Giảng viên đẹp trai 'lắm chiêu' khiến nữ sinh viên 'phát sốt'

Những năm gần đây, hình ảnh người thầy nghiêm nghị năm xưa đã dần thay đổi. Không ít thầy giáo ngày nay được học sinh ca ngợi là 'hotboy', vừa là người thầy nhiệt huyết giảng dạy, vừa có phong cách thời trang ấn tượng, đa tài, gần gũi với học trò như một người bạn...

Vừa là thầy, vừa là bạn

Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM được biết đến như một “hiện tượng” về “thầy giáo hotboy” thông qua các hoạt động trên mạng xã hội. Facebook của thầy Hiếu được hàng triệu bạn trẻ hưởng ứng và chờ đợi những bài học, câu chuyện thầy giáo trẻ này chuyển tải.

Loạt clip “Tháo gỡ chuyện khó đỡ” như đối phó với “yêu râu xanh”, đối phó với cướp giật, các clip liên quan đến sống thử và chuyện yêu, làm gì khi trượt đại học… vừa mang tính giáo dục, vừa mang tính hài hước nhanh chóng lan truyền trên các diễn đàn, trở thành một bài học thông qua việc giải trí của giới trẻ.

Song song đó, các bộ ảnh dành cho trẻ em, người già, cha mẹ, người đồng tính… cũng trở thành những bức ảnh “hot” trên các diễn đàn vào các ngày đặc biệt. Từ ngôn từ, cách nói chuyện, lối dẫn dắt, câu đố… đều khiến người trẻ cảm thấy thầy giáo vẫn rất “teen”.

Thầy nhẹ nhàng, gần gũi, hài hước và biết pha trò theo đúng chất của người trẻ. Những câu nói của thầy không lạ, thậm chí rất quen, là lời nói cửa miệng giới trẻ dễ dàng bắt gặp khiến không khí lớp học lúc nào cũng rộn ràng, vui vẻ.

Thầy giáo Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, thạc sĩ Tâm lý học, giảng viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Thầy giáo Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, thạc sĩ Tâm lý học, giảng viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Thầy giáo trẻ này chuẩn bị xây dựng Trung tâm Giải pháp dành cho giới trẻ với trang web hanhtrangsong.vn hứa hẹn chuyển tải những bài học trực tuyến. Nếu như trước đây, những bài học thông qua clip, bộ ảnh, câu nói… thầy đăng tải trên YouTube và Facebook thì nay, trang web mới mang đến một lớp học khác: có tình huống, có biện pháp xử lý dưới nhiều hình thức (clip, hình ảnh, câu đố…), có bài tập thực hành và có sự tương tác với giảng viên,…

Thầy Khắc Hiếu chia sẻ: “Tôi sẽ cố gắng sống hết mình để không chỉ là người thầy đứng trên bục giảng mà còn là người bạn của các bạn trẻ trong cuộc sống thông qua các hoạt động xã hội. Nếu như các ngành nghề khác đóng góp cho xã hội bằng những sáng chế, phát minh thì với thầy giáo, sản phẩm của họ là vô hình”.

Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu sinh ngày 2/12/1984. Thầy Hiếu là người sáng lập đội tình nguyện CLB Bản lĩnh sống Sư tử trẻ, làm điểm tựa tinh thần cho giới trẻ; Thử nghiệm mô hình định hướng lối sống cho giới trẻ thông qua mạng xã hội; Thử nghiệm sáng kiến tuyên truyền giáo dục kỹ năng thực hành xã hội cho giới trẻ qua chương trình “Tháo gỡ chuyện khó đỡ”, giúp đỡ đời sống tâm lý cho thanh thiếu niên, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức cho học sinh, sinh viên.

Bên cạnh đó là một số tập sách Tư duy sáng tạo - Các con đường đi tìm lý tưởng 2010; Một số vấn đề cơ bản của tâm lý học lứa tuổi 2011; Tâm lý học giao tiếp 2011; Kỹ năng giao tiếp; Kỹ năng làm việc nhóm.

