Giao dịch bất động sản qua sàn: Đẻ thêm thủ tục
Nhiều ý kiến cho rằng nếu quy định bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn có thể khiến giá nhà, đất tăng thêm.
Mới đây, Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam đã kiến nghị giao dịch BĐS phải qua sàn nhằm giúp thị trường minh bạch hơn. Tuy nhiên, theo ý kiến nhà đầu tư, doanh nghiệp lẫn chuyên gia thì việc này sẽ làm tăng chi phí, thủ tục, mất thời gian cho khách mà cũng không giúp ích cho việc quản lý thị trường.
Tốn chi phí, mất thời gian cho người mua nhà
Lý giải cho đề xuất gửi Bộ Xây dựng về việc ban hành lại quy định giao dịch các sản phẩm BĐS phải qua sàn như trước kia, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho rằng khi bán hàng qua sàn buộc phải chuyên nghiệp hơn. Hàng đã được đưa lên sàn phải cực tốt, có kiểm chứng để đảm bảo quyền lợi cho khách mua.
Ông Đính dẫn chứng vụ việc Công ty Địa ốc Alibaba giao dịch không qua sàn nên khách hàng không có cơ sở thẩm định, kiểm tra thông tin về dự án, khiến nhiều người tiền mất tật mang. Mục đích của đề xuất này không nhằm tạo sự độc quyền trong bán hàng của môi giới mà chỉ để tăng tính minh bạch cho thị trường.
Không đồng tình ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty CP BĐS Asian Holding, cho biết một sản phẩm muốn giao dịch phải có giấy xác nhận của sàn rất nhiêu khê về thời gian, đẻ thêm thủ tục, thêm chi phí xin cho. Ngoài ra, một sản phẩm bán qua nhiều sàn, phải xin lại giấy xác nhận giao dịch của các sàn cũng rất mệt mỏi cho người bán lẫn người mua.
“Giao dịch qua sàn thực ra chỉ đẻ thêm thủ tục, tốn thêm chi phí khiến sản phẩm bị đội giá lên. Cuối cùng, khách hàng là người chịu thiệt” - ông Hậu nói.
Theo ông Hậu, quy định hiện nay không bắt buộc giao dịch qua sàn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp lẫn người mua nhà. Trong trường hợp chủ đầu tư cho công ty môi giới BĐS bán hàng thì công ty môi giới ký hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng phân phối rồi thực hiện bán hàng. Sau đó, khách hàng sẽ ký văn bản thỏa thuận đặt cọc và hợp đồng chuyển nhượng trực tiếp với chủ đầu tư.
Đại diện một công ty BĐS có vai trò vừa là chủ đầu tư vừa là đơn vị phân phối có nhiều sàn giao dịch, ông Duy Minh cho rằng việc giao dịch bắt buộc qua sàn trước đây đã có nhưng không mang lại hiệu quả. Vì vậy, Luật Kinh doanh BĐS 2014 đã bãi bỏ quy định này. Hiện nay, Nhà nước chỉ khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch BĐS thông qua sàn giao dịch chứ không bắt buộc.
Theo ông Minh, nếu quay trở lại bắt buộc giao dịch qua sàn thì không hợp lý. Chủ đầu tư không có sàn giao dịch sẽ phải lo thêm khoản quan hệ với sàn, làm tăng chi phí, tăng giá sản phẩm. Người mua nhà phải gánh thêm thủ tục. Trong khi đó, thời gian qua nhờ áp dụng Luật Kinh doanh BĐS 2014, thị trường đã thanh lọc được nhiều sàn giao dịch yếu kém, giúp hình thành các sàn chuyên nghiệp hơn, tạo uy tín đối với khách hàng.
Cần chế tài đối với sàn, nhân viên môi giới
Theo ông Nguyễn Văn Hậu, một điều cần quan tâm lúc này là sự chuyên nghiệp và đạo đức của những người làm nghề môi giới BĐS. Để bảo vệ người mua nhà, Nhà nước cần quy định chặt chẽ về điều kiện của cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Có như vậy mới nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ này.
Hiện nay, một số công ty phân phối dự án BĐS đã có những giải pháp quản lý rất hiệu quả bằng cách quản lý nhân viên môi giới qua các tài khoản. Nhờ vậy biết được khách hàng mua sản phẩm ở đâu và không thể trốn thuế được. Các đơn vị này tiên phong đưa mã số chứng chỉ của nhân viên môi giới vào các giao dịch. Khách hàng có thể kiểm tra thông tin, từ đó gia tăng tính minh bạch và góp phần bảo đảm quyền lợi khách hàng.
Theo TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia BĐS, trước khi đề xuất bắt buộc giao dịch phải qua sàn thì cần khảo sát từ khi Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực đến nay, việc bỏ quy định trên có ảnh hưởng tiêu cực đến tính minh bạch thị trường hay không. Nếu không thì đề xuất này là không cần thiết.
TS Nhân cho rằng vấn đề minh bạch thị trường là nằm ở khâu quản lý. Để bán được sản phẩm, chủ đầu tư phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về thủ tục, pháp lý dự án theo quy định của pháp luật. Đối với nhà cá nhân thì người dân có toàn quyền lựa chọn giao cho sàn bán hoặc tự bán.
TS Nhân cũng đồng tình để quản lý thị trường trước hết phải quản lý nhân viên môi giới. Nhóm này phải có chứng chỉ hành nghề môi giới do Bộ Xây dựng cấp, phải có đào tạo và thi tuyển bài bản.
Ở góc độ người mua, anh Tuấn Hùng (quận 3, TP.HCM) cho rằng trách nhiệm minh bạch thị trường thuộc về cơ quan quản lý nhà nước.
“Nếu mua qua sàn thì mất thêm phí tư vấn, sàn sẽ tăng giá bán để kiếm thêm lợi nhuận. Nếu bắt buộc giao dịch qua sàn mà không quản lý thì chỉ làm rối thêm thị trường” - anh Hùng chia sẻ.
Việc kiến nghị trở lại giao dịch qua sàn sẽ tốn rất nhiều thời gian từ khâu đưa vào dự thảo, lấy ý kiến góp ý, trình cơ quan có thẩm quyền… mà chưa chắc mang lại hiệu quả. Điều cần có lúc này là một cơ quan quản lý các sàn. Nếu sàn nào, nhân viên môi giới nào làm sai quy định thì phải có chế tài xử lý nghiêm.
TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia BĐS
Nguồn PLO: https://plo.vn/bat-dong-san/giao-dich-bat-dong-san-qua-san-de-them-thu-tuc-920227.html