Giàng Mí Hờ nỗ lực thoát nghèo từ làm khèn Mông

BHG - Sau thời gian dài làm thuê ở nhiều nơi mà kinh tế gia đình vẫn khó khăn, anh Giàng Mí Hờ, sinh năm 1992, người dân tộc Mông, đoàn viên thôn Mèo Vống, xã Lũng Chinh (Mèo Vạc) quyết định trở về quê khởi nghiệp từ nghề chế tác khèn Mông. Với hiệu quả kinh tế đạt được, anh Hờ trở thành tấm gương đoàn viên tiêu biểu về sự nỗ lực vươn lên.

Đến nhà anh Hờ vào thời điểm anh đang kiểm tra lại một vài chiếc khèn mới làm xong trước khi gửi cho khách đặt. Dù rất bận, nhưng khi chúng tôi đến, anh Hờ vẫn dành thời gian để chia sẻ về việc lựa chọn khởi nghiệp từ làm khèn Mông. Anh tâm sự: Thời gian trước khi học làm khèn, mình đã đi phụ hồ, đi xuất khẩu lao động ở Trung Quốc và thấy công việc vất vả quá, đi xa nhà cả năm trời mà chẳng kiếm được bao nhiêu tiền. Năm 2017, mình học làm khèn Mông từ một người thân bên Đồng Văn và quyết định sẽ làm khèn bán bởi tại Mèo Vạc thời điểm đó chưa có nhiều người đi theo hướng này, người trẻ như mình thì lại không mặn mà với việc làm khèn vì quá trình thực hiện đòi hỏi sự kiên trì, tập trung nên cơ hội để mình thành công sẽ cao.

Anh Giàng Mí Hờ (trái) giới thiệu về các bước cơ bản kiểm tra chất lượng khèn.

Anh Giàng Mí Hờ (trái) giới thiệu về các bước cơ bản kiểm tra chất lượng khèn.

Nghĩ là làm ngay, sau khi học và đủ tự tin làm ra một chiếc khèn, năm 2018 anh bắt đầu giới thiệu sản phẩm lên mạng xã hội. Giai đoạn đầu anh gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có khách hàng, khèn anh làm ra chưa thể đạt được chất lượng cao. Dù vậy, anh không cho phép bản thân được nản lòng hay có ý định bỏ cuộc. Anh luôn kiên trì, cố gắng nâng cao tay nghề mỗi ngày. Năm 2019, khách hàng biết đến anh nhiều hơn, nhờ vậy anh bắt đầu bán được hàng, từ năm 2021 trở lại đây, khách hàng của anh Hờ luôn ổn định. Để hoàn thành một chiếc khèn với các công đoạn thủ công sẽ mất thời gian từ 2 đến 3 ngày với giá bán ra thị trường là 5 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí nguyên liệu anh còn 3,5 triệu đồng. Một tháng anh Hờ bán được từ 6 cái khèn trở lên, thu nhập một năm của anh đạt trên 150 triệu đồng.

Việc khởi nghiệp từ làm khèn Mông giúp thu nhập của gia đình anh Hờ được cải thiện, anh có tiền xây nhà kiên cố, đời sống đầy đủ hơn. Anh Hờ rất vui vì điều này, anh chia sẻ: Tôi nhận thấy hướng đi của mình rất đúng, bởi làm khèn không chỉ giúp tôi kiếm tiền chân chính từ chính đôi bàn tay, làm khèn cũng là một cách để tôi gìn giữ được nghề của dân tộc mình. Thời gian tới, tôi sẽ đẩy mạnh việc giới thiệu sản phẩm lên các trang mạng xã hội để thu hút thêm nhiều khách hàng. Tôi mong rằng, cách phát triển kinh tế này sẽ giúp cho cuộc sống của gia đình tôi sung túc hơn trong tương lai.

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, anh Hờ thường xuyên tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên tham gia học làm khèn Mông. Với sự nhiệt tình, hăng hái “biết đến đâu, chỉ đến đấy” của anh Hờ thì hiện nay tại xã Lũng Chinh đã có thêm một số đoàn viên khác bắt đầu tập trung theo hướng làm khèn bán ra thị trường.

Anh Sùng Mí Sính, Bí thư Chi đoàn xã Lũng Chinh cho biết: Đoàn viên Giàng Mí Hờ là một tấm gương điển hình về thanh niên lập nghiệp từ nghề truyền thống của xã; anh là tấm gương để các đoàn viên, thanh niên học tập, noi theo trong việc “dám nghĩ, dám làm” và ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Cách phát triển kinh tế của anh Hờ nhận được sự đánh giá rất cao của chính quyền địa phương, với nguồn thu nhập từ bán khèn Mông mà anh Hờ đạt được như hiện nay đủ cơ sở để giúp gia đình anh ngày càng no ấm.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202401/giang-mi-ho-no-luc-thoat-ngheo-tu-lam-khen-mong-15203a9/