Chiếc gùi trong đời sống đồng bào vùng cao

Chiếc gùi (lù cở) là một trong những vật dụng phổ biến không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt, lao động sản xuất của đồng bào dân tộc vùng cao. Nếu có dịp lên các bản làng vùng cao, hình ảnh rất đỗi thân quen dễ dàng bắt gặp là những người phụ nữ Mông, Dao khoác gùi xuống chợ hoặc lên nương, giúp đồng bào đựng những vật dụng, đồ dùng cần thiết.

Với đồng bào vùng cao, chiếc gùi giúp vận chuyển mọi thứ được dễ dàng qua từng con dốc, hẻm núi, trở thành đồ dùng hữu ích gắn liền với lao động, sản xuất thường ngày. Chị Đặng Mùi Lai, dân tộc Mông, xóm Khuổi Mỵ, xã Ca Thành (Nguyên Bình) chia sẻ: Từ nhỏ tôi đã sử dụng chiếc gùi đựng một số vật dụng cùng mẹ lên nương trồng ngô, xuống chợ mua bán các sản vật. Khi lớn được gia đình đan cho một chiếc gùi riêng vừa với cơ thể. Từ đó, chiếc gùi trở thành “người bạn” thân thiết, vật tùy thân với phụ nữ. Mỗi khi xuống chợ phiên, sau lưng những người phụ nữ Mông không thể thiếu chiếc gùi thân thuộc, từ mớ rau, cân thịt, mắm, muối… đến con dao, cái kéo đều được để trong gùi đeo về nhà.

Gùi là vật dụng không thể thiếu mỗi lần xuống chợ của người dân vùng cao.

Gùi là vật dụng không thể thiếu mỗi lần xuống chợ của người dân vùng cao.

Chị Lầu Thị Hoa, xóm Lũng Ngần, xã Hồng Sỹ (Hà Quảng) cho biết: Người Mông chủ yếu sinh sống trên những vùng núi cao, dưới các thung lũng, sườn đồi, đi lại khó khăn, hiểm trở. Chiếc gùi giúp chúng tôi đựng dao, cuốc, phân bón phục vụ lao động sản xuất; thuận lợi khi thu hoạch rau, củ, quả, gùi giúp vận chuyển sản vật địa phương xuống chợ thuận tiện hơn, do vậy chiếc gùi là công cụ vận chuyển hiệu quả. Khi đeo gùi trên đôi vai, trọng tâm hàng hóa thấp xuống, người gùi phải hơi nhoài người về phía trước để giữ thăng bằng nên việc lên dốc hay xuống dốc rất an toàn.

Đồng bào dân tộc Mông thường chế tác thân gùi có hình trụ, phía trên loe rộng để thuận tiện cho việc đựng đồ. Họ thường đan gùi vào mùa mưa (từ tháng 6 - 9 hằng năm), rồi để gác bếp đến mùa vụ năm sau mới đưa ra sử dụng. Lý do là bởi vào mùa mưa không khí có độ ẩm cao, khi chẻ những nan tre, trúc không nhanh khô, có độ dẻo tốt, uốn, gập dễ dàng không bị nứt gãy. Đây cũng là thời gian người đàn ông rảnh rỗi hơn sau những ngày lao động vất vả trên nương. Đồng thời, chiếc gùi như sự chuẩn bị cho một mùa thu hoạch với hy vọng về một mùa vụ bội thu, ấm no, hạnh phúc. Vào dịp tết, chiếc gùi được gia chủ dán giấy đỏ làm lễ nghỉ ngơi, chuẩn bị cho một mùa vụ mới.

Chiếc gùi gắn bó với đời sống bà con.

Chiếc gùi gắn bó với đời sống bà con.

