Giang sơn liền dải, vạn đại phồn vinh

Tháng 4/2025, tròn nửa thế kỷ sau Đại thắng mùa Xuân 1975, Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII được triệu tập sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch ban đầu. Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định đây là một hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước. Thời khắc này của 50 năm trước ghi dấu giang sơn liền dải, chấm dứt 21 năm đất nước chia cắt, còn giờ đây là sẵn sàng con đường cho dân tộc vạn đại phồn vinh.

Nếu tháng 4 của 50 năm trước, Việt Nam làm nên một thắng lợi vĩ đại, kết thúc 30 năm chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên toàn lãnh thổ; thì tháng 4 của 50 năm sau, theo Tổng Bí thư, Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đó là kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu.

Nhà ga T3, một công trình quan trọng tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh minh họa

Nhà ga T3, một công trình quan trọng tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh minh họa

“Một ngày bằng hai mươi năm”

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 được tiến hành từ ngày 4/3/1975. Sau một tháng Tổng tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, liên tục, quân và dân Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn, toàn diện cả về chính trị và quân sự. Ngày 7/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh ra lệnh động viên “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ thời gian từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.

Vòng quay kỳ diệu của thời gian

Dẫu chỉ là quy luật của lịch Gregorian (còn gọi là dương lịch, được sử dụng hầu khắp trên thế giới) lặp lại sau một chu kỳ nhất định, tùy thuộc vào năm nhuận, nhưng hiện tượng chu kỳ lịch và lịch lặp lại sau tròn 50 năm trùng vào đúng thời gian Việt Nam kỷ niệm Mùa xuân đại thắng, đã như một sự sắp đặt kỳ diệu của trời đất. Lịch tháng 4/2025 và lịch tháng 4/1975 trùng lắp hoàn toàn về các ngày trong tuần. Ngày 30/4/1975 là thứ Tư và đúng 50 năm sau, ngày 30/4/2025 cũng là thứ Tư. Nửa thế kỷ đã qua, vẫn một Việt Nam kiên cường ngày càng tự tin sải bước đến hùng cường theo những vòng quay kỳ diệu của thời gian.

“Trong suốt 50 năm qua, vào những ngày tháng 4 lịch sử này, chúng ta đều ôn lại truyền thống oanh liệt, hào hùng của công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sự lãnh đạo tài tình của Đảng, sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự anh dũng, kiên cường, bất khuất, sự hy sinh to lớn của toàn dân tộc vì mục tiêu thống nhất non sông đất nước”, Tổng Bí thư Tô Lâm tràn ngập niềm tự hào, “không một áng văn nào có thể phản ánh đầy đủ sự vĩ đại của dân tộc ta; không một từ ngữ nào có thể diễn tả hết ý chí và sức mạnh to lớn của nhân dân ta, đất nước ta trong khát vọng “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.

Từ trong bão lửa của các cuộc chiến tranh, chúng ta trở thành người chiến thắng, trở thành “lương tri và lẽ sống” của nhiều quốc gia đấu tranh giải phóng dân tộc, trở thành biểu tượng của thời đại. Thành quả cách mạng Việt Nam đúng là kỳ tích, là điều mà những người lạc quan nhất cũng khó tưởng tượng được”.

Ngày 14/4/1975, theo đề nghị của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh chiến dịch và Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, làm nên một trong những trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch quyết chiến chiến lược mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại được Ðảng đánh giá: “là kết quả hợp thành của tất cả những lực lượng, những yếu tố làm nên sức mạnh tất thắng của nhân dân ta trong cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã diễn ra với tốc độ “một ngày bằng hai mươi năm”.

