Gian nan việc giữ bối cảnh phim làm du lịch

Việc phim trường 'Kong: Skull Island' tại vùng lõi quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) được phục dựng vào năm 2017 rồi lại đóng cửa và bị tháo dỡ vào năm 2019 cho thấy việc giữ bối cảnh phim để làm du lịch cũng lắm gian nan.

Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts của phim “Kong: Skull Island” thăm Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) và phim trường “Kong: Skull Island” được phục dựng vào năm 2017

Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts của phim “Kong: Skull Island” thăm Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) và phim trường “Kong: Skull Island” được phục dựng vào năm 2017

Pháo đài Ricasoli của quần đảo Malta ở Địa Trung Hải là phim trường chính của phim “Troy” (2004). Sau thành công vang dội của bộ phim đậm tính sử thi này, du khách từ mọi nơi trên thế giới kéo đến Malta tham quan.

Điều đáng tiếc cho Malta là đoàn làm phim của Hollywood đã tặng con ngựa gỗ trong phim “Troy” cho tỉnh Canakkale (Thỗ Nhĩ Kỳ), nơi có di chỉ thành Troy. Điều này khiến cho du khách đến với pháo đài Ricasoli ở Malta thường bị hụt hẫng khi không chiêm chưỡng được sự hiện diện của con ngựa Troy như trong phim.

Ở nước ta, vào năm 2016, trước khi đoàn làm phim Hollywood của đạo diễn Jordan Vogt-Robert rời đi, tỉnh Ninh Bình mong muốn giữ lại phim trường “Kong: Skull Island”. Tuy nhiên, vì lý do bảo mật nội dung phim, phim trường đã được tháo dỡ.

Poster phim “Mắt biếc” cũng là cảnh có cây vông đồng

Poster phim “Mắt biếc” cũng là cảnh có cây vông đồng

Vào năm 2017, “Kong: Skull Island” chính thức công chiếu và đạt doanh thu 562 triệu USD trên toàn thế giới. Nhờ bản vẽ của đoàn làm phim để lại, tỉnh Ninh Bình đã phục dựng lại bối cảnh làng thổ dân đúng với hình ảnh trên phim vào năm 2017. Đặc biệt, vào dịp lễ hội Tràng An, 50 diễn viên đóng vai thổ dân trong phim cũng được mời đến để tái hiện hình ảnh trong phim. Kết quả, trong 2 năm qua, phim trường đã đón được hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan.

Tuy nhiên, Tràng An là nơi có dấu tích cư trú lâu nhất của người Việt cổ, nên theo khuyến nghị UNESCO, nếu để phim trường “Kong: Skull Island” tồn tại lâu dài, những hoạt cảnh hư cấu có thể khiến du khách hiểu sai lệch về những giá trị cốt lõi của di sản nơi đây. Bởi vậy, dù là điểm hút khách trong thời gian qua, vào tháng 9/2019, phim trường này đã phải đóng cửa và tháo dỡ. Dự kiến, nơi đây sẽ xây dựng một làng Việt cổ để thay thế.

Gần đây, bộ phim “Mắt biếc” của đạo diễn Victor Vũ có rất nhiều cảnh quay tại Huế. Trong 7 tuần quay các cảnh phim, thì quay tại Huế chiếm 5 tuần, quay tại Quảng Nam 2 tuần.

Một cảnh quay ở Huế trong phim “Gái già lắm chiêu 3”

Một cảnh quay ở Huế trong phim “Gái già lắm chiêu 3”

Chính thức công chiếu từ ngày 20/12/2019, phim “Mắt biếc” hiện đã gia nhập câu lạc bộ doanh thu trăm tỷ đồng của phim Việt với 172 tỷ đồng và đang được kỳ vọng trở thành phim Việt đầu tiên đạt doanh thu phòng vé 200 tỷ đồng ở thị trường nội địa.

Những địa điểm của phim “Mắt biếc” ở Huế trong thời gian qua đã được nhiều du khách tìm đến để tham quan, chụp ảnh lưu niệm, đặc biệt là cảnh kinh điển của phim. Đó là cảnh dưới cây vông đồng ở thôn Hà Cảng, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Ngạn đã đánh đàn cho Hà Lan nghe.

Ngày 26/12/2019, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng một số doanh nghiệp lữ hành đã có buổi khảo sát nơi đây và nhiều địa điểm quay khác của phim “Mắt biếc” ở Huế.

Cảnh có cây vông đồng là cảnh kinh điển của phim “Mắt biếc”

Cảnh có cây vông đồng là cảnh kinh điển của phim “Mắt biếc”

Những ngày cuối năm 2019, lực lượng đoàn viên thanh niên địa phương đã ra quân Ngày Chủ nhật Xanh dọn dẹp vệ sinh quanh cây vông đồng, khiến cho nhiều khán giả của phim “Mắt biếc” cảm thấy tiếc nuối, vì cho rằng cảnh quan đẹp như tranh vẽ trong phim đã bị phá vỡ. Nhiều khán giả đã bày tỏ quan điểm của mình trên trang Facebook cá nhân.

Đạo diễn Nguyễn Quang Vinh cho rằng: “Nhờ con đường mòn ấy, con đường ẩn trong cỏ, nhờ cái cây cô đơn đứng trong cỏ dại thì mới yêu, mới thương, mới lãng mạn vị trí cây này, mới được chọn để làm bối cảnh làm phim”.

