Giảng viên Lê Thị Tình: 'Cháy hết mình' trên bục giảng
Mustafa Kernal Ataturk-Tổng thống đầu tiên nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ có một câu rất ý nghĩa nói về nghề giáo: 'Một người thầy giỏi giống như ngọn nến, nó đốt cháy chính mình để soi sáng đường cho những người khác'.
Điều đó thật đúng với giảng viên Lê Thị Tình-Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng (Trường Chính trị tỉnh), một người luôn “cháy hết mình” trên bục giảng.
“Tôi sinh năm 1986, lớn lên ở vùng quê Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Từ nhỏ, tôi đã ước mơ trở thành giáo viên. Khi trở thành giảng viên Trường Chính trị tỉnh, bằng những kiến thức đã học, tôi luôn cố gắng truyền đạt để học viên thêm vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn”-Giảng viên Lê Thị Tình mở đầu câu chuyện về mình.
Duyên nợ với Gia Lai
Mùa hè năm 2005, sau khi tốt nghiệp THPT, cô gái trẻ Lê Thị Tình thi đậu vào Đại học Sư phạm Huế chuyên ngành Tâm lý giáo dục. Trong những năm tháng học ở đây, cô quen và thân thiết với nhiều bạn học cùng trường đến từ phố núi Pleiku. Trong một kỳ nghỉ hè, những người bạn học rủ cô lên Gia Lai chơi để khám phá vùng đất mới mẻ này. Sau nhiều ngày rong ruổi cùng các bạn, cô đã yêu mảnh đất “ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông” từ khi nào không hay.
Năm 2009, sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi, cô được ưu tiên giữ lại trường, tiếp tục đào tạo chuyên sâu để phục vụ công tác giảng dạy. Thế nhưng, bởi trót yêu phố núi, yêu nhịp sống bình yên, con người Gia Lai hiền hòa, thân thiện nên cô quyết tâm tìm cơ hội để được làm việc và gắn bó với mảnh đất này.
Thông qua một người bạn, cô biết được Trường Chính trị tỉnh Gia Lai đang tuyển giảng viên nên nộp hồ sơ tuyển dụng. Sau khi vượt qua 3 vòng sát hạch của Hội đồng khoa học nhà trường, ngày 1-1-2010, cô nhận quyết định trúng tuyển và công tác ở Khoa Dân vận.
“Quyết tâm là thế, yêu mảnh đất này là thế, nhưng thời gian đầu vào sinh sống và làm việc ở đây, mọi thứ với tôi đều lạ lẫm và gặp không ít khó khăn. Nỗi nhớ gia đình, người thân cũng khiến tôi nhiều đêm khóc thầm. Dù vậy, tôi luôn nhắc mình hãy tin vào cuộc sống, khó khăn rồi sẽ qua, tương lai tươi sáng đang ở phía trước”-cô Tình nhớ lại.
Sau 1 năm tập sự, cô Lê Thị Tình chững chạc đứng trên bục giảng trước đối tượng học viên lớn tuổi, phần đông thuộc thế hệ cha, chú mình. Những năm đầu giảng dạy, trái ngược với gương mặt trẻ trung, giảng viên Lê Thị Tình đã thuyết phục người học dù khó tính, nhiều kinh nghiệm thực tiễn bởi chất giọng bén ngọt, kiến thức chuyên môn vững vàng, lối ứng xử đúng mực.
Anh Phạm Ngọc Kha-Chánh Văn phòng Huyện ủy Chư Pưh, nguyên là học viên lớp Trung cấp Lý luận chính trị-Hành chính khóa 4 (năm 2012-2013) kể: “Giữa những giảng viên lớn tuổi bỗng xuất hiện giảng viên trẻ làm cho cả lớp có phần ngạc nhiên. Thế nhưng, khi bước vào lớp học, từ phong cách, giọng nói, nội dung truyền đạt của giảng viên Lê Thị Tình đã dần dần thuyết phục chúng tôi”.
Sau 4 năm giảng dạy tại trường, thông qua nội dung giáo án soạn giảng, sau nhiều lần thực giảng trước tập thể giảng viên và Hội đồng khoa học trường, đánh giá chất lượng khách quan theo hình thức chấm điểm vào phiếu, giảng viên Lê Thị Tình được chọn tham gia dự thi hội thi giảng viên giỏi do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức năm 2014.
Bằng sự cố gắng và năng lực của mình, cô được công nhận là giảng viên dạy giỏi xuất sắc toàn quốc các trường chính trị cấp tỉnh, là 1 trong 11 giảng viên được Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tặng bằng khen.