Vào tháng 2/1975, khi còn chưa đầy tuổi hai mươi, trong không khí hào hùng cả nước hướng về miền Nam ruột thịt, chàng thanh niên Lương Cường xung phong đi bộ đội, với ý thức và chỉ một tâm niệm: Đi chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Giờ đây, khi đã là Chủ tịch nước, Chủ tịch nước Lương Cường nhìn lại 50 năm qua, “càng thấu hiểu sâu sắc hơn về tầm vóc, ý nghĩa to lớn của Đại thắng mùa Xuân. Đó không chỉ là kết quả của một cuộc chiến, mà còn là biểu tượng của khí phách quật cường, của ý chí sắt đá và niềm tin tất thắng của quân và dân cả nước, đánh dấu thắng lợi của hành trình 21 năm nỗ lực chiến đấu không ngừng, thành quả của công sức, xương máu của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã ngã xuống để giành lấy tự do, non sông thu về một mối”.

Theo Chủ tịch nước, kỷ niệm 50 năm là dịp để cùng ôn lại những trang sử hào hùng, tri ân và tôn vinh các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh, đồng bào, đồng chí và những cán bộ chiến sỹ đã cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; qua đó để mỗi người dân Việt Nam hôm nay và mai sau nhận thức sâu sắc hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, viết tiếp những trang sử hào hùng bằng những thành tựu mới, tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống hào hùng cùng bản lĩnh, trí tuệ, ý chí và nghị lực, tinh thần và sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh và thịnh vượng của dân tộc Việt Nam thân yêu.

Nửa thế kỷ trôi qua, nhưng khí thế thần tốc của “một ngày bằng hai mươi năm” giờ đây trở nên sống động hơn bao giờ hết khi Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết 60-NQ/TW thống nhất chủ trương về số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương).

Cùng với đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 8% trở lên, cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại năm 2025, tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Phấn đấu hoàn thành bằng được mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước phát triển có công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Vẫn một tinh thần Tổng tiến công

Tinh thần Tổng tiến công của nửa thế kỷ trước dường như được tái hiện, khi vào ngày 19/4/2025, Chính phủ tổ chức Lễ khởi công, khánh thành trực tuyến đồng thời trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam các công trình, dự án quan trọng và các công trình lớn. Nếu như năm xưa, tinh thần đó để mang lại hòa bình, thống nhất đất nước, thì ngày nay, tinh thần đó để mang lại sức sống mãnh liệt hơn cho công cuộc dựng xây đất nước mà Chính phủ đã quyết tâm năm 2025 phải tăng trưởng cao hơn 8% để có tiền đề tăng trưởng 2 con số vào những năm tiếp theo.

Hàng loạt dự án giao thông trong cả nước đã sẵn sàng cho ngày kỷ niệm thống nhất non sông. Nhà ga T3 - sân bay Tân Sơn Nhất đã hoàn thiện toàn bộ các hạng mục và sẵn sàng đưa dự án vào khai thác dịp 30/4, vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch ban đầu. Dự án thành phần 1A có cầu Nhơn Trạch (cầu lớn nhất đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh) được chốt thời gian thông xe kỹ thuật ngày 27/4/2025. Toàn dự án sẽ đưa vào khai thác trước 30/6/2025, vượt tiến độ 4 - 5 tháng…

Theo kế hoạch của Bộ Xây dựng sẽ có 5 dự án đường cao tốc với chiều dài 226,63 km được khánh thành, đưa vào khai thác tuyến chính dịp 30/4/2025, gồm 4 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua miền Trung và cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đến cuối năm 2025, cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ được nối thông liền mạch từ Chi Lăng (Lạng Sơn) đến TP. Cà Mau.

Cùng với các con đường ngày càng thênh thang, cả giang sơn cũng được sắp xếp lại với nhiều địa phương sau sáp nhập có quy mô kinh tế rất lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Nai, Bắc Ninh... Việc sáp nhập đặt mục tiêu cao nhất, đó là phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển cho đơn vị hành chính mới, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, ưu tiên sắp xếp các đơn vị hành chính miền núi, đồng bằng với các địa phương có biển. Kết hợp hài hòa, hợp lý các đơn vị hành chính có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế sau sắp xếp và yêu cầu, định hướng phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.

