Giáo dân ở Đắk Nông góp sức cho vùng đất cao nguyên thêm giàu đẹp

Vừa sản xuất giỏi, vừa tích cực chung tay làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới, những giáo dân ở tỉnh Đắk Nông đã và đang thực hiện tốt phương châm sống 'Tốt đời, đẹp đạo', 'Kính chúa, yêu nước', qua đó góp sức cho vùng đất cao nguyên thêm giàu đẹp.

Ông Mai Văn Giáo là một giáo dân ở Giáo xứ Nhân Cơ thuộc xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông), có hơn 10ha sầu riêng đang cho thu hoạch. Năm 2020, ông thu được 100 tấn sầu riêng, thu về hàng trăm triệu đồng.

“Tốt đời, đẹp đạo” ở Giáo xứ Nhân Cơ

Ngoài việc chăm lo kinh tế gia đình mình, ông Giáo đã vận động quyên góp được hơn 150 triệu đồng để xây nhà cho một hộ gia đình thuộc diện nghèo, có người khuyết tật trong xóm.

Ông Giáo cho biết: “Tôi đang thực hiện sống “tốt đời, đẹp đạo”. Bản thân vừa chủ động để lao động sản xuất hiệu quả, vừa giúp đỡ những người khó khăn hơn mình trong điều kiện và khả năng có thể”.

Giáo xứ Nhân Cơ ở xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp.

Không chỉ riêng ông Giáo, các giáo dân khác ở giáo xứ Nhân Cơ (thuộc giáo phận Ban Mê Thuột nằm trên quốc lộ 14, địa bàn xã Nhân Cơ) luôn năng động, mạnh dạn đi đầu trong phát triển kinh tế, lao động hăng say, “bắt đất nhả vàng” để góp phần xây dựng gia đình, địa phương ngày càng giàu đẹp, góp phần giúp xã Nhân Cơ tiến tới đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

Đặc biệt, các giáo dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động, hưởng ứng, tự nguyện chung sức, đồng lòng hiến đất, góp sức làm đường giao thông nông thôn.

Điển hình như gần đây, giáo dân ở giáo họ Trung Nghĩa thuộc xã Nhân Cơ, với phương châm “Kính chúa, yêu nước”, đã phối hợp chính quyền địa phương làm 700m đường liên thôn bằng bê tông.

Là địa phương tập trung khá đông bà con giáo dân, với mục tiêu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, xã Nhân Cơ xác định đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 65 triệu đồng/năm, duy trì tỷ lệ hộ nghèo ở mức dưới 2%, nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế lên 90%.

Và để nâng cao thu nhập, có không ít giáo dân, nông dân, người trẻ trong xã đang mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Điển hình như anh Hoàng Châu Việt Vũ (sinh năm 1994) ở thôn 4 (xã Nhân Cơ) đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào chăm sóc, chế biến, góp phần nâng cao giá trị hạt cà phê, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu trong quá trình trồng trọt cũng như chăm sóc.

Nhờ vậy, vườn cà phê của anh Vũ luôn được phủ bóng và thu hoạch quả chín từ 80% - 100%, hiện cho thu hoạch 12 tấn/năm. Quả cà phê chín khi đem phơi sẽ hấp thụ dinh dưỡng ngoài vỏ, giúp hạt cà phê trở nên đặc biệt hơn và thân thiện với môi trường. Năm 2022, sau khi được cấp chứng nhận 600 kg cà phê chất lượng cao, gia đình anh Vũ đã bán với giá 125.000 đồng/kg, cao gấp 2 - 3 lần so với thị trường.

Ngoài năng động phát triển kinh tế nông nghiệp, từ năm 2017-2022, Giáo xứ Nhân Cơ đã phát huy tinh thần “tương thân, tương ái” triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, đã tặng 1.500 suất quà trị giá 525 triệu đồng và 25 tấn gạo…

Chung tay làm đường giao thông nông thôn

Tỉnh Đắk Nông hiện có trên 158.000 tín đồ công giáo, chiếm 23,07% dân số toàn tỉnh. Thời gian qua, đồng bào Công giáo của tỉnh đã tích cực hưởng ứng, đóng góp tiền, ngày công lao động, nguyên vật liệu, hiến đất, tự nguyện giải phóng mặt bằng, làm đường giao thông nông thôn.

Các giáo dân ở Đắk Nông chung tay làm đường giao thông nông thôn, giúp cho bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày.

Điển hình như bà con giáo dân thôn Xuân Tình 2 và 3 ở xã Đắk Sắk (huyện Đắk Mil) đóng góp trên 900 triệu đồng làm 1.800km đường nông thôn. Hay như giáo dân ở giáo xứ Thổ Hoàng ở xã Đăk Săk (huyện Đăk Mil) làm được 4km đường bê tông nội thôn trị giá 4 tỷ đồng.

Ngoài ra, có thể kể đến giáo dân giáo xứ Đức Hạnh ở xã Thuận An (huyện Đăk Mil) đã đóng góp hơn 2 tỷ 250 triệu đồng và hàng trăm ngày công cùng với chính quyền địa phương làm đường bê tông nội thôn. Hoặc như giáo dân thuộc giáo xứ Vinh An đã huy động tiền và hàng trăm ngày công, cùng với Nhà nước làm 2 tuyến đường bê tông nội thôn, tổng chiều dài 1.240m.