Anh từng đạt các giải thưởng: Giải ba Nghiên cứu khoa học Bộ GD-ĐT 2006; Giải thưởng Tài năng tâm lý trẻ T.Ư hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam; Danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu của năm do cộng đồng mạng bình chọn; Giải thưởng nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp trường, cấp thành phố.

Thầy giáo... “lắm chiêu”

Một thầy giáo khác cũng nổi tiếng trên cộng đồng mạng là Lại Tiến Minh (SN 1984). Thầy Minh là cái tên “hot” đối với nhiều học sinh, sinh viên trên cả nước. Tiến Minh vừa là giảng viên của trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội, vừa là giáo viên của trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), vừa là MC truyền hình, vừa dạy lớp luyện thi đại học, ôn thi học sinh giỏi Toán quốc gia và Olympic Toán quốc tế.

Không chỉ là một thầy giáo đa tài mà thầy giáo này còn được ngưỡng mộ bởi vẻ điển trai, trẻ trung so với độ tuổi. Lý giải về việc dạy hai trường hoàn toàn khác nhau, thầy Minh cho biết: “Mình ngưỡng mộ thầy Văn Như Cương (PGS Văn Như Cương) từ ngày còn là sinh viên nên rất muốn về “đầu quân” cho thầy”. Tại đây, Tiến Minh được các em học sinh yêu mến không chỉ bởi là “thầy giáo hot boy” mà bởi cách dạy thú vị và sự gần gũi, quan tâm đến học sinh.

Trong mắt các em học sinh, thầy giáo Tiến Minh không chỉ là người thầy mà còn là người bạn gần gũi. Khi bước vào giảng đường ĐH với vai trò một giảng viên, thầy xuất hiện với hình ảnh người thầy đĩnh đạc, cởi mở và luôn biết cách làm cho sinh viên yêu thích giờ học của mình. Thầy Minh tâm sự: “Mỗi cấp học đều có những điều khó khăn khác nhau. Nhưng ở cấp phổ thông mình mất nhiều thời gian hơn để làm quen và bắt nhịp được với các bạn học sinh”.

Thầy giáo Tiến Minh còn có đủ các “chiêu độc trị” học trò hư. Với mỗi học sinh thầy lại có những cách khác nhau để các em “phục” và yêu thích môn học của mình. Độc chiêu chinh phục học trò hư của thầy đó chính là nhẹ nhàng phân tích thu phục các em.

Thầy Lại Tiến Minh, giảng viên Đại học Kiến Trúc Hà Nội, giáo viên Toán trường THPT Lương Thế Vinh

Thầy Lại Tiến Minh, giảng viên Đại học Kiến Trúc Hà Nội, giáo viên Toán trường THPT Lương Thế Vinh

Từng giảng dạy trong một lớp được coi là bướng nhất trường nhưng thầy vẫn luôn chinh phục được học trò của mình. Thầy không bao giờ to tiếng với những em học sinh hư, mà nhẹ nhàng ngồi riêng tâm sự, chia sẻ khuyên bảo các em. Chính sự tế nhị ấy của thầy đã không ít lần giúp những “chú ngựa non háu đá” chăm chỉ học tập hơn.

“Với các học sinh cá biệt, hãy chỉ cho các em thấy lỗi của mình, đừng dồn các em vào chân tường. Thay vì chỉ trích rồi khiến các em chán nản hãy giúp các em nhận ra điều mình cần làm” - thầy giáo Lại Tiến Minh nói. “Nghiêm khắc và vui tươi” đó là câu thần chú trong mỗi giờ học của thầy.

Chính bởi thế, thầy có rất nhiều “fan”, đặc biệt là các học sinh nữ. Đôi khi, thầy cũng rơi vào những tình huống dở khóc dở cười. Không ít lần được học sinh tỏ tình, thầy chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo và vẫn rất tôn trọng các em, coi đó là sự yêu mến học sinh dành cho mình. Trên mạng xã hội cũng có nhiều hội “cuồng” thầy Tiến Minh được lập với một lượng fan đông đảo. Khi được hỏi về cách gọi này, thầy chia sẻ: “Mình thích cách các bạn học sinh vẫn hay gọi “thầy Minh kờ - te” hơn vì nghe gần gũi”.

