Giao cho EVN tính toán khung giá phát điện tái tạo có hợp lý?
Nhiều ý kiến lo ngại về cách tính toán khung giá phát điện với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp và việc giao cho EVN tham gia tính toán xây dựng có hợp lý?
Về vấn đề này, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) ngày 11.9 cho biết cơ quan này đang lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Thông tư khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió. Trong đó, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực quy định: "Bộ Công Thương có trách nhiệm quy định phương pháp, trình tự lập và thẩm định khung giá phát điện".
Để có cơ sở cho chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió đang và sắp triển khai đầu tư xây dựng và thực hiện đàm phán với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để ký kết hợp đồng mua bán điện, Bộ Công Thương đã chủ động xây dựng dự thảo Thông tư quy định phương pháp xác định khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió (dự thảo thông tư) và hiện được lấy ý kiến rộng rãi từ ngày 29.8.2023.
Theo đó, khung giá phát điện được tính toán trên cơ sở phương pháp tính toán tương tự các loại hình nhà máy điện khác hiện nay, thông số đầu vào tính toán với đời sống kinh tế của nhà máy điện mặt trời, điện gió là 20 năm, các thông số liên quan đến suất đầu tư, thông số tài chính, kỹ thuật, chi phí vận hành, bảo dưỡng được lựa chọn trên cơ sở tham khảo số liệu của các tổ chức tư vấn để đảm bảo tính phổ quát, cập nhật được số liệu trên thế giới thay vì sử dụng số liệu quá khứ của các nhà máy điện.
Căn cứ Quy hoạch điện 8 về việc khuyến khích, ưu tiên phát triển năng lượng mặt trời tại miền Bắc, dự thảo thông tư đã quy định khung giá phát điện sẽ được xác định theo từng miền, khác với quy định khung giá hiện hành.
Khung giá được ban hành hằng năm làm cơ sở cho chủ đầu tư các dự án nhà máy điện mặt trời, điện gió thỏa thuận giá điện, ký kết hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đảm bảo giá điện không vượt quá khung giá do Bộ Công Thương ban hành. Theo đó, trước ngày 1.11 hằng năm, EVN có trách nhiệm tính toán hoặc thuê tư vấn tính toán khung giá, Bộ Công Thương phê duyệt khung giá hằng năm trên cơ sở thẩm định của Cục Điều tiết điện lực và ý kiến của Hội đồng Tư vấn do Bộ Công Thương thành lập trong trường hợp cần thiết.
Khung giá phát điện trong năm cơ sở (năm chủ đầu tư phê duyệt tổng mức đầu tư của dự án) là căn cứ để EVN và chủ đầu tư thỏa thuận, thống nhất giá điện để ký hợp đồng mua bán điện và hai bên không phải đàm phán, ký lại theo khung giá phát điện của năm tiếp theo.
Đối tượng áp dụng, khung giá phát điện quy định tại dự thảo thông tư được áp dụng cho các dự án điện mặt trời, điện gió chưa ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN. Đối với các dự án điện mặt trời, điện gió đã ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN theo giá FIT, tiếp tục thực hiện theo các quy định tại hợp đồng đã ký.
Về việc giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam tính toán khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió, Cục Điều tiết điện lực cho biết Bộ Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn phương pháp lập khung giá phát điện áp dụng đối với dự án điện mặt trời, điện gió và EVN có liên quan có trách nhiệm xây dựng khung giá phát điện dự án điện gió, điện mặt trời trình Cục Điều tiết điện lực thẩm định trước khi trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt.
Dự thảo thông tư cũng quy định trách nhiệm của EVN về việc tính toán hoặc thuê tư vấn tính toán cũng như quy định trường hợp cần thiết lấy ý kiến kết quả tính toán khung giá thông qua Hội đồng Tư vấn do Bộ Công Thương thành lập, làm cơ sở để Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt khung giá phát điện.
Quy định trong Luật Điện lực cũng nêu rõ: Bộ Công Thương có trách nhiệm quy định phương pháp, trình tự lập và thẩm định khung giá phát điện.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến hết ngày 25.8 vừa qua đã có 79/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với công suất 4.449,8MW (chiếm 94% số dự án) đã nộp hồ sơ đến EVN. Như vậy, hiện vẫn còn 6 dự án với tổng công suất 284,70 MW (chiếm 6%) chưa gửi hồ sơ đàm phán với EVN, mặc dù đã đôn đốc nhiều lần.
Trong số 79 dự án đã gửi hồ sơ, có 68 dự án đã thỏa thuận giá điện với EVN. Trong đó, 67 dự án đồng ý giá tạm bằng 50% khung giá phát điện, tức 754 - 908 đồng/kWh (chưa gồm thuế GTGT), tùy loại nguồn điện mặt trời hay gió, để làm cơ sở ký hợp đồng mua bán điện, vận hành thương mại.
Đã có 61 dự án đã được EVN và chủ đầu tư thống nhất giá tạm, trình lên Bộ Công Thương và có 58 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất hơn 3.181 MW đã được bộ phê duyệt giá tạm tính. Trong số 61 dự án đã thống nhất giá tạm, có 43 dự án đã và đang trong giai đoạn thử nghiệm, tuy nhiên đến nay mới có 20 dự án khác đủ điều kiện vận hành thương mại (COD), tức là hệ thống có thêm 1.171,72 MW.
Số dự án phát điện lên lưới mới chiếm 25% tổng số dự án không kịp vận hành để hưởng giá FIT ưu đãi trong 20 năm, phải đàm phán giá với EVN theo khung giá Bộ Công Thương ban hành.
Về việc cấp giấy phép hoạt động điện lực, điều kiện cần để dự án được thử nghiệm, vận hành, Bộ Công Thương đã cấp cho 29/85 dự án chuyển tiếp. Trong đó, 20 dự án được cấp giấy phép toàn bộ dự án, 9 dự án được cấp giấy phép một phần dự án, 11 dự án đã nộp hồ sơ và đang được Bộ Công Thương khẩn trương rà soát kiểm tra để cấp giấy phép, 45 dự án chưa nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.