Gian truân và tình người trong hành trình về quê
Cả tuần nay, dòng người tấp nập hồi hương ở hầu khắp các tỉnh miền tây. Họ như bầy chim vừa trải qua mùa đông khắc nghiệt, bay đi tìm ánh nắng…
Đến hết ngày 7/10, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã đón hàng trăm nghìn dân về từ các tỉnh có công nghiệp phát triển vừa nới lỏng giãn cách xã hội. Ở nơi tận cùng cực nam Tổ quốc, con số cán mốc hơn 21.500 người. Dòng người nối dài như vô tận tại các chốt cửa ngõ liên tỉnh vào địa phận Cà Mau, bất kể gió, mưa… với lỉnh khỉnh đồ dùng trên xe máy, chở theo vợ, con hoặc người thân.
“Chim” về tổ ấm
"Hồi hương trong tình cảnh dịch thế này, bản thân chúng tôi không muốn nhưng không biết làm gì khác hơn", chị Hồ Huỳnh Như, cùng chồng và con trở về Cà Mau bằng xe máy, bỏ lửng câu nói khi thấy chồng mình ngất xỉu ngay con lươn trên đường Trần Hưng Đạo nối dài (phường 5, TP Cà Mau).
Sau khi được lực lượng dẫn đường hỗ trợ sơ cứu, chồng chị Như cũng tỉnh lại, được đưa vào khu vực cách ly tạm thời tại Trung tâm thương mại Cửu Long Plaza, cách đó chưa đầy 100 m. Vợ chồng Như quê ở miền biển huyện Phú Tân của tỉnh Cà Mau. Gia đình không đất canh tác, ở quê không việc làm ổn định nên tìm lên Bình Dương làm công nhân. Dịch bệnh bùng phát, nhà máy đóng cửa, vợ chồng chị thất nghiệp.
Sau hơn 2 tháng “bế quan” tại nhà trọ nơi đất khách, tiền ăn cạn dần nên vợ chồng Như theo đoàn người xa xứ hồi hương. Chị Như nói: “Đường về hơn 300 km nhưng vất vả lắm, qua rất nhiều chốt và bị ùn ứ liên tục nên ngồi xe rất mệt mỏi. Có lẽ vậy mà khi vừa về đến Cà Mau, chồng tôi không còn chút sức lực nào”.
Dòng người về Cà Mau rất nhiều tình cảnh tương tự vợ chồng Như. Số đông là công nhân lao động ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, cả Bình Phước và Long An. Sau hàng tháng trời “gồng mình” chịu đựng vì dịch, họ kiệt quệ về nhiều thứ nên chọn giải pháp thối lui để về với “chùm khế ngọt”, mong được đùm bọc, chở che qua lúc túng quẫn, ngặt ngèo.
Đây được xem như một cuộc di dân bất đắc dĩ nhưng có thể cảm thông. Bởi những ngày chứng kiến dòng người tìm về “nơi chôn nhau, cắt rốn”, không ít trường hợp khi về đến Cà Mau, tiền trong túi không còn mua đủ ổ bánh mì…!
Vòng tay nhân ái
Các vùng quê còn khó khăn như Cà Mau, nhu cầu việc làm tại chỗ không đáp ứng kịp nên phần lớn lao động nông thôn chấp nhận tha hương tìm kế sinh nhai, tổng số không dưới 100.000 người. Những ngày Tết, bà con lại tìm về tổ ấm để sum họp gia đình, người thân, sau đó lại lao đầu vào công việc nơi đất khách. Nay, họ lại về nhưng trong tình cảnh éo le hơn, mong được cưu mang, che chở…
Để có đủ chỗ cho bà con, những ngày qua, chính quyền Cà Mau phải trưng dụng thêm khoảng 300 cơ sở trường học các cấp để làm nơi cách ly, nâng tổng công suất tiếp nhận cách ly tập trung của tỉnh từ 2.100 lên khoảng 20.000 người. Nhờ đó mà đến hết ngày 7/10, Cà Mau đã bố trí an toàn hơn 14.100 người trong tổng số người về Cà Mau. Số còn lại được áp dụng cách ly 28 ngày tại nhà.
Tham gia hỗ trợ giám sát và trung gian tiếp tế, hỗ trợ lương thực cho hộ cách ly tại nhà còn có 5.861 tổ Covid-19 cộng đồng với hơn 17.870 thành viên. Tính trung bình mỗi đơn vị cấp xã ở Cà Mau có khoảng 58 tổ với 177 người.
