Giảng viên 3D có thể thay đổi xu hướng giảng dạy trực tuyến

Các lớp học tại trường vào buổi sáng hay tối khuya là một 'thử thách' không nhỏ đối với sinh viên. Tuy nhiên nếu người đứng lớp là nhà vật lý Albert Einstein hoặc một lớp học thiết kế chuyên nghiệp của Coco Chanel thì chắc chắn là một câu chuyện khác. Với sự trợ giúp của công nghệ AI, điều này đang dần trở thành hiện thực.

Việc giảng dạy thông qua hình ảnh 3D sẽ sớm phố biến trong tương lai. Ảnh: AV News

Việc giảng dạy thông qua hình ảnh 3D sẽ sớm phố biến trong tương lai. Ảnh: AV News

Tại Anh một số trường đại học bắt đầu mời các giảng viên khách mời từ khắp nơi trên thế giới sử dụng công nghệ ảnh toàn ký ba chiều (hologram) để giảng dạy tại các trường đại học. Đại học Loughborough (Anh), là trường đầu tiên ở châu Âu khám phá các ứng dụng của công nghệ tái hiện bằng hình ảnh 3D trong giảng dạy.

Trường có kế hoạch sử dụng công nghệ này để mời các nhà khoa học từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đến giảng dạy cho sinh viên thời trang cách tạo ra những buổi trình diễn sống động hoặc kiểm tra các sinh viên quản trị kinh doanh về cách điều hướng các tình huống kinh doanh phức tạp.

Giáo sư Vikki Locke, Giám đốc nghiên cứu tại trường kinh doanh Loughborough, cho biết sinh viên rất yêu thích công nghệ này và đã nài nỉ được chụp ảnh selfie với thiết bị. Cô nói thêm, sinh viên thích “một diễn giả khách mời trong ngành rạng rỡ bước vào lớp học hơn là một người trên Zoom hoặc Google Meet”.

Cô cho biết, các buổi học qua Zoom khiến học sinh có cảm giác như đang xem TV và tạo ra khoảng cách về giao tiếp. Trong khi đó hình ảnh ba chiều hấp dẫn và chân thực hơn rất nhiều đối với họ.

Việc tương tác và thể hiện các tài liệu học cũng trực quan hơn là thông qua video.Ảnh: Media and Learning

Việc tương tác và thể hiện các tài liệu học cũng trực quan hơn là thông qua video.Ảnh: Media and Learning

Công nghệ hình ảnh 3D dự kiến sẽ được chính thức đưa vào chương trình giảng dạy vào năm 2025 sau thời gian thử nghiệm.

Các đơn vị ảnh ba chiều dạng hộp được bán bởi Proto có trụ sở tại Los Angles (Mỹ), khách hàng của họ bao gồm các công ty như BT và IBM. Dịch vụ này được sử dụng trong các cuộc họp để giảm nhu cầu đi lại của công ty. Proto cũng hợp tác với nhà bán lẻ thời trang H&M ở Stockholm trong việc trưng bày sản phẩm thời trang tương tác.

David Nussbaum, người thành lập Proto 4 năm trước sau khi nghiên cứu ảnh ba chiều của những người nổi tiếng đã qua đời, cho biết công ty của ông có thể sớm đưa một số nhà tư tưởng vĩ đại nhất thế kỷ 20 trở về từ thế giới bên kia.

Ông chia sẻ: “Proto có công nghệ tái hiện hình ảnh của Stephen Hawking hoặc bất kỳ ai với hình ảnh chân thực nhất. Chúng ta có thể kết nối với sách, bài giảng, mạng xã hội của diễn giả với bất kỳ câu hỏi nào, bất kỳ tương tác nào với hình ảnh 3D. Chúng tôi có thể tạo ra một Stephen Hawking bằng AI tương tác không khác gì người thật”.

Gary Burnett, giáo sư về sáng tạo kỹ thuật số tại Đại học Loughborough, cho biết: “Các công nghệ nhập vai khác nhau và AI là những hình thức truyền tải kiến thức mới. Học sinh cần hiểu ý nghĩa của việc sử dụng, trải nghiệm chúng, tương tác với công nghê giảng dậy 3D vì đây là tất cả những kỹ năng sinh viên sẽ cần cho tương lai”.

Theo tờ The Guardian, Phó hiệu trưởng của trường Loughborough, Giáo sư Rachel Thomson, cho biết công nghệ này có thể giúp trường đạt được chiến lược bền vững bằng cách giảm nhu cầu đi máy bay của các diễn giả khách mời và tạo điều kiện cho sự hợp tác nghiên cứu quốc tế dễ dàng hơn.

Công nghệ này cũng có thể cho phép giảng viên giải thích những thiết bị phức tạp như động cơ một cách dễ dàng hơn so với thông qua các buổi học trực tuyến qua Zoom hay Google Meet.

Ông nói thêm, khả năng AI của công nghệ này chỉ mang tính đại diện hình ảnh có thể được tạo ra giống với bất kỳ ai trên thế giới. Mặc dù ông cũng lưu ý rằng điều này có thể kéo theo những rắc rối về mặt pháp lý.

Nhật Linh/ Báo Tin Tức (Theo The Guardian)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/giang-vien-3d-co-the-thay-doi-xu-huong-giang-day-truc-tuyen-20240122154638362.htm