Gian nan tìm lối thoát cho các cuộc xung đột

Tuyên bố của Israel rằng cuộc chiến mà quân đội nước này đang tiến hành tại Dải Gaza sẽ không dừng lại trước khi Phong trào Hồi giáo Hamas bị đánh bại không chỉ làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo khẩn cấp ở dải đất hẹp ven biển của Palestine, mà còn khiến 'thùng thuốc súng' Trung Đông dễ 'phát nổ' hơn.

Trong khi đó, tại châu Âu, triển vọng về một thỏa thuận hòa bình cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn vô cùng ảm đạm. Cộng đồng quốc tế vẫn đang miệt mài với những nỗ lực không ngừng nghỉ để đưa những “người trong cuộc” ngồi vào bàn hòa đàm nhằm đặt dấu chấm hết cho các cuộc đối đầu này.

Cần nắm bắt cơ hội để giải quyết xung đột

Đây là quan điểm mà tất cả các bên hòa giải đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 31/5 công bố “đề xuất mới toàn diện” của Israel về thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza. Đề xuất này bao gồm 3 giai đoạn, bắt đầu với lệnh ngừng bắn “đầy đủ và toàn diện” kéo dài 6 tuần. Trong giai đoạn thứ hai, Hamas và Israel sẽ đàm phán các điều khoản nhằm chấm dứt vĩnh viễn tình trạng thù địch. Giai đoạn thứ ba sẽ bao gồm kế hoạch tái thiết lớn dành cho Gaza.

Khung cảnh đổ nát ở Khan Younis, Dải Gaza.

Khung cảnh đổ nát ở Khan Younis, Dải Gaza.

Người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh: “Đã đến lúc bắt đầu giai đoạn mới… để chấm dứt mọi đau khổ. Đã đến lúc xung đột phải kết thúc, để một ngày mới bắt đầu”. Bên cạnh đó, Mỹ cùng Ai Cập và Qatar kêu gọi Israel và Hamas thực hiện các bước cần thiết để thông qua thỏa thuận nêu trên nhằm giải quyết dứt điểm cuộc xung đột.

Trong khi đó, các bên hòa giải bày tỏ sự ủng hộ đối với mọi nỗ lực nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức, việc rút hoàn toàn lực lượng chiếm đóng của Israel, cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho dân thường bị ảnh hưởng vì xung đột leo thang cũng như sự trở về an toàn của những người dân phải sơ tán vì xung đột. Họ cũng mong tầm quan trọng của việc giải quyết nghiêm túc bất kỳ đề xuất nào nhằm đạt được lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và chấm dứt sự đau khổ của người dân Palestine ở Gaza.

Họ nêu quan điểm rằng: “Kêu gọi ngừng bắn là một chuyện nhưng tất nhiên nếu bạn không thể đảm bảo thực hiện các điều kiện cần thiết cho một lệnh ngừng bắn bền vững, thì nó sẽ không thể kéo dài. Và đây là nỗ lực để bắt đầu thực hiện các điều kiện đó, bởi vì tất cả chúng ta đều biết rằng, cần xem xét toàn diện các vấn đề, bao gồm vấn đề an ninh của Israel và cả các vấn đề liên quan tới nhà nước Palestine, để cùng nhau đạt được thỏa thuận lâu dài, hướng tới giải quyết xung đột”.

Tuy nhiên, nội bộ Israel dường như đang “lục đục” về thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin mới được đề xuất. Ông Itamar Ben Gvir, Bộ trưởng An ninh quốc gia Israel và là người đứng đầu đảng Otzma Yehudit, cùng đồng minh của mình là Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich đã ngay lập tức bác bỏ thỏa thuận này đồng thời cảnh báo Thủ tướng Benjamin Netanyahu rằng, chính phủ của ông sẽ sụp đổ nếu chấp nhận thỏa thuận trên. Trong khi đó, thủ lĩnh phe đối lập Yair Lapid chỉ trích phát biểu của hai quan chức trên là “từ bỏ an ninh quốc gia”, các con tin cũng như cư dân miền Bắc và miền Nam của Israel.

Thực tế cho thấy, mặc dù tiến trình thương lượng tìm kiếm lệnh ngừng bắn mới giữa Israel và Hamas, dưới sự trung gian hòa giải của nhiều bên, đã đạt được một số tiến bộ, song việc tiến tới thỏa thuận vẫn đối mặt với nhiều chông gai và thách thức do sự khác biệt quá lớn trong các điều kiện ngừng bắn mà hai bên đưa ra. Và phải chịu khổ sau cùng là người dân. Người dân tại Dải Gaza hiện đang phải đối mặt với những trận pháo kích dữ dội hàng ngày, với nạn đói đang có nguy cơ lan rộng khắp dải đất ven biển này, với một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn. Chưa hết, đạn chưa nổ cũng là một mối nguy hiểm chết người không kém đang rình rập người dân ở khu vực này.