Giám đốc Sở Y tế Cà Mau Nguyễn Văn Dũng cho biết, các bệnh viện trong tỉnh được lệnh gom nhiều khoa, phòng lại để có thêm giường trống điều trị bệnh nhân Covid-19. Nhờ cách làm linh hoạt nêu trên mà từ 790 giường điều trị ban đầu, đến nay Cà Mau nâng số giường điều trị lên hơn 1.300 và phấn đấu nâng lên gần 1.700 giường trong vài ngày tới.
Bảo đảm an toàn cho dòng người về quê, Cà Mau thống nhất hỗ trợ tiền ăn cho người về tỉnh đang cách ly y tế tập trung (14 ngày), với mức chi 40.000đ/người/ngày.
Qua kêu gọi của lãnh đạo tỉnh và các cấp chính quyền, những ngày qua, đoàn thể, các hội, nhóm từ thiện, nhà hảo tâm liên tục hỗ trợ được hơn 234.300 suất ăn, hơn 100 tấn gạo cùng nhiều vật dụng, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân về tự phát, không để bất cứ ai “màn trời chiếu đất”.
Tại các khu cách ly tập trung ở vùng thôn quê, ngoài nguồn tiếp tế, hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân trong vùng có cái gì ngon cũng mang đến cho lực lượng làm nhiệm vụ để phát hỗ trợ cho dòng người hồi hương mà chẳng đắn đo người nhận là ai.
Qua đi khảo sát các huyện, tôi thấy bà con quê mình dễ thương lắm, có gì ngon cũng mang đến các khu cách ly để tiếp tế. Nhiều gia đình còn tự dồn, gom lại ở chung 1 nhà để nhường căn nhà trống (có chuẩn bị sẵn đồ ăn, vật dụng thiết yếu) cho người quen cách ly tại nhà - Thượng tá Hồ Việt Triều, Phó giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, chia sẻ và cho biết, nhờ sự chăm lo chu đáo ấy mà đến giờ, bà con yên tâm với chính sách phòng, chống dịch của tỉnh, chưa xảy ra vụ việc chống đối nào, lực lượng làm nhiệm vụ dù có cực nhưng cũng quên đi cả mệt nhọc.
Bảo đảm đón dân về an toàn
Tại cuộc họp trực tuyến kết thúc gần 12 giờ đêm 7/10, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Cà Mau cho biết, từ đêm 1 đến chiều 7/10, Cà Mau có hơn 21.500 người về từ nhiều tỉnh, và có đến 58,5 % số người có kháng thể Covid-19.
Đó là các trường hợp đã được tiêm từ 1-2 mũi vaccine và người cả những người từng mắc Covid-19 đã được chữa khỏi. Tuy nhiên, qua xét nghiệm nhanh, xét nghiệm PCR, có đến 178 trường hợp trong số đó dương tính với SARS-CoV-2. Trong số đó, có 40 trường hợp F0 đã tiêm từ 1-2 mũi vaccine và 13 trường hợp đã mắc bệnh và điều trị khỏi bệnh từ trước tại các tỉnh, thành phố khác nhưng xét nghiệm PCR lại thì tái dương tính.
Thực tế trên cũng là mối lo lớn từng xảy ra ở Cà Mau, bởi trước thời điểm dân về ồ ạt, tỉnh có 367 ca F0. Trong số đó, có 51 ca F0 sau khi hoàn thành cách ly tập trung 14 ngày, được cho về cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà thì có 12 trường hợp tái dương tính với SARS-CoV-2, với số ngày ủ bệnh đến khi có triệu chứng mức thấp nhất là 18 ngày, cao nhất là 28 ngày, tính bình quân là 23,5 ngày.
"Vaccine tạo ra kháng thể giúp chúng ta giảm biến chứng nặng một khi mắc bệnh. Tuy nhiên, không phải ai tiêm ngừa rồi cũng sản sinh đủ kháng thể để không nhiễm và không lây bệnh cho người khác", Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau nói rõ và chỉ đạo các cấp chính quyền và cơ quan chức năng trong tỉnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, trước mắt vẫn duy trì cách ly tại nhà trong 28 ngày với những trường hợp đủ điều kiện. Song hành đó, cần thực hiện tốt việc giãn dân, tách số dân mới về Cà Mau càng thưa, càng nhanh càng tốt.
“Tuyệt đối không để bà con trong khu cách ly tiếp xúc với người bên ngoài và ngược lại. Mọi hoạt động hỗ trợ, tiếp tế đều phải qua trung gian thứ ba để khử khuẩn, diệt trùng nhằm bảo đảm an toàn cho cả người dân bên trong và bên ngoài khu cách ly”, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau lưu ý trong công tác phòng, chống dịch sắp tới tại địa phương.