Giảng viên sinh năm 1972 muốn nghỉ hưu sớm theo nghị định 143 có quyền lợi gì?

Vấn đề nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ hưu theo diện tinh giản biên chế tiếp tục là đề tài nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc là giáo viên cả nước.

Một bạn đọc có địa chỉ mail ngoc…@gmail.com gửi thư về Tòa soạn có nội dung như sau: “Kính thưa Tòa soạn Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam

Tôi là : N.T.N.L là nữ sinh ngày 07/6/1972, đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01/9/1994. Tôi hiện đang công tác tại trường một trường Cao Đẳng ở Hà Nội có hệ số lương 4,65 - Bậc 8/9 vì lý do sức khỏe tôi đã xin nghỉ việc trước tuổi từ ngày 1/9/2020.

Nếu tôi xin nghỉ ngay bây giờ theo Nghị định 143/2020/NĐ-CP về tinh giản biên chế thì tôi được được hưởng những quyền lợi gì? Xin chân thành cảm ơn.”

Chế độ tinh giản biên chế của giáo viên cụ thể như thế nào? (Ảnh minh họa: Daidoanket.vn)

Chế độ tinh giản biên chế của giáo viên cụ thể như thế nào? (Ảnh minh họa: Daidoanket.vn)

Bằng các kiến thức và hiểu biết cá nhân, căn cứ các quy định pháp lý, người viết cung cấp một số thông tin tư vấn cho bạn tham khảo, cụ thể như sau:

Thứ nhất, quyền lợi về xin nghỉ hưu điện tinh giản biên chế:

Bạn là viên chức sinh ngày 07/6/1972, hiện nay đang là 48 tuổi 7 tháng nếu bạn đủ điều kiện nghỉ hưu diện tinh giản biên chế bạn sẽ được hưởng các quyền lợi sau:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Nghị định 143/2020/NĐ-CP:

Điều 8. Chính sách về hưu trước tuổi

1. Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, còn được hưởng các chế độ sau:

a) Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;

b) Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định về tuổi tối thiểu tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động;

c) Được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho hai mươi năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội. Từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 (một phần hai) tháng tiền lương.”.

Dựa trên quy định này, chính sách về hưu trước tuổi áp dụng đối với đối tượng tinh giản biên chế theo quy định trong trường hợp nếu có tuổi thấp hơn tối đa 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu quy định tại Khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và đáp ứng điều kiện đóng bảo hiểm xã hội.

Theo đó, để xác định tuổi nghỉ hưu trước tuổi theo quy định này thì phải xác định mốc tuổi nghỉ hưu tối thiểu theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể quy định như sau:

Điều 169. Tuổi nghỉ hưu

[...]

2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

3. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

[...]”.

Do đó, tuổi nghỉ hưu tối thiểu được xác định là tuổi nghỉ hưu thấp hơn 05 tuổi so với quy định tại Khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019.

Tại thời điểm năm 2021, tuổi nghỉ hưu tối thiểu được xác định là 55 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và 50 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ.

Theo đó, đối với đối tượng tinh giản biên chế trong trường hợp này thì mốc tuổi nghỉ thấp nhất là 50 tuổi 3 tháng, tối đa 53 tuổi 3 tháng đối với lao động nam, đối với lao động nữ tuổi nghỉ thấp nhất là 45 tuổi 4 tháng và tối đa 48 tuổi 4 tháng.

Như vậy đối với bạn là viên chức là lao động nữ sinh ngày 07/6/1972 thì hiện tại xin nghỉ hưu sẽ thuộc trường hợp tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 2 Điều 1 Nghị định 143/2020/NĐ-CP. Chế độ hưởng nghỉ hưu trước tuổi nếu đủ điều kiện về nghỉ hưu trước tuổi tại điều trên gồm:

Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;

Được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

Được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho hai mươi năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội. Từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 (một phần hai) tháng tiền lương;

Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019.

Thứ hai, quy định xin nghỉ vì lý do sức khỏe

Theo nội dung trình bày bạn xin nghỉ việc vì lý do sức khỏe từ 01/9/2020 thì vấn đề này chưa rõ, theo tôi hiểu thì bạn đã làm đơn xin nghỉ từ 01/9/2020 nhưng chưa được chấp thuận và bạn cũng không nêu rõ bạn đã giám định y khoa hay chưa, nên tôi xin được cung cấp thông tin tư vấn tiêu chuẩn, điều kiện như sau để bạn tham khảo trường hợp cụ thể của mình.

Theo quy định hiện hành, nếu người lao động không thuộc diện tinh giản biên chế nhưng đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi theo quy định tại Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi, bổ sung tại Điều 219 Bộ luật Lao động 2019.

Theo đó, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp không thuộc diện tinh giản biên chế thì có thể nghỉ hưu trước tuổi trong trường hợp bị suy giảm khả năng lao động hoặc trường hợp có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

Căn cứ quy định tại Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

Điều 55. Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động

1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động khi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%;

b) Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động khi bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

c) Có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

2. Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 54 của Luật này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động;

b) Có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.”

Không tăng thời gian làm việc tại trường, giáo viên đừng nghĩ đến tăng lương

Theo quy định này, viên chức bị suy giảm khả năng lao động thì có thể được nghỉ hưu trước tuổi. Đối với trường hợp này, thuộc thuộc vào tỷ lệ % giám định để xác định số tuổi được nghỉ hưu trước tuổi như sau:

- Giám định suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%: người lao động được nghỉ hưu khi có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tại Khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 (Năm 2021, tuổi tối đa được nghỉ trước tuổi theo quy định này đối với lao động nam là 55 tuổi 3 tháng, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng).

- Giám định suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên: người lao động được nghỉ hưu khi có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tại Khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 (Năm 2021, tuổi tối đa được nghỉ trước tuổi theo quy định này đối với lao động nam là 50 tuổi 3 tháng, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng).

Về chế độ hưởng lương hưu với đối tượng nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động được tính như quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2% (Theo quy định tại Khoản 3 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

Đối với nghỉ hưu trước tuổi thuộc trường hợp Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được hưởng chế độ như sau:

- Được hưởng mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

- Tuy nhiên, lao động nghỉ hưu trước tuổi do bị suy giảm khả năng lao động thì cứ mỗi năm nghỉ hưu sau đó quy định giảm 2% (theo khoản 3 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

Nếu tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng không giảm tỷ lệ phần trăm.

Một số thông tin chia sẻ đến bạn, phần tư vấn có tính chất tham khảo.

BÙI NAM

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giang-vien-sinh-nam-1972-muon-nghi-huu-som-theo-nghi-dinh-143-co-quyen-loi-gi-post215363.gd