Gian nan trong đấu tranh chống gian lận thương mại
Hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Hiện nay, Nhà nước đã có chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm này. Tuy nhiên, tội phạm này vẫn diễn ra phổ biến và ngày càng tinh vi, nhất là vào thời điểm cuối năm, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao.
Những thủ đoạn tinh vi
Từ đầu năm đến nay, lực lượng Công an tỉnh đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý hơn 250 vụ với 277 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong đó, xử lý hành chính 224 vụ với 248 đối tượng, với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng, khởi tố hình sự 22 vụ với 22 bị can. Chủ yếu là các mặt hàng về mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, giày dép, vật liệu xây dựng...
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, năm 2021, trên địa bàn tỉnh không phát hiện vụ việc về buôn lậu, hàng giả có tổ chức, đường dây, ổ nhóm nhưng hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại theo hình thức nhỏ lẻ vẫn diễn ra khá phổ biến.
Đội trưởng Đội 3, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an tỉnh Nguyễn Tuấn Thành cho biết: Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó, nhằm qua mặt cơ quan chức năng hoặc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để “lách luật” như quay vòng hóa đơn; hợp thức hóa đơn, chứng từ hàng hóa qua việc mua hàng hóa từ những doanh nghiệp “ma”; cất giấu hàng hóa nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất sứ lẫn vào hàng hóa hợp pháp…gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi kiểm tra, phát hiện, xử lý.
Trong thời gian gần đây, khi kinh doanh online "nở rộ" thì công tác đấu tranh với loại tội phạm này ngày càng khó khăn, bởi các cơ sở kinh doanh này phần lớn không có giấy phép kinh doanh, gây thất thoát thuế cho nhà nước, việc mua bán diễn ra trên không gian mạng, hàng hóa được các đối tượng cất giấu tại nhiều nơi, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa.
"Siêu lợi nhuận" nên bất chấp pháp luật
Điều đáng nói là hoạt động sai phạm này mang lại “siêu lợi nhuận” nên các đối tượng đã bất chấp sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nhất là những mặt hàng về lương thực, thực phẩm, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng...
Thời điểm cuối năm, tận dụng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại càng trở nên sôi động.
Trước thực trạng hàng giả, hàng nhá, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại diễn biến phức tạp, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức, tùy mức độ vi phạm.
Trong Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh hàng giả có thể bị phạt tù từ 1-15 năm tù, hoặc có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ có thời hạn.
Tuy nhiên, công tác điều tra, xác minh hàng giả mất nhiều thời gian, kinh phí lớn. Đối với những hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ nước ngoài, việc phối hợp của doanh nghiệp nước bạn để cung cấp mẫu sản phẩm chính hãng hoặc thương hiệu sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn.
Theo đại diện Cục QLTT tỉnh, để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bên cạnh sự quyết liệt của lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, ngăn chặn, kiểm tra, xử lý với loại tội phạm này, thì các doanh nghiệp cần bảo vệ sản phẩm của đơn vị mình.
Mỗi người cần trở thành người tiêu dùng thông thái trong việc lựa chọn sản phẩm có chất lượng, thương hiệu, kiên quyết nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và tích cực tố giác hành vi vi phạm này với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.