Những thành công bước đầu trong nghề đã tiếp thêm sức mạnh để cô gắn bó với mảnh đất cao nguyên đầy nắng gió và xem đây là quê hương thứ 2 của mình. Giảng viên Lê Thị Tình cho hay: “Tôi đã chọn đúng nghề, đúng mảnh đất để cho mình phát triển. Với tôi, đến và gắn bó với Gia Lai là duyên nợ”.
“Cháy hết mình” trên bục giảng
Ông Ngô Khắc Ngọc-Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh: Qua gần 15 năm giảng dạy và nghiên cứu lý luận chính trị, cô Lê Thị Tình đã khẳng định năng lực, sự gương mẫu, tiêu biểu trong đội ngũ giảng viên nhà trường, không ngừng hoàn thiện, đạt nhiều thành tích cao trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, được đồng nghiệp, học viên quý trọng.
Tháng 9-2015, giảng viên Lê Thị Tình được phân công về Khoa Nhà nước-Pháp luật. Để đáp ứng tốt hơn trong công tác chuyên môn, cô tiếp tục theo học thạc sĩ tại Học viện Hành chính Quốc gia chuyên ngành Quản lý công. Kết quả đánh giá luận văn thạc sĩ được xếp loại xuất sắc vào tháng 9-2016.
Năm 2022, cô theo học lớp Cao cấp Lý luận chính trị tại Học viện Chính trị khu vực 3 và tốt nghiệp loại giỏi. Năm 2023, giảng viên Lê Thị Tình đã được nâng ngạch lên giảng viên chính và bổ nhiệm Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng và đang theo học tiến sĩ tại Học viện Hành chính Quốc gia.
“Gần 15 năm làm công tác giảng dạy, nghiên cứu dưới mái trường Đảng, với tôi, đó là niềm tự hào to lớn. Không chỉ trang bị cho học viên kiến thức lý luận, kỹ năng chuyên môn để họ hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được phân công, tôi còn mong muốn chuyển hóa kiến thức lý luận vốn khô khan thành niềm tin, tình yêu vững chắc của cán bộ, đảng viên vào Đảng và Nhà nước thông qua hành động cụ thể.
Mong muốn khơi dậy lòng tự hào về quê hương, dân tộc, là những cán bộ, đảng viên của giai đoạn cách mạng mới, có khả năng xây dựng, truyền cảm hứng tới quần chúng nhân dân qua các phong trào từ thực tiễn lãnh đạo, quản lý. Thực tế vận động xã hội đòi hỏi nghề của chúng tôi không ngừng hoàn thiện mình, đổi mới tư duy, sáng tạo để sống, tin yêu và tự hào với nghề”-giảng viên Lê Thị Tình chia sẻ.
Thạc sĩ Ksor Hội-Bí thư Chi bộ, Trưởng khoa Xây dựng Đảng-cho biết: “Giảng viên Lê Thị Tình có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ học vấn cao, được đồng nghiệp đánh giá cao về chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao”.
Bên cạnh giảng dạy, công tác nghiên cứu khoa học có vai trò quan trọng đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ cũng như nâng cao vị thế, uy tín, sức ảnh hưởng của Trường Chính trị tỉnh. Riêng hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng viên Lê Thị Tình đã có gần 30 bài báo đã được công bố trên các tạp chí có chỉ số ISSN được Hội đồng Chức danh giáo sư công nhận; cô cũng có các bài viết được lựa chọn đăng tải, chia sẻ tại các hội thảo quốc tế, cấp bộ, học viện.
Các bài viết, nghiên cứu của cô xoay quanh khoa học lý luận chính trị, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, các vấn đề gắn lý luận vào thực tiễn lãnh đạo, quản lý từ thực tiễn tỉnh Gia Lai, vùng Tây Nguyên.
Ngoài ra, cô còn là đồng chủ biên 1 sách tham khảo, là thành viên tham gia biên soạn 7 đầu sách chuyên khảo, tài liệu phục vụ giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng tại trường.
Bên cạnh đó, cô Tình còn tích cực tham gia cuộc thi viết chính luận khoa học về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ 2-2022 do Ban Chỉ đạo cuộc thi viết chính luận Trung ương tổ chức và đạt giải khuyến khích cá nhân, thể loại tạp chí với tác phẩm: “Phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, thực hiện thắng lợi đổi mới, sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”.
Tại Cuộc thi về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2023 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát động, cô đạt 2 giải C, thể loại báo viết và tạp chí. Mới đây, tại Cuộc thi về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tỉnh năm 2024, tác phẩm “Trị căn bệnh gốc để Đảng mạnh từ bên trong” của cô cũng đạt giải khuyến khích.