu cho ăn không đúng thành phần dinh dưỡng và quy trình, cá sẽ mập, sinh ra nhiều mỡ, không tạo được trứng.

Hành trình khẳng định chất lượng

Giờ đây, nói đến giống nuôi biển, người nuôi cả nước đều biết tiếng Khánh Hòa khi tỉnh đã trở thành trung tâm giống nuôi biển của cả nước. Tùy vào vật nuôi mà người ta có hình thức sản xuất khác nhau, giá trứng cũng khác nhau. Đối với cá chim vây ngắn chỉ đẻ trứng 3 tháng trong năm, giá trứng từ 150 đến 180 triệu đồng/kg; còn cá bớp đẻ trứng quanh năm, giá từ 30 đến 50 triệu đồng/kg. Trong tỉnh hình thành những nhóm sản xuất cá giống nuôi biển: nhóm thứ nhất vừa nuôi cá bố mẹ lấy trứng, vừa có trại và đìa sản xuất con giống, trực tiếp cung ứng cho thị trường. Nhóm thứ hai, người dân xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa) chuyên đi mua trứng cá về tự ấp nở, ươm nuôi tại đìa. Nhóm thứ ba chỉ chăm nuôi cá bố mẹ và sản xuất trứng bán ra thị trường.

 Nuôi giống cá chim ở trong bể xi măng tại xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang.

Nuôi giống cá chim ở trong bể xi măng tại xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang.

Để có được uy tín trong sản xuất giống là cả một hành trình gian nan. Ngược dòng thời gian, năm 1998, ông Vương Bắc Luyện (người Đài Loan - Trung Quốc) sang Việt Nam thành lập Công ty Thủy sản Hoằng Ký (huyện Vạn Ninh). Lúc đầu, ông Luyện nhập trứng cá từ nước ngoài về ấp nở và nuôi thành cá con giống. “Thời điểm đó, người dân và doanh nghiệp trong tỉnh chưa ai biết làm cá giống nuôi biển như thế nào; thủ tục nhập trứng cá vào Việt Nam rất khó khăn. Công ty Thủy sản Hoằng Ký có được giấy phép nhập khẩu trứng cá của Bộ Thủy sản (sau này sáp nhập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Trứng cá về đến Khánh Hòa, các chuyên viên ngành thủy sản đến kiểm ra cơ sở nuôi đủ điều kiện, rồi đích thân Tiến sĩ Nguyễn Tác An - Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang đóng dấu xác nhận đúng trứng cá biển ghi trong giấy phép. Vòng vèo qua nhiều công đoạn, nhưng trứng nhập về nuôi khó thành công” - kỹ sư Lê Thị Như Phượng, Giám đốc Công ty TNHH Phượng Hải Nha Trang kể lại thời điểm hợp tác sản xuất giống với ông Luyện.

 Giống cá chẽm đang nuôi quy mô công nghiệp trên biển và nuôi ở ao đìa

Giống cá chẽm đang nuôi quy mô công nghiệp trên biển và nuôi ở ao đìa

Mày mò mãi, kỹ sư Phượng và ông Luyện đã thành công trong việc tuyển chọn cá bố mẹ và cho cá mú, cá bớp... đẻ hàng loạt, ươm nuôi từ cá ấu trùng ở môi trường tự nhiên. Từ đây đã mở đường cho người dân xã Ninh Ích bắt chước làm theo, trở thành vùng cung cấp cá giống nuôi biển quy mô lớn.

Trước năm 2006, ở vùng biển từ Quảng Bình trở vào Kiên Giang không có bóng dáng cá chim nuôi thương phẩm. Chỉ có duy nhất Công ty Maline Fams ASA, Na Uy nhập giống cá chim từ nước ngoài về nuôi trên vịnh Vân Phong, Vạn Ninh. “Năm 2007, thầy Lại Văn Hùng, Trưởng khoa Nuôi trồng thủy sản (Trường Đại học Nha Trang) ra thăm cơ sở nuôi trồng của Na Uy, thấy họ nuôi cá chim tốt nên mua 50 con cá thịt giá 10 triệu đồng. Rồi thầy mua lại cái bè cũ của người dân trên vịnh Nha Trang, nuôi số cá chim thành cá bố mẹ. Tôi được giao phụ trách bè nuôi cá này” - Tiến sĩ Ngô Văn Mạnh - Trưởng bộ môn, Viện Nuôi trồng thủy hải sản (Trường Đại học Nha Trang) nhớ lại ngày bắt đầu mày mò sản xuất cá giống có giá trị kinh tế cao.

Cá đẻ nhiều nhưng do thiếu kinh nghiệm nên chỉ sống được 2% giai đoạn ươm trong bể, cá to bằng ngón tay đưa ra bè nuôi. Vụ đầu tiên nuôi khoảng 10.000 con cá, khoa gặp khó khăn tài chính. Cá lớn bán không ai mua. Tiến sĩ Mạnh nghĩ ra “kế” viết thông tin cá chim, số điện thoại trên từng tờ giấy, vào cảng du lịch Cầu Đá (Nha Trang) đưa tận tay khách du lịch. Sau thời gian, có vài người ở TP. Hồ Chí Minh gọi điện đặt mua cá chim, đóng cá vào thùng chở đến bến xe gửi. Họ ăn cá ngon, giới thiệu dần dần cho nhiều người biết. Rồi việc đi vận động một số chủ bè nuôi thử cá chim, dần dần lan rộng ra nhiều hộ. Bây giờ, nhiều tỉnh, thành trong cả nước nuôi cá chim, tất cả đều lấy cá giống ở Khánh Hòa.

Hải Luận

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202205/gian-nan-tao-giong-nuoi-bien-8250650/