“Mùa bình thường, mùa vui”

Bế mạc Hội nghị Trung ương 11, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ: “Công việc trước mắt rất bộn bề, thực tiễn cuộc sống đang đòi hỏi cấp bách, nhân dân, cán bộ đảng viên đang mong chờ, nhiệm vụ phía trước rất nặng nề, gian khó, tôi nghĩ đây là thử thách lớn, đồng thời là cơ hội để từng Ủy viên Trung ương Đảng thể hiện tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước đất nước, trước Nhân dân”.

Người đứng đầu Đảng quả quyết: “Ban Chấp hành Trung ương tin tưởng rằng, phát huy truyền thống đoàn kết, kiên cường, bất khuất của dân tộc, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, sự nỗ lực chung sức, đồng lòng, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra. Nhất định chúng ta sẽ thành công”.

Theo Tổng Bí thư, cuộc cách mạng sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã và đang diễn ra rất khẩn trương, quyết liệt, thống nhất cao trong toàn Đảng và được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Kết quả đạt được trong thời gian qua cho thấy những chủ trương, quyết sách của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là rất đúng, rất trúng, hợp ý Đảng, lòng dân.

Cả Quốc hội và Chính phủ đều đang trong những ngày mà “một ngày bằng hai mươi năm” với các cuộc họp thâu đêm. “Hội nghị Trung ương 11 là hội nghị lịch sử, quyết định những vấn đề lịch sử, do đó, Chính phủ cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết trình Quốc hội thì trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội phải làm hết sức mình để thực hiện Nghị quyết của Đảng”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, “việc sửa đổi Hiến pháp và các luật, nghị quyết có liên quan phải được hoàn thành trước ngày 30/6, và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7. Trong đó quy định điều khoản chuyển tiếp để hoàn thành việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và các đơn vị hành chính cấp xã chính thức đi vào hoạt động chậm nhất trước ngày 15/8, các đơn vị hành chính cấp tỉnh chính thức đi vào hoạt động chậm nhất trước ngày 15/9”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận đất nước trong những thời điểm lịch sử cần những quyết sách mang tính lịch sử, từng cấp, từng ngành, mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, từng người dân Việt Nam cần phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”; “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả, cân đong, đo đếm được”; quán triệt và thực hiện hiệu quả phương châm “Đảng chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”.

Đặc biệt sốt ruột về sự cấp bách trong thực hiện mục tiêu cao nhất là xây dựng chính quyền theo hướng gần dân phục vụ nhân dân tốt hơn, đồng thời mở ra cục diện mới trong phát triển đất nước với tầm nhìn lâu dài ít nhất là cho tới 100 năm tới, nhưng Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh nhiều lần rằng phải đảm bảo sự vận hành bình thường, không được để ra sự xáo trộn nào trong mọi hoạt động của nhân dân. Ông yêu cầu phải đảm bảo các cơ quan, đơn vị, tổ chức trước, trong và sau sắp xếp hoạt động liên tục, thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, không để gián đoạn công việc, không bỏ trống nhiệm vụ, địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, tổ chức và Nhân dân.

Có đảm bảo được sự “bình thường” mới có được nền tảng bền vững để tiếp tục tạo ra những kỳ tích phi thường. Có đảm bảo được “bình thường”, mới là có hạnh phúc bình yên. Chắc hẳn cũng bởi vậy mà 50 năm trước, tuyệt phẩm “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ tài hoa Văn Cao viết cho những ngày Đại thắng, đã mở đầu bằng những câu từ giản dị mà tựa như kết tinh từ những giọt nước mắt và cả máu của cả những người còn sống và đã khuất khi mà “niềm vui phút giây như đang long lanh”:

“Rồi dìu dặt mùa xuân theo én về/Mùa bình thường mùa vui nay đã về…”.

Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh Ảnh minh họa

Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh Ảnh minh họa

Minh Châu

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giang-son-lien-dai-van-dai-phon-vinh-175594-175594.html