Giao dịch chứng khoán chiều 15/5: 'Má phanh' VIC giúp thị trường bớt giảm sâu
Áp lực bán gia tăng về cuối phiên đã khiến các chỉ số chính đồng loạt quay đầu giảm điểm, trong đó với thông tin hỗ trợ tích cực, cổ phiếu lớn VIC vẫn giữ đà tăng tốt và là 'má phanh' ngăn thị trường giảm sâu.
Phiên bùng nổ ngày cuối tuần 12/5 khi VN-Index vững vàng vượt ngưỡng kháng cự mạnh 1.060 điểm với thanh khoản tiếp tục cải thiện khiến giới phân tích tin tưởng hơn vào xu hướng tăng của thị trường. Đặc biệt là sự trở lại của các nhóm cổ phiếu trụ cột như ngân hàng, thép, cùng những thông tin hỗ trợ khá tốt như các ngân hàng ồ ạt giảm lãi suất huy động…, tiếp thêm niềm tin vào triển vọng tích cực của thị trường.
Tuy nhiên, diễn biến phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 15/5 phần nào khiến tâm lý nhà đầu tư có phần “lung lay” khi trạng thái thị trường đang cho thấy dấu hiệu kéo trụ lên cao. Chỉ số VN-Index dần thu hẹp độ cao trong nửa cuối phiên sáng khi một số mã bluechip giật lùi, thậm chí đảo chiều giảm điểm, đã có dấu hiệu lan sang nhiều cổ phiếu khác trên sàn.
Bước sang phiên giao dịch chiều, VN-Index bật hồi chỉ trong 30 phút rồi nhanh chóng quay đầu khi áp lực bán gia tăng trên diện rộng. Thị trường đã kết thúc phiên đầu tuần trong trạng thái giảm nhẹ với sự cân bằng của số mã tăng và mã giảm, trong đó VIC vẫn giữ phong độ và là “má phanh” chính ngăn chỉ số giảm sâu.
Đóng cửa, sàn HOSE có 196 mã tăng và 197 mã giảm. Chỉ số VN-Index giảm 1,19 điểm (-0,11%) xuống 1.065,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 834,5 triệu đơn vị, giá trị 13.621,77 tỷ đồng, tăng 14,97% về khối lượng và 13,76% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 12/5. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 50,8 triệu đơn vị, giá trị 1.016,78 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, VIC là điểm tựa chính ngăn đà giảm sâu của thị trường khi đóng cửa tăng 5,2% lên mức 54.400 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt 4,51 triệu đơn vị. Trong khi VHM và VRE có chút thu hẹp với biên độ tăng khoảng 1%.
Thông tin hỗ trợ giúp nhà Vingroup khởi sắc có thể là việc Vinfast sẽ niêm yết tại Mỹ thông qua giao dịch sáp nhập với Black Spade Acquisition Co.
Bộ ba cổ phiếu lớn này đã “cân hết", giúp nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn duy trì đà tăng dù sắc đỏ đang chiếm áp đảo toàn ngành. Trong đó, nhiều mã đã rơi xuống mức giá thấp nhất trong phiên, như DPG giảm 4,12%; DXG, NLG, GVR giảm hơn 3%; DIG, NVL, KBC, KDH, PDR, HHV, TCH… giảm hơn 1-2%...
Cổ phiếu nhỏ HQC đã giảm tới 5,1% xuống mức thấp nhất ngày 4.620 đồng/CP, nhưng thanh khoản vẫn sôi động nhất thị trường, đạt hơn 31,4 triệu đơn vị; DIG và DXG đều khớp trên dưới 20 triệu đơn vị…
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch phân hóa với các mã TCB tăng 2%; VIB, TPB, MBB tăng hơn 1%...; trong khi các mã lớn như VCB, CTG, BID đều mất điểm hoặc lùi sâu hơn. Thanh khoản nhóm này vẫn ở mức cao với STB khớp hơn 29,7 triệu đơn vị; các mã MBB, SHB, VPB, VIB, TPB đều khớp hơn 10 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục lùi sâu với sắc đỏ lan rộng toàn ngày. Cụ thể, nhiều mã đã tìm về vùng giá thấp nhất trong ngày với mức giảm khá sâu như VND giảm 2,2%, VIX giảm 3,5%, SSI giảm 1,5%, BSI giảm 2,36%, FTS giảm 2,45%, HCM giảm 1,54%... Trong khi đó, TVS là mã duy nhất ngược dòng thành công khi đóng cửa tăng kịch trần lên mức giá 25.000 đồng/CP.
