Giãn nợ để giúp doanh nghiệp vượt qua dịch COVID-19

Việc cơ cấu lại các khoản nợ, giảm, miễn lãi, phí cần phải đúng đối tượng, tránh để bị lợi dụng, áp dụng sai chính sách cho doanh nghiệp.

Chiều 12-3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam họp báo thông tin về Thông tư 01 mà ngân hàng này vừa ban hành. Thông tư quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Các tổ chức tín dụng chủ động

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Tinh thần chung của Thông tư 01 là tạo điều kiện thuận lợi nhất để các ngân hàng thương mại được chủ động tái cơ cấu các khoản nợ đến hạn đối với DN.

Ông Tú cho hay các tổ chức tín dụng không chỉ cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà chia sẻ lợi nhuận của mình với các khó khăn của DN. “Quan điểm của Thông tư 01 là tạo điều kiện thuận lợi nhất để các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng được chủ động tái cơ cấu các khoản nợ đến hạn đối với DN, người dân” - ông Tú nói.

Theo ông Tú, trước đây cơ chế cấp bù lãi suất có các điều kiện, quy định phức tạp hơn. Tuy nhiên, hiện nay quyết định của các tổ chức tín dụng được đề cao hơn, các tổ chức tín dụng được quyết định việc cho vay, cơ cấu lại các khoản nợ. Với Thông tư 01 thì các điều kiện gò bó như trước đây không còn.

“Thông tư đặt ra yêu cầu việc cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay phải đúng đối tượng, tránh các vấn đề liên quan đến lợi dụng, áp dụng sai chính sách” - ông Tú nói.

Ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh Thanh tra NHNN, cho hay: Việc áp dụng Thông tư 01 cần phải đánh giá được khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn do tác động của COVID-19. Về biến động lãi vay và phí thì cần phải chờ thêm thời gian đánh giá. Theo tình hình diễn biến dịch COVID-19 thì cần phải sau ba tháng, kể từ ngày 23-1, thời gian mà dịch COVID-19 bắt đầu.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, cho hay từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của COVID-19, DN bị tác động mạnh. Vì vậy, nhiều khoản nợ của DN không được trả đúng hạn. Sơ bộ thiệt hại liên quan đến dư nợ khoảng 926.000 tỉ đồng, trong đó trả nợ không đúng hạn chiếm khoảng 11%.

“NHNN nhận được nhiều đơn từ các hiệp hội da giày, vận tải cùng nhiều đơn vị, hiệp hội khác đề nghị tháo gỡ khó khăn” - ông Hùng nói.

Vì thế, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng giữ nguyên nhóm và cơ cấu nợ trước khi ban hành thông tư này. NHNN chủ động để các tổ chức tín dụng DN, chuyển nhóm nợ, miễn giảm lãi, trong đó đang xem xét miễn, giảm lãi cho vay.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú tại buổi họp báo. Ảnh: CHÂN LUẬN

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú tại buổi họp báo. Ảnh: CHÂN LUẬN

Chưa điều chỉnh mục tiêu tín dụng

Vẫn theo ông Hùng, thời gian tới NHNN tiếp tục theo dõi diễn biến tác động của dịch COVID-19 để triển khai các giải pháp phù hợp thực tế, chỉ tiêu định hướng nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh.

Các ngân hàng cũng đã cam kết giảm lãi suất cho vay 0,5%-1%. Tuy vậy, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, NHNN đang tích cực triển khai các nhiệm vụ như Thủ tướng giao trong Chỉ thị 11 mới đây.

Ông Tú nói thêm: Các ngân hàng triển khai các chương trình khắc phục ảnh hưởng của COVID-19 rất chủ động. Ông Tú cho biết tuần trước ông dự họp với 47 tổ chức tín dụng, trong đó NHNN đã biểu dương hai tổ chức tín dụng công bố các gói sản phẩm tài chính thiết thực, góp phần khắc phục ảnh hưởng do COVID-19 gây ra.

Mục tiêu tín dụng, theo ông Tú, hiện nay NHNN chưa đặt ra việc điều chỉnh mà đang tập trung khắc phục các ảnh hưởng của dịch COVID-19. “Chúng ta chưa biết đỉnh dịch vào lúc nào nên chưa thể điều chỉnh mục tiêu. Phải sau khi dịch kết thúc, lúc đó các giải pháp phục hồi sau dịch mới được đề ra và mục tiêu tín dụng mới điều chỉnh” - ông Tú khẳng định.

Giải thích thêm về việc cơ cấu các khoản nợ, ông Tú nói NHNN tạo sự chủ động cho các tổ chức tín dụng để họ có điều kiện thuận lợi nhất quyết định các khoản hỗ trợ, không bị gò bó bởi các quy định phức tạp. Mặt khác, bản thân các tổ chức tín dụng có quy định nội bộ giám sát chặt chẽ và sẽ cơ cấu lại các khoản nợ cho đúng đối tượng. Ngoài ra, Thanh tra NHNN và các chi nhánh NHNN cũng tham gia giám sát. Theo ông Tú, trong thời gian tới, NHNN nghiên cứu có thể sẽ giảm tiếp lãi suất điều hành của NHNN với các tổ chức tín dụng. “Đây sẽ là cơ chế, chính sách giúp các tổ chức tín dụng có thanh khoản dồi dào hơn, có nguồn vốn rẻ hơn để hỗ trợ khách hàng. Thời điểm nào thì Thống đốc NHNN Việt Nam sẽ quyết định nhưng có thể trong thời gian sớm nhất” - phó thống đốc NHNN nói.

Giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp, người dân

Thông tư 01 đảm bảo cơ sở pháp lý hướng dẫn các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho DN, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Điều 7 của thông tư quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức tín dụng phải ban hành quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của thông tư này để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống. Thông tư này đảm bảo giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ để trục lợi, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng.

ÔngĐÀO MINH TÚ, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/gian-no-de-giup-doanh-nghiep-vuot-qua-dich-covid19-896227.html