“Chuyên gia tư vấn” của học trò

Thầy Hoàng Anh Duy (SN 1984) từng một thời gian gây sốt cho nữ sinh trường ĐH Ngoại Thương Hà Nội và cả TP HCM vì vẻ ngoài hotboy, ăn mặc “xì tin” và giảng bài hay, tâm lý. Vì tính chất công việc nên thầy thường xuyên phải di chuyển giữa 2 cơ sở của đại học Ngoại thương (Hà Nội và TP. HCM) để đứng lớp. Quản trị nguồn nhân lực và Kỹ năng giao tiếp là những chuyên môn mà thầy Duy phụ trách.

Điều đặc biệt, thầy Duy là người từng đoạt giải Én vàng “Người dẫn chương trình truyền hình” năm 2009. Khi còn là sinh viên ĐH Ngoại thương Hà Nội, thầy Duy cũng đã tham gia và giật giải Nhất “Tiếng hát sinh viên toàn quốc”.

Tốt nghiệp ĐH loại giỏi và sở hữu bằng Thạc sĩ Quản lý của ĐH Leicester (Anh), thầy được trường giữ lại làm giảng viên. Hiện tại, thầy Duy vừa là giảng viên, vừa cộng tác cho nhiều đài phát thanh truyền hình.

Có một lượng “fan” hùng hậu luôn theo dõi trên mạng xã hội, thầy giáo điển trai rất “tự hào” về điều này. Theo Hoàng Anh Duy, khi các bạn sinh viên cảm thấy quý mến mình thì đó là điều rất trân trọng. Và các bạn sinh viên có những cách thể hiện tình cảm “yêu” thầy rất khác nhau: có những bạn sinh viên thường xuyên phát biểu bài trong giờ học, có bạn không nghỉ buổi học nào, có bạn hỏi thầy những câu hỏi bên ngoài cuộc sống, tâm sự tỷ tê.

Thầy Hoàng Anh Duy, giảng viên ĐH Ngoại Thương Hà Nội

Thầy Hoàng Anh Duy, giảng viên ĐH Ngoại Thương Hà Nội

Những câu hỏi mà thầy Anh Duy rất thích nhận được như: “Thầy ơi, sắp tới em đi phỏng vấn”…, “Thầy ơi, sắp tới em đi thi hoa khôi”… Đối với Anh Duy, những câu hỏi đó khiến anh vui hơn vì nó chứng tỏ học trò của anh tin cậy và quý mến anh rất nhiều.

Về việc hiện nay có nhiều tranh cãi quanh quy định ở một số trường, nghiêm cấm việc tặng “phong bì” cho thầy cô trong Ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy giáo Anh Duy cho rằng, cần phải tìm hiểu lý do mà phụ huynh hoặc học sinh, sinh viên lại muốn tặng phong bì cho người thầy của mình và tại sao, có những thầy cô lại nhận phong bì?

Theo thầy giáo điển trai, việc mà nhiều người tặng phong bì cho thầy, cô được họ xem là cách tri ân, quan tâm tới thầy cô và cũng có lẽ do công việc, thời gian của họ quá bận rộn, họ không biết mua gì, tặng gì cho người thầy, nên họ dung tới phong bì. Nhưng cũng có rất nhiều người lợi dụng việc đó để “hối lộ”, “chạy điểm”, “mua chuộc” thầy cô.

Còn với bản thân thầy Anh Duy, nếu “bị” tặng phong bì anh cảm thấy đó là sự xúc phạm vô cùng lớn. Bởi thầy đã làm nhiều công việc cùng một lúc, đủ khả tài chính để mua cho mình những thứ mình thích nên ai đó tặng phong bì cho thầy là điều không tôn trọng. Thầy Anh Duy cho rằng, tình cảm là thứ không thể đong đếm được.

Với thầy Hoàng Anh Duy, chỉ cần học trò của mình khi gặp lại anh thì chào anh một câu, bởi “lời chào cao hơn mâm cỗ”, sự kính trọng của học trò là món quà quý giá nhất đối với người thầy.

Uyên Na

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-duc/giang-vien-hotboy-khien-nu-sinh-vien-phat-sot-306671.html