Giao dịch 'chui': Chuyện cũ vẫn mới trên thị trường chứng khoán

Theo quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, người nội bộ và người có liên quan phải đăng ký giao dịch trước ngày dự kiến thực hiện tối thiểu 3 ngày làm việc. Dù vậy, vẫn xuất hiện hàng loạt vụ việc giao dịch 'chui' cổ phiếu và đã bị xử phạt răn đe, nhưng rồi câu chuyện vẫn tái diễn.

Từ đầu năm 2023 đến nay ghi nhận nhiều trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp và người nhà giao dịch “chui", thậm chí khi bị phát hiện còn đưa ra nhiều lý do viện dẫn khác nhau.

Nhiều lý do viện dẫn

Mới nhất, ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư LDG (LDG) đã bán ra 2,6 triệu cổ phiếu LDG trong phiên 15/8 nhưng không đăng ký giao dịch trước đó.

Ngay trong ngày 15/8, khi phát hiện sai sót, Chủ tịch Hưng cho biết đã yêu cầu xử lý bổ sung để đảm bảo đúng quy định và dừng mọi giao dịch. Đến chiều ngày 16/8, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã ra thông báo hủy bỏ giao dịch bán 2,6 triệu cổ phiếu LDG của vị Chủ tịch này.

Đáng chú ý, Chủ tịch LDG đưa ra giải thích cho việc bán “chui” cổ phiếu là do có chuyến công tác xa trong thời gian từ 8-15/8 nên không thể trực tiếp thực hiện công bố thông tin và giao cho thư ký thực hiện công bố thông tin. Và đây là nhân sự mới nên chưa nắm rõ quy định, dẫn đến sai sót, làm chậm trễ quá trình công bố thông tin.

Từ đầu năm 2023 đến nay ghi nhận nhiều trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp và người nhà giao dịch “chui".

Từ đầu năm 2023 đến nay ghi nhận nhiều trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp và người nhà giao dịch “chui".

Trước đó, cuối tháng 6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đối với ông Phạm Khánh Phương (ca sĩ Khánh Phương) do giao dịch “chui” cổ phiếu của CTCP Sông Đà 1.01 (SJC).

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 23/6-30/12/2022, ông Phương đã có nhiều giao dịch khiến tỷ lệ sở hữu tăng lên trên 25% nhưng không đăng ký chào mua công khai theo quy định pháp luật. Ngoài ra, cá nhân này còn không báo cáo khi có thay đổi về tỷ lệ cổ phiếu sở hữu qua các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết.

Sau khi mua vào lượng lớn cổ phiếu, ông Phương đã chính thức tham gia HĐQT của Sông Đà 1.01 từ cuối năm ngoái. Liên quan đến sự việc, ông Phương thừa nhận mình có lỗi nhưng đồng thời cũng cho biết không cố tình gian lận, mua bán “chui” cổ phiếu và thông tin đang tiến hành thủ tục giải trình với thanh tra UBCKNN để giảm số tiền phạt.

“Tôi không cố tình gian lận trong việc mua bán cổ phiếu. Tuy nhiên, trong quá trình làm thủ tục đăng ký chào mua công khai, bộ phận pháp chế bên tôi đã làm chậm trễ. Đây là sai sót của tôi dẫn đến việc bị phạt số tiền gần 250 triệu đồng”, ông Phạm Khánh Phương chia sẻ.

Ngoài ra cũng ghi nhận một số trường hợp bị xử phạt do “bán chui” cổ phiếu như trong tháng 4, vợ chồng Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Hải Phát (HPX) ông Đỗ Quý Hải – bà Chu Thị Lương và em trai Đỗ Quý Đường đã bị phạt hành chính tổng số tiền gần 2 tỷ đồng và bị đình chỉ giao dịch 4 tháng do bán “chui” cổ phiếu HPX trong ngày 30/11/2022.

Đầu tháng 2, nhà đầu tư cá nhân Văn Tiến Tuấn (TP HCM) đã bị UBCKNN xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK) số tiền 70 triệu đồng do không báo cáo khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng là CTCP Tàu cao tốc Superdong Kiên Giang (SKG) và khi không còn là cổ đông lớn.

Mức xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe?

Bán “chui” cổ phiếu là việc làm vi phạm pháp luật và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư, khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng, đồng thời dẫn đến sự minh bạch khi giao dịch trên TTCK không được đảm bảo.

Mặc dù cơ quan chức năng vẫn không ngừng nâng cao công tác thanh tra, giám sát nhằm bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn. Tuy nhiên những trường hợp vi phạm pháp luật về giao dịch trên TTCK, trong đó bao gồm hành vi “bán chui cổ phiếu” vẫn diễn ra.

Nhìn chung, có thể nói rằng mức xử phạt theo quy định pháp luật đối với hành vi “bán chui cổ phiếu” không đủ sức răn đe đối với hành vi này. Việc bán “chui” cổ phiếu của ông chủ lớn đầu cơ trục lợi trên thực tế cũng không còn xa lạ.

Còn nhớ vụ việc bán “chui” cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC (FLC) từng gây xôn xao dư luận. Ông Trịnh Văn Quyết từng bị xử phạt về hành vi bán “chui” cổ phiếu vào cuối năm 2017 với số tiền phạt 65 triệu đồng cho 57 triệu cổ phiếu bán “chui”. Sau đó, ông Quyết tiếp tục tái phạm vào năm 2022 với số lượng 74,8 triệu cổ phiếu, mức xử phạt tối đa đối với trường hợp này là 1,5 tỷ đồng. Đây được xem là con số nhỏ so với lợi nhuận thu được của số cổ phiếu bán “chui” (1.650 tỷ đồng).

Như trong trường hợp của Chủ tịch LDG mới đây, Chứng khoán Rồng Việt đã có văn bản báo cáo hành vi vi phạm công bố thông tin giao dịch của người nội bộ đối với trường hợp này. Công ty cho biết đã tiến hành cập nhật danh sách tài khoản người nội bộ, người có liên quan trên hệ thống giao dịch. Theo đó, khi khách hàng đặt lệnh giao dịch chứng khoán, hệ thống đã cảnh báo cho khách hàng biết rõ, khách hàng đang là người nội bộ, người có liên quan thuộc đối tượng phải công bố thông tin trước khi giao dịch. Như vậy, dù đã được công ty chứng khoán cảnh báo, Chủ tịch LDG vẫn bán “chui” hàng triệu cổ phiếu và rồi “đổ lỗi” là bởi “sai sót của nhân sự mới”?

Có thể nói, sự sôi động của TTCK Việt đã giúp nhiều nhà đầu tư giàu nhanh vì chứng khoán nhưng cũng nhiều trường hợp phải “ra đê mà ở” vì chứng khoán, nhất là khi việc giao dịch trên TTCK còn bị “thao túng” bởi các ông lớn không tuân thủ pháp luật. Thiết nghĩ, các nhà luật pháp nên xem xét sửa đổi, bổ sung các chế tài xử phạt nặng hơn với hành vi bán “chui” cổ phiếu nói riêng và các hành vi vi phạm nói chung sao cho đủ sức răn đe, từ đó giảm thiểu rủi ro xảy ra và tạo môi trường giao dịch minh bạch, đồng thời ngăn chặn các hành vi thao túng TTCK.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//giao-dich/giao-dich-chui-chuyen-cu-van-moi-tren-thi-truong-chung-khoan-1094751.html