Giành học bổng Fulbright với ước mơ trở thành phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu

Đồng hành cùng cộng đồng người điếc nhiều năm qua, Đoàn Phương Anh theo đuổi ước mơ trở thành phiên dịch viên Ngôn ngữ ký hiệu. Học bổng Fulbright tại Mỹ giúp cô tiến gần hơn một bước với những dự định đang ấp ủ.

Đoàn Phương Anh là một trong 18 đại diện đến từ Việt Nam vừa được trao học bổng Fulbright, học bổng dành cho bậc Thạc sĩ và nghiên cứu sinh do Chính phủ Mỹ tài trợ. Quá trình chuẩn bị hồ sơ cũng là lúc Phương Anh có dịp nhìn lại suốt quá trình bản thân đã gắn bó với công việc phiên dịch ký hiệu và đồng hành hỗ trợ cộng đồng người điếc.

Chia sẻ về lý do "bén duyên" với ngôn ngữ ký hiệu, Phương Anh cho biết năm 2016, cô là tình nguyện viên trong một dự án cộng đồng với các bạn người điếc. Khi đó, Phương Anh chưa có một chút kiến thức gì về ngôn ngữ ký hiệu nhưng vẫn được các bạn chào đón rất nhiệt tình.

"Mình học ngôn ngữ ký hiệu chỉ với mục tiêu đơn giản là muốn trò chuyện với những người bạn của mình. Qua những cuộc trò chuyện hằng ngày đã giúp mình hiểu hơn về cộng đồng người điếc và niềm yêu thích dành cho ngôn ngữ ký hiệu cũng lớn dần", Phương Anh tâm sự.

Phương Anh tin rằng cộng đồng người điếc là một trong những cộng đồng sôi động nhất mà cô bạn từng gặp.

Phương Anh tin rằng cộng đồng người điếc là một trong những cộng đồng sôi động nhất mà cô bạn từng gặp.

Cột mốc đáng nhớ nhất là khi Phương Anh có cơ hội gặp gỡ một người chị, dù là người điếc, vẫn có thể vượt qua hàng loạt thử thách để lấy bằng thạc sĩ. Chính câu chuyện đó đã khiến Phương Anh tự đặt ra câu hỏi: "Làm thế nào mình có thể đồng hành cùng cộng đồng người điếc một cách tốt nhất?".

Khi kỹ năng ngôn ngữ ký hiệu của Phương Anh tiến bộ hơn, cô được các bạn điếc nhờ hỗ trợ phiên dịch tại bệnh viện, ngân hàng… Tuy nhiên, Phương Anh tự nhận thấy mình chỉ là một người biết ngôn ngữ ký hiệu chứ không phải là một phiên dịch viên vì phiên dịch đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật và sự đào tạo bài bản.

Những câu chuyện chưa kể của cộng đồng người điếc đã truyền cảm hứng cho Phương Anh.

Những câu chuyện chưa kể của cộng đồng người điếc đã truyền cảm hứng cho Phương Anh.

Bên cạnh công việc hỗ trợ phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, Phương Anh còn là đồng sáng lập của PARD (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục vì Người Điếc). Cô mong muốn đây sẽ là tổ chức có thể hỗ trợ để cộng đồng người điếc tiếp cận đầy đủ với ngôn ngữ ký hiệu và phá bỏ rào cản giao tiếp giữa người điếc với các hoạt động xã hội.

Phương Anh mong muốn bản thân sẽ phát triển bản thân một cách chuyên nghiệp, có bằng cấp chính thống về phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu.

Phương Anh mong muốn bản thân sẽ phát triển bản thân một cách chuyên nghiệp, có bằng cấp chính thống về phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu.

Thế nhưng, cô cũng nhận ra những khó khăn mà người điếc phải đối mặt trong việc tiếp cận thông tin và kiến thức về các khía cạnh của cuộc sống. Đặc biệt là khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Phương Anh nhìn thấy rõ khoảng cách to lớn trong việc tiếp cận thông tin của cộng đồng người điếc.

"Những thuật ngữ mới khi đó như giãn cách xã hội, cách ly, COVID-19 chưa có trong ngôn ngữ ký hiệu. Những thông báo, chỉ thị cấp bách không có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu. Còn rất nhiều điều mà chúng ta cần làm để tạo ra một xã hội có thể tiếp cận tất cả mọi người." - Phương Anh chia sẻ.

Nhận thấy rằng lĩnh vực này còn cần phát triển rất nhiều, Phương Anh quyết định tìm kiếm một cơ hội học tập chuyên sâu, đó cũng là lúc cô "bén duyên" với học bổng Fulbright. Chia sẻ về quá trình này, Phương Anh cho biết, học bổng Fulbright là một trong số ít các học bổng có tài trợ chuyên ngành Phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu.

Phương Anh mong muốn sẽ được tiếp cận với những kiến thức chuyên sâu, có thể hỗ trợ cô phát triển hơn các hoạt động hỗ trợ người điếc ở Việt Nam.

Phương Anh mong muốn sẽ được tiếp cận với những kiến thức chuyên sâu, có thể hỗ trợ cô phát triển hơn các hoạt động hỗ trợ người điếc ở Việt Nam.

"Ở Việt Nam chưa có chương trình đào tạo chuyên nghiệp và chính thống về ngành phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu. Mình phát triển kỹ năng nghề từ những lời góp ý của cộng đồng người điếc, những đồng nghiệp và trao đổi kinh nghiệm trong mạng lưới phiên dịch viên tại Hiệp hội Phiên dịch Ngôn ngữ Ký hiệu Thế giới. Nhưng như vậy là chưa đủ, mình thật sự muốn phát triển nghề một cách chuyện nghiệp. Có những tình huống phiên dịch mình muốn xử lý tốt hơn, có những phương pháp phiên dịch mình chưa biết đến, có nhiều câu hỏi về nghề mà mình chưa tìm được lời giải đáp từ những cộng sự xung quanh."

Hoài Lan - Ảnh: NVCC

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/gianh-hoc-bong-fulbright-voi-uoc-mo-tro-thanh-phien-dich-vien-ngon-ngu-ky-hieu-post1646073.tpo