Bà Anne Héry, Giám đốc vận động của tổ chức phi chính phủ Humanity&Inclusion, cho biết: “Ở Gaza, người dân đang phải hứng chịu một trong những chiến dịch ném bom dữ dội nhất trong lịch sử quân sự. Theo ước tính của chúng tôi, trong suốt cuộc chiến kéo dài 5 tháng này, mỗi ngày có khoảng 500 quả đạn pháo được bắn đi”.

Xung đột sẽ kết thúc trên bàn đàm phán

Cũng giống như Israel và Hamas, giữa Nga và Ukraine tới nay vẫn tồn tại những bất đồng khó vượt qua để tiến tới một thỏa thuận hòa bình để đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột. Lợi thế cuối cùng sẽ thuộc về bên nào có khả năng tốt hơn trong việc quản lý kinh tế và ngoại giao có mục tiêu. Về an ninh, yếu tố then chốt sẽ không phải là kiểm soát lãnh thổ như trước đây mà là khả năng các quốc gia tiến hành “các hoạt động ngoài tiền tuyến”, điều này “sẽ kiểm tra khả năng của mỗi bên trong việc chịu đựng một cuộc xung đột như vậy thêm một năm nữa”.

Binh sĩ Ukraine làm nhiệm vụ gần Avdiivka tháng 2/2024.

Binh sĩ Ukraine làm nhiệm vụ gần Avdiivka tháng 2/2024.

Trong khi đó, về mặt chính trị, các cuộc bầu cử sắp tới tại châu Âu và Mỹ có thể sẽ có tác động đáng kể đến cuộc xung đột, trong đó tình hình ở Mỹ khá bất ổn. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sự ủng hộ và đặc biệt là viện trợ tài chính cũng như quân sự cho Ukraine. Trong trường hợp trở lại Nhà Trắng, ông Donald Trump sẽ giảm hoặc cắt viện trợ cho Ukraine nhằm gây sức ép buộc Kiev ngồi vào bàn đàm phán với Moscow cùng với những thỏa hiệp nhất định. Bên cạnh hai yếu tố nêu trên, yếu tố kinh tế có thể là lĩnh vực quyết định nhất.

Theo đó, sự hỗ trợ tài chính cho Ukraine từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) là rất quan trọng đối với Kiev, trong khi Nga cho đến nay vẫn nỗ lực duy trì khả năng phục hồi và linh hoạt về kinh tế trước áp lực trừng phạt của phương Tây “bằng cách tăng cường quan hệ kinh tế và đặc biệt là năng lượng với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia vùng Vịnh”. Ngoài ra, cả hai nước đều tập trung nỗ lực ngoại giao vào việc thiết lập quan hệ với các nước ở Nam toàn cầu. Tuy nhiên, ưu tiên của Kiev vẫn là sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine. Nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn chưa đồng ý bất kỳ khoản tiền mới nào cho vũ khí. Đây có thể mới thực sự là vấn đề.

Nhận thức rõ điều đó, tất cả các bên tham gia chủ chốt đều đồng tình với quan điểm: Cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ kết thúc trên bàn đàm phán. Đây là cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố: “Chúng tôi sẵn sàng đàm phán”, trong khi người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đáp lại: “Mỹ và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói nhiều lần rằng, chúng tôi tin cuộc chiến này sẽ kết thúc thông qua đàm phán”. Hay như lời của Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto, đã xuất hiện “những tín hiệu từ Moscow và Kiev rằng, đã đến lúc ngoại giao mở đường cho hòa bình”.

Tất nhiên, vào thời điểm hiện tại, cả Nga và Ukraine đều tin rằng, việc đạt được thỏa thuận chấp nhận được là điều không thể do mỗi bên lo sợ bên còn lại sẽ không thỏa hiệp hoặc sẽ sử dụng bất kỳ khoảng thời gian tạm dừng nào để nghỉ ngơi và tái trang bị cho vòng giao tranh tiếp theo. Tuy vậy, ngay cả khi không thể đạt được thỏa thuận, vào lúc này, các nhà quan sát cho rằng, tất cả các bên cũng nên thực hiện các biện pháp để mang lại khả năng đàm phán trong tương lai.

Khổng Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/gian-nan-tim-loi-thoat-cho-cac-cuoc-xung-dot-i735033/