Nhà văn Hoài Hương cho rằng, việc làm này sẽ “để cây trơ trụi, đã cô đơn nay cô đơn tận cùng, vì không có cỏ hoa bầu bạn, không còn chút nên thơ lãng mạn, chẳng còn làm ai hứng thú hay cảm xúc...”.

Tuy nhiên, việc nhặt rác thải nhựa, thu gom cỏ đã chết khô, phát quang bụi rậm… xung quanh khu vực cây vông đồng của lực lượng đoàn viên thanh niên là việc làm cần thiết, được nhân dân địa phương ủng hộ, vì nó nhằm giữ sạch sẽ cảnh quan môi trường.

Mặc dù vậy, với sức nóng của bộ phim, những khán giản hâm mộ phim “Mắt biếc” vẫn đến với cây vông đồng để chụp ảnh lưu niệm và chờ đợi hàng cỏ xung quanh sẽ mau mọc xanh tốt trở lại như cảnh trong phim. Nhiều “tín đồ” của bộ phim cũng mong muốn địa phương nên dựng lại cái lán tranh trên bể xi măng ở gốc cây vông đồng như đúng với nguyên bản trên phim.

Giữ gìn bối cảnh của những bối cảnh bộ phim đặc sắc, hút khách như “Mắt biếc” để làm du lịch là điều cần thiết. Sẽ dễ dàng nhận ra điều này.

Nhờ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ, Phú Yên được biết đến nhiều hơn. Trước khi có phim này, tốc độ tăng trưởng ngành du lịch Phú Yên chỉ 12 - 13%/năm, nhưng từ sau khi bộ phim được công chiếu, du lịch địa phương này đạt con số tăng trưởng trên 20%, có năm tăng đột biến 30%.

Điều này càng thuận lợi cho Huế, vì ngoài “Mắt biếc”, Huế từng là bối cảnh của phim “Đông Dương” (đoạt giải Oscar), “Cô gái trên sông” (đoạt giải Bông Sen Bạc 1987), “Ngọn nến hoàng cung” (đoạt giải Cánh Diều Vàng 2004), “Trăng nơi đáy giếng” (đoạt giải Cánh Diều Bạc 2008)…

Gần đây, 20 tập phim “Nàng thơ xứ Huế” với cảnh chùa chiền, đền đài, Làng cổ Phước Tích, Nhà vườn An Hiên… ở Huế đã được chiếu trên các chuyến bay nội địa, quốc tế của Vietnam Airlines và kênh KBS World Hàn Quốc (phủ sóng hơn 63 quốc gia, vùng lãnh thổ).

Cũng phải kể đến phim “Trạng Quỳnh” của đạo diễn Đức Thịnh ra mắt khán giả dịp Tết Kỷ Hợi 2019 với gần một nửa bối cảnh trong phim được quay ở Huế. Bộ phim này lôi cuốn đông đảo khán giả cả nước với doanh thu 100 tỷ đồng.

Một bộ phim có cảnh quay ở Huế được mong chờ sau phim “Mắt biếc” hiện nay là phim “Gái già lắm chiêu 3” của hai đạo diễn Trần Nguyễn Bảo Nhân và Namcito. Bộ phim này đã ra mắt khán giả vào ngày mồng 1 Tết Canh Tý. Diễn viên tham gia phim là những gương mặt lôi cuốn khán giả hiện nay như NSND Lê Khanh, NSND Hồng Vân, Ninh Dương Lan Ngọc, Lê Xuân Tiền, Thùy Anh, Jun Vũ, Bình An… Trong đó, diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc từng là nữ diễn viên chính của bộ phim “Cua lại vợ bầu” ra mắt vào dịp Tết Kỷ Hợi 2019 với doanh thu khủng là 190 tỷ đồng (đạt doanh thu cao nhất mọi thời đại phim Việt tại thị trường nội địa). Bộ phim “Gái già lắm chiêu 3” sau 3 ngày Tết dẫn đầu phòng vé với hơn 35 tỷ đồng.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã được Cục Điện ảnh - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là địa phương đăng cai tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 năm 2021. Đây là cơ hội để các đoàn làm phim được khám phá, khảo sát, trải nghiệm thực tế các giá trị di sản, văn hóa, nghệ thuật, thiên nhiên và con người xứ Huế. Qua đó, các đoàn làm phim sẽ xây dựng những ý tưởng sáng tạo nghệ thuật mới để hình thành những bộ phim hay trong tương lai.

Theo công bố của Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, năm 2019, tổng lượt khách đến tỉnh ước đạt 4,81 triệu lượt, tăng 11,1% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt gần 2,19 triệu lượt, tăng 12,06%. Khách lưu trú gần 2,25 triệu lượt, tăng 7,3%. Doanh thu từ du lịch ước đạt 4.945 tỷ đồng, tăng 10,54%.

Rõ ràng, nếu việc quảng bá hình ảnh Huế qua phim được thực hiện tốt, đây sẽ là một lý do để ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế tăng trưởng nhiều hơn nữa.

Nguyễn Văn Toàn/Báo Đầu tư Bất động sản

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/du-lich/gian-nan-viec-giu-boi-canh-phim-lam-du-lich-314787.html