Nhóm cổ phiếu thép cũng “tắt lịm” sau phiên khởi sắc cuối tuần qua khi bộ ba đại diện ngành là HPG, HSG, NKG đều giảm hơn 1-2% và đóng cửa tại mức giá thấp nhất ngày. Trong đó, HSG và HPG cùng khớp lệnh hơn 17,5 triệu đơn vị, còn NKG khớp 8,89 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, dù phần lớn thời gian cũng giao dịch trong sắc xanh nhưng áp lực bán gia tăng tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip về cuối phiên đã khiến HNX-Index quay đầu giảm điểm.
Đóng cửa, sàn HNX có 113 mã tăng và 87 mã giảm, HNX-Index giảm 0,77 điểm (-0,36%) xuống 214,33 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 114,77 triệu đơn vị, giá trị 1.566,9 đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,93 triệu đơn vị, giá trị 95,7 tỷ đồng.
Trong rổ HNX30, số mã giảm gần gấp đôi số mã tăng, trong đó DDG vẫn ngược dòng thị trường vững vàng tại mức giá trần 8.600 đồng/CP cùng khối lượng dư mua trần hơn 2 triệu đơn vị và khớp lệnh 3,63 triệu đơn vị; các mã tăng khác như DTD tăng 7,1%, L18 tăng 3,6%, L14 tăng 3,4%, HUT tăng 2,9%...
Ngược lại, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng đua nhau giảm sâu, trong đó BVS giảm mạnh nhất trong rổ HNX30 khi để mất 4,8%, VIG, BVS giảm trên dưới 2%, cổ phiếu SHS cũng lùi sâu khi giảm 3,5% xuống mức thấp nhất ngày 10.900 đồng/CP nhưng vẫn giữ vị trí dẫn đầu thanh khoản thị trường khi khớp 20,2 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu bất động sản cũng kém tích cực với CEO giảm 3,7% xuống mức thấp nhất ngày 26.000 đồng/CP và khớp hơn 10,5 triệu đơn vị, IDC giảm 2%, TIG giảm 2,9%...
Ngoài DDG, một trong những cổ phiếu đáng chú ý khác trong rổ vừa và nhỏ là LIG đã có phiên ngược dòng thị trường thành công và đóng cửa tại mức giá trần 4.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh tăng vọt lên gần 4,85 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường vẫn duy trì đà tăng điểm bất chấp sàn niêm yết đồng loạt đảo chiều.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,43 điểm (+0,54%), lên 80,48 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 53,43 triệu đơn vị, giá trị 631,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 7,98 triệu đơn vị, giá trị hơn 187,14 tỷ đồng.
Trong khi dòng bank ở thị trường niêm yết giao dịch phân hóa và có phần kém tích cực khi các mã lớn đồng loạt mất điểm, thì ở UPCoM, các cổ phiếu nhóm này lại khởi sắc. Cụ thể, ABB tăng 5,7% lên mức 9.300 đồng/CP với khối lượng giao dịch sôi động, đạt 4,38 triệu đơn vị; VAB tăng 4,1% lên 7.700 đồng/CP và khớp hơn 1 triệu đơn vị; BVB tăng 1,9%, NAB tăng 5,4%...
Cặp đôi dầu khí là BSR đóng cửa tăng nhẹ 0,5% với khối lượng giao dịch dẫn đầu thị trường, đạt 11,89 triệu đơn vị và OIL tăng 1,1% với khối lượng giao dịch hơn 1,91 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, BOT tăng kịch trần với thanh khoản thuộc top 10, đạt 1,36 triệu đơn vị giao dịch và dư mua trần 0,22 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng nhẹ, trong đóhợp đồng VN30F2305 đáo hạn gần nhất đã tăng 1,6 điểm, tương đương +0,2% lên 1.066,5 điểm, khớp lệnh 141.454 đơn vị, khối lượng mở 46.679 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh có phần chiếm ưu thế hơn, trong đó CVHM2218 dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 3,16 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 58,8% lên 270 đồng/cq; tiếp theo là CMWG2302 khớp 1,82 triệu đơn vị, đóng cửa đứng giá tham chiếu 280 đồng/cq.