Còn ở giáo họ Xuân Trang, xã Đức Minh (huyện Đăk Mil), Ban hành giáo họ đã phối hợp với Ban tự quản thôn Xuân Trang vận động giáo dân tham gia tích cực xây dựng đường giao thông, đến nay gần 100% đường nội thôn đã được bê tông hóa và nhựa hóa…

Giáo dân Nguyễn Văn Thương, ngụ thôn Xuân Trang, xã Đức Minh (huyện Đăk Mil) chia sẻ: “Người dân ở đây 100% đồng bào Công giáo, khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, người dân đồng tình ủng hộ, vì ai cũng thấu hiểu được những khó khăn khi phải đi lại đường đất lầy lội trong mấy chục năm qua.

Theo ông Thương, không ai bảo ai, nhà nhà, người người hiến đất, góp công cùng Nhà nước làm đường. Có những đường bê tông, người dân đóng góp 30%, Nhà nước 70%, có những con đường người dân hiến đất, đóng góp 100% tiền của để xây dựng, dù ở mức nào thì người dân cũng đồng tình ủng hộ.

Cũng theo ông Thương, trong những giờ lễ ở nhà thờ, Linh mục luôn nhắc nhở, động viên giáo dân cùng chính quyền chung tay xây dựng nông thôn mới. Từ đó, đồng bào giáo dân đã phát huy được tinh thần tự nguyện, đồng thuận rất cao. Trước đây, đường đất 3m, nhỏ hẹp, lầy lội, người dân đã hiến đất, đóng tiền mở rộng ra 6m, đổ bê tông sạch đẹp, đi lại thuận lợi, giúp cho bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày.

Lãnh đạo xã Đức Minh nhận xét trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đồng bào Công giáo vào cuộc tích cực, người dân hiểu được chính mình là người trực tiếp hưởng lợi. Ngoài ra, có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Sản xuất giỏi góp phần xây dựng nông thôn mới

Bên cạnh việc chí thú làm ăn, chung tay làm đường nông thôn thì thời gian qua, nhiều địa phương ở tỉnh Đắk Nông có đông đồng bào Công giáo đã được chọn làm thí điểm xây dựng nông thôn mới và đã được Nhà nước công nhận, trong đó phải kể đến xã Đức Minh, xã Đắk Sắk (huyện Đăk Mil), xã Nam Đà (huyện Krông Nô).

Nhiều giáo dân ở huyện Đăk Mil (tỉnh Đắk Nông) sản xuất giỏi, đóng góp vào xây dựng nông thôn mới.

Nhiều giáo dân ở huyện Đăk Mil (tỉnh Đắk Nông) sản xuất giỏi, đóng góp vào xây dựng nông thôn mới.

Như xã Đắk Sắk, qua 10 năm xây dựng nông thôn mới với sự tham gia tích cực của các giáo dân đã giúp đời sống người dân trên địa bàn đã có những chuyển biến rõ nét. Tổng giá trị sản xuất toàn xã đạt 882 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 54,3 triệu đồng/người/năm, tăng 10 triệu đồng so với năm 2010.

Đặc biệt, với vai trò, uy tín của mình, các linh mục, trùm trưởng, trưởng ban hành giáo luôn gần gũi, gắn kết với cấp ủy, chính quyền đề xuất ý kiến, nguyện vọng của giáo dân và nhân dân, nhất là việc hỗ trợ phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân.

Các mô hình sản xuất, canh tác trong xã Đắk Sắk để tăng thu nhập, làm giàu trên chính mảnh đất của mình đã được địa phương triển khai và giáo dân hào hứng tham gia. Trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi.

Điển hình như ông Lê Trung Thành, ở Giáo xứ Xuân Lộc thuộc xã Đắk Sắk, có 10 ha cà phê. Những năm qua, ông đã mạnh dạn tái canh cà phê già cỗi bằng những giống cây cho giá trị kinh tế cao.

Ông còn trồng xen sầu riêng trong rẫy cà phê để khai thác hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất. Cùng với đó, ông Thành đầu tư gần 5 tỷ đồng xây dựng 2 trại heo quy mô 40.000 con.

Hiện nay, cây trồng, vật nuôi mang về nguồn thu nhập hằng năm cho gia đình ông khoảng 6 tỷ đồng. Ông còn tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên, 20 lao động thời vụ, với mức thu nhập khoảng 7 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ làm giàu cho mình, hằng năm, ông Thành còn bỏ kinh phí hàng chục triệu đồng để thực hiện các hoạt động từ thiện. Vừa qua, ông Thành đã hỗ trợ cho 20 hộ gia đình ở xã Đắk Sắk tiền, ngày công để láng lại nền nhà bằng xi măng cho các hộ nghèo.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/giao-dan-o-dak-nong-gop-suc-cho-vung-dat-cao-nguyen-them-giau-dep-1092338.html