Giáng sinh ấm áp ở Hải Xuân

Những ngày này, cứ chập tối, các con đường, ngõ xóm ở xã Hải Xuân, huyện Hải Hậu (Nam Định) lại lung linh ánh đèn chào đón Giáng sinh. Đâu đó, vẳng tiếng reo vui của người mẹ đón con nơi xa về. Trời lạnh buốt, nhưng trên mảnh đất xứ đạo này, lòng người bồi hồi, ấm áp.

Giáo xứ Xuân Thủy, xã Hải Xuân, huyện Hải Hậu (Nam Định) trang trí Giáng sinh.

Giáo xứ Xuân Thủy, xã Hải Xuân, huyện Hải Hậu (Nam Định) trang trí Giáng sinh.

Những ngày này, cứ chập tối, các con đường, ngõ xóm ở xã Hải Xuân, huyện Hải Hậu (Nam Định) lại lung linh ánh đèn chào đón Giáng sinh. Đâu đó, vẳng tiếng reo vui của người mẹ đón con nơi xa về. Trời lạnh buốt, nhưng trên mảnh đất xứ đạo này, lòng người bồi hồi, ấm áp.

Xứ đạo yên bình

Hải Xuân có khoảng hơn 2.600 hộ và hơn 9.000 nhân khẩu, cư trú trên địa bàn 13 xóm. Đồng chí Phạm Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Xuân cho biết, nơi đây có thể coi là một trong những cái nôi của Công giáo Nam Định. Thuở xưa, từ lịch sử hơn 100 năm thành lập xã, một thời gian dài Hải Xuân là xã Công giáo toàn tòng. Mãi những năm 1960 của thế kỷ trước, mới có cán bộ không theo đạo từ nơi khác đến sinh sống. Bây giờ, tỷ lệ đồng bào Công giáo của xã vẫn ở mức rất cao, khoảng 96%. Xã có ba giáo xứ gồm: Xuân Chính, Xuân Thủy và Xuân Hóa, có tám nhà thờ và một nhà hưu dưỡng dành cho các linh mục của Giáo phận Bùi Chu. Những năm qua, với chín đồng chí Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác mặt trận (trên tổng số 13 chi bộ của 13 xóm) là người Công giáo, công tác dân vận của Hải Xuân được thực hiện hiệu quả, tạo sự đồng thuận lớn của người dân trong tham gia các phong trào, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Phạm Văn Hồng nhấn mạnh: Trong bối cảnh ngân sách xã hạn hẹp, thành quả nông thôn mới hôm nay của xã Hải Xuân có sự đóng góp của người dân, trong đó phần lớn là đồng bào Công giáo. Không chỉ tự nguyện hiến đất, góp ngày công làm đường và các công trình giao thông khác, người dân còn đóng vai trò quyết định làm nên một Hải Xuân là điểm sáng về phong trào “sáng hóa nông thôn” và mô hình ca-mê-ra an ninh.

Trong năm 2019, xã đã lắp đặt gần 800 cột đèn cao áp đồng bộ, hiện đại. Trước đó, đầu năm 2017, Hải Xuân là nơi đầu tiên của toàn tỉnh Nam Định triển khai mô hình ca-mê-ra an ninh, với hơn 40 “mắt” khắp các tuyến đường. Nhờ sự gắn bó, phối hợp thường xuyên giữa chính quyền và các linh mục, người dân nơi đây luôn được khuyên răn, nhắc nhở giữ gìn an ninh trật tự, sống chan hòa, “tốt đời, đẹp đạo”. Nhiều năm liền, Hải Xuân không có vụ việc nổi cộm nào về an ninh, trật tự; vinh dự được UBND tỉnh Nam Định và Bộ Công an nhiều lần tặng cờ, bằng khen.

Từ một xã nghèo thuần nông, nhờ sự đồng thuận cao giữa chính quyền và người dân, Hải Xuân đã vươn lên hoàn thành xây dựng nông thôn mới, tiếp tục nâng cao tiêu chí, hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, xã có năm xóm được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu, tám xóm được công nhận đạt nông thôn mới nâng cao; có ba sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP. Người Hải Xuân luôn tự hào về một miền quê đáng sống với cảnh quan sáng, xanh, sạch đẹp, “đường ở đâu, sông ở đấy” và cuộc sống yên bình nơi đây.

Đón Giáng sinh an lành

Luôn tay trang trí hang đá mừng Giáng sinh, ông Giuse Nguyễn Văn Viên, Trùm phó Giáo xứ Xuân Thủy cho biết, Giáo xứ có 2.700 giáo dân và 58 chức sắc Công giáo. Người dân nơi đây sống hiền hòa, ngoan đạo, chiều nào cũng đến nhà thờ cầu nguyện. Trước hoặc sau Thánh lễ, các linh mục thường xuyên nhắc nhở, khuyên răn tín đồ giữ gìn an ninh, trật tự, bình yên xóm làng, xứ đạo. “Ở Hải Xuân, đi ngủ cũng không phải cất xe, đóng cổng, vì không mất mát gì bao giờ” - ông Giuse Nguyễn Văn Viên cười bảo.

Nhắc đến xã Hải Xuân, không ai không biết làng hoa, cây cảnh Xuân Bắc ở xóm Trung. Xóm có gần 300 hộ, phần lớn theo nghề trồng hoa, cây cảnh đã nhiều năm. Bước tới xóm Trung, có cảm giác như lạc vào một rừng hoa rực rỡ sắc mầu. Ở Hải Xuân, cảnh nơi nào cũng đẹp và yên bình, nhưng có lẽ xóm hoa này là đẹp nhất.

Chàng thanh niên Nguyễn Tiến Bính mới 25 tuổi nhưng đã giàu kinh nghiệm trong nghề trồng hoa. Cách đây ít năm, Bính đi học về ngành nông nghiệp rồi trở về nối nghiệp cha mẹ. Ban đầu, Bính chỉ biết trồng hoa cắm bình, hoa cắt cành. Nhưng với sự năng động và những kiến thức thu nhận được, cậu bắt tay vào trồng hoa trong chậu cảnh. Bính cho biết: Nhu cầu thị trường mỗi năm mỗi khác, trước người ta ưa hoa treo, nhưng bây giờ lại thích hoa phong thủy, cây lá nội thất, hoa thảm, cây công trình... Hiện tại, hai khu vườn của Bính trồng khoảng 10 nghìn chậu cây hoa, loại rẻ chỉ vài chục nghìn đồng, đắt hơn thì từ vài trăm nghìn đồng đến hơn một triệu đồng, bán buôn cho khách trong và ngoài tỉnh.

Năm nay do dịch Covid-19, làm ăn cũng khó khăn hơn, nhưng được người dân trong xóm gắn bó, hỗ trợ, Bính hy vọng vẫn đạt doanh thu khoảng 400 triệu đồng sau tháng Tết. “Chúng em là người Công giáo, thường xuyên đi lễ cùng nhau cho nên mối quan hệ khăng khít như con em một nhà”, Bính nói. Giáng sinh là dịp sum họp, Bính mong chờ các anh trai về quây quần bên cha mẹ. Ban ngày chăm hoa, đến tối Bính lại háo hức đi tập văn nghệ, hát thánh ca để còn biểu diễn. Năm nào cũng thế, vào đêm Giáng sinh, tất cả các nhà thờ của xã Hải Xuân đều lung linh sắc mầu, nô nức các tiết mục đón mừng năm mới.

TRẦN KHÁNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/giang-sinh-am-ap-o-hai-xuan-629247/