Giao ban công tác phối hợp giữa 20 Cục Quản lý thị trường khu vực phía Nam
Sáng 22.12, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị giao ban công tác phối hợp giữa 20 Cục Quản lý thị trường khu vực phía Nam năm 2022. Hội nghị do ông Trần Hữu Linh- Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT; ông Nguyễn Thành Nam- Phó tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT; ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cùng chủ trì.
Sáng 22.12, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị giao ban công tác phối hợp giữa 20 Cục Quản lý thị trường khu vực phía Nam năm 2022. Hội nghị do ông Trần Hữu Linh- Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT; ông Nguyễn Thành Nam- Phó tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT; ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cùng chủ trì.
Phát biểu khai mạc, ông Châu Thanh Long- Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Tây Ninh cho biết, hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá kết quả thực hiện công tác phối hợp giữa các Cục QLTT khu vực phía Nam năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023. Đồng thời, đây là dịp để các Cục QLTT trong khu vực có điều kiện trao đổi, thảo luận về chuyên môn nghiệp vụ góp phần mang lại hiệu quả cho công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ông Trần Văn Chiến- Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết, Tây Ninh là địa bàn biên giới tiếp giáp với Campuchia, là địa bàn trọng điểm, trung chuyển hàng hóa từ nước bạn sang các tỉnh lân cận qua tuyến đường bộ. Đây là điều kiện thuận lợi để các đối tượng lợi dụng hoạt động vận chuyển, mua bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm vào thị trường nội địa với nhiều thủ đoạn tinh vi. Trong năm, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh đã kiểm tra 746 vụ đối với các mặt hàng trọng điểm như xăng, dầu, phân bón… phát hiện 410 vụ vi phạm.
Báo cáo tại hội nghị, ông Hồng Văn Hoàng- Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Tây Ninh cho biết, trong năm 2022, tình hình vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu khu vực phía Nam nói chung vẫn còn diễn biến phức tạp, hàng hóa được phát hiện chủ yếu là các mặt hàng thuốc lá điếu, đường cát, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, đồ điện gia dụng, mắt kính, đồng hồ đeo tay, rượu, bia, nước giải khát, đồ chơi trẻ em, điện thoại di động, hàng thiết yếu tiêu dùng, xe đạp điện, xe máy điện, phụ tùng xe, sản phẩm hàng hóa thuộc danh mục Nhà nước cấm nhập khẩu... với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi hơn.
Tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn xảy ra và không chỉ xuất hiện tại các chợ, trung tâm thương mại ở các thành phố lớn mà hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn được đưa về đến tận các chợ nông thôn, chợ truyền thống, khu vực xung quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất... Các vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Trong năm, Cục Quản lý thị trường 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã kiểm tra 21.508 vụ, phát hiện 13.496 vụ vi phạm, chuyển cơ quan chức năng các tỉnh xử lý 13.516 vụ.
Trong công tác phối hợp tiếp nhận, thông báo và xử lý thông tin về đối tượng đã xử phạt vi phạm hành chính, đang xử lý hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, các Cục Quản lý thị trường khu vực phía Nam duy trì thường xuyên việc trao đổi thông tin về tình hình diễn biến của thị trường, kế hoạch kiểm tra và kết quả hoạt động của lực lượng thông qua việc gửi báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn hằng tháng, hằng quý, nắm được tình hình chung của thị trường khu vực, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm để xây dựng kế hoạch phối hợp và phương hướng công tác phù hợp với tình hình thực tế. Qua đó, các Cục Quản lý thị trường kịp thời thông báo, tiếp nhận và xử lý thông tin về đối tượng đã xử phạt vi phạm hành chính, đang xử lý hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trong đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh đã cung cấp cho Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An thông tin cơ sở sản xuất phân bón giả, không có giá trị sử dụng, công dụng và phân bón có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; hỗ trợ rà soát và cung cấp thông tin đối tượng vi phạm hành chính theo đề nghị của các Cục Quản lý thị trường.
Quy chế phối hợp giữa các Cục Quản lý thị trường đã góp phần mang lại hiệu quả trong công tác nắm bắt thông tin liên quan đến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm đúng theo quy định của pháp luật.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận về một số nội dung như tình hình quản lý địa bàn đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trên địa bàn quản lý; công tác phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành đối với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Trần Hữu Linh- Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT đề nghị các Cục QLTT phía Nam trong thời gian tới cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, thể hiện tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả, bình ổn thị trường tại các địa phương; thường xuyên trao đổi thông tin, thực hiện tốt công tác phối hợp nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác chuyên môn; quan tâm thực hiện tốt công tác truyền thông; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh cho các tổ chức, cá nhân nhằm giúp người dân nêu cao ý thức chấp hành pháp luật; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực nhằm hướng tới xây dựng lực lượng Quản lý thị trường chính quy, hiện đại.
Tại hội nghị, ông Châu Thanh Long- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh đã bàn giao cờ luân lưu cho ông Hà Trung Cang- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh (đơn vị đăng cai tổ chức hội nghị kế tiếp năm 2023).