Ông Sài Văn Khe, 62 tuổi, xóm Lũng Luông, xã Trương Lương (Hòa An) bày bán những chiếc gùi tự đan tại chợ phiên huyện Nguyên Bình cho biết: Năm 10 tuổi, tôi được bố truyền lại nghề đan gùi, mặc dù chiếc gùi gắn liền với cuộc sống hằng ngày của người phụ nữ nhưng đây lại là sản phẩm đan đặc trưng của người đàn ông. Việc đan gùi cũng giống như việc đàn ông người Mông phải biết thổi khèn, người biết làm gùi thường có bàn tay khéo léo, cẩn thận, tỉ mỉ. Đến nay, tôi đan cả trăm chiếc gùi, bởi sau vài năm chiếc gùi lại hỏng cần đan cái mới, không chỉ đan gùi phục vụ gia đình, tôi còn mang ra chợ bán. Chiếc gùi được đồng bào sử dụng hằng ngày, tất cả mọi người trong gia đình đều có một chiếc gùi riêng, lớn bé tùy theo độ tuổi của mình và cũng có nhiều loại gùi dành riêng cho các công việc khác nhau như: gùi thưa dùng để mang củi từ rẫy về nhà; gùi cỡ lớn, đan dày dùng đựng thóc, ngô...; có loại đẹp hơn thì dùng đi chợ...

Nguyên liệu để đan gùi gồm: trúc, nứa, tre.., các loại cây thường được chọn là cây thẳng, không quá non và quá già, thời điểm chặt phải tránh ngày trăng sáng vì theo quan niệm chặt lúc có trăng tre nhanh mọt. Để có được chiếc gùi đẹp, quá trình vót trúc, tre phải cẩn thận, trau chuốt từng thanh nan. Sau khi vót xong đem ngâm, phơi ngoài trời nắng để chống sâu mọt... Đan gùi quan trọng là phần đáy, đây cũng chính là phần khó đan nhất, người đan phải vững tay nghề để có thể gò cong phần đáy. Để chiếc gùi bền lâu, đẹp mắt, dùng thêm nan mây hoặc nan tre non đan ở dưới đáy và trên miệng, sau khi đan xong, gùi được để nhiều năm trên gác bếp thì độ bền cao. Phần dây đeo được làm từ cây móc trong rừng, dây được đan, tết lại để khi đeo dù có nặng đến mấy cũng không thấy đau vai, tuy nhiên ngày nay cây móc hiếm, người ta có thể dùng dây gai mua ở chợ bện lại làm dây gùi. Thời gian hoàn thiện một chiếc gùi tùy vào mức độ khéo tay, sự nhanh nhẹn của từng người, thông thường khoảng 2 - 3 ngày để hoàn thành. Mỗi chiếc gùi có giá từ 250 - 300 nghìn đồng, gùi nhỏ hơn từ 130 - 150 nghìn đồng/chiếc. Ngày nay, điều kiện sống của người dân đã khá hơn, nhiều gia đình mua sắm được xe máy, những chiếc gùi tự đan bằng tay dần được thay bằng những chiếc gùi nhựa. Tuy nhiên, gùi được làm bằng tre, trúc có độ bền tốt, đựng được nhiều vật nặng mà không bị đứt, gãy.

Gùi được bán tại chợ phiên Nguyên Binh.

Gùi được bán tại chợ phiên Nguyên Binh.

Cuộc sống có nhiều đổi thay, song chiếc gùi vẫn là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày, nó không chỉ là vật dụng thiết yếu trong lao động, sản xuất mà còn là nét văn hóa riêng vốn có tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Du khách miền xuôi hay du khách nước ngoài khi đến tham quan, trải nghiệm tại các homestay ở vùng cao rất thích thú khi nhìn ngắm chiếc gùi và sẵn sàng mua về làm kỷ niệm hay làm quà. Ngày nay, gùi không chỉ bày bán tại các phiên chợ vùng cao mà còn bán tại Thành phố, các cửa hàng trưng bày sản phẩm văn hóa của tỉnh, không gian văn hóa các lễ hội truyền thống, tại điểm kinh doanh dịch vụ, du lịch để giới thiệu, quảng bá đến du khách những nét đẹp bản sắc văn hóa các dân tộc của tỉnh Cao Bằng.

Thu Hoài

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/chiec-gui-trong-doi-song-dong-bao-vung-cao-3170225.html