Giao dịch chứng khoán chiều 23/2: Kịch tính 30 phút cuối phiên, VN-Index được kéo lên từ vực sâu
Dòng tiền bất ngờ được tung vào trong 30 phút cuối phiên giao dịch, nhắm tới bộ ba trụ cột bank - chứng - thép, đã kéo VN-Index từ vực sâu trở lại bờ.
Thị trường vẫn tiếp bước xu hướng giảm mạnh trong phiên hôm qua và nhanh chóng thủng mốc 1.050 điểm ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng 23/2. Đà giảm nới rộng hơn về cuối phiên khi áp lực bán lớn gia tăng trên diện rộng và chỉ số VN-Index đã tạm dừng phiên sáng ở vùng giá thấp nhất trong phiên, tại mốc 1.040 điểm khi để mất gần 15 điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường biến động giằng co nhẹ quanh vùng giá 1.040 điểm trong khoảng 1 giờ giao dịch rồi tiếp tục giật lùi khi chịu thêm gánh nặng từ nhóm cổ phiếu bluechip.
Sắc đỏ ngày càng phủ rộng trên bảng điện tử trong khi số mã tăng dần thu hẹp, chỉ còn vài ba chục mã xanh, đã đẩy VN-Index về sát ngưỡng 1.030 điểm. Khi nhà đầu tư đang nghĩ đến một thảm kịch rằng đà bán tháo sẽ lan rộng khiến thị trường chứng kiến một phiên lao dốc mạnh, chỉ số VN-Index dễ dàng bị đẩy xuống đường dưới dải bollinger, thì bất ngờ được kéo thẳng đứng lên đường MA50, đóng cửa dạng mô hình nến Doji chuồn chuồn.
Lực cầu bắt đáy bất ngờ tăng mạnh trong 30 phút giao dịch cuối phiên đã giúp hàng loạt mã đảo chiều ngoạn mục, đồng thời, chỉ số VN-Index bật hồi hơn 20 điểm và tiến về sát mốc tham chiếu.
Đóng cửa, sàn HOSE có 137 mã tăng và 258 mã giảm, VN-Index giảm nhẹ 0,62 điểm (-0,06%), xuống 1.053,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 720,75 triệu đơn vị, giá trị 12.081,41 tỷ đồng, giảm 11,46% về khối lượng và 5,14% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 85 triệu đơn vị, giá trị 2.180,33 tỷ đồng.
Đóng góp lớn nhất giúp thị trường có pha quay xe ngoạn mục của bộ ba trụ cột bank – chứng - thép khi hàng loạt mã đảo chiều hồi phục thành công và đóng cửa ở mức giá cao nhất ngày.
Cụ thể, trong nhóm chứng khoán có VND tăng 1,4% lên 14.500 đồng/CP, SSI tăng 2,1% lên 19.700 đồng/CP, HCM tăng 3,5% lên 25.050 đồng/CP, VCI tăng 3% lên 27.800 đồng/CP, BSI tăng 2,8% lên 18.200 đồng/CP…
Ở dòng bank, bên cạnh mã lớn VCB và CTG lấy lại sắc xanh nhạt, các mã như BID, TCB, TPB, STB đều tăng hơn 1%, nổi bật hơn có ACB, VIB, OCB tăng hơn 2%. Ngoại trừ một số mã như MBB, SSB, EIB giảm nhẹ trên dưới 0,5%, cùng HDB giảm 2,43%.
Trong nhóm thép, cả 3 mã HPG, HSG và NKG đều đảo chiều tăng tốt với thanh khoản sôi động. Cụ thể, HPG tăng 1,4% lên mức cao nhất ngày 21.500 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 32,58 triệu đơn vị; HSG tăng 5,3% lên 15.800 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh lớn thứ 3 thị trường, đạt 22,76 triệu đơn vị; NKG cũng đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày 15.600 đồng/CP, tăng 3% và khớp hơn 12,91 triệu đơn vị.
Ở nhóm bất động sản, nhiều mã cũng đã thu hẹp đà giảm đáng kể hoặc hồi nhẹ, nhưng đây vẫn là nhóm ngành mất điểm. Trong đó đáng chú ý là VRE vẫn lùi sâu hơn về cuối phiên khi đóng cửa giảm 5,7% xuống mức thấp nhất ngày 26.500 đồng/CP; VHM giảm 1,4% xuống 42.000 đồng/CP; các mã NLG, DIG, KDH, KBC, DXG… cũng chủ yếu giảm trong biên độ khoảng 1%.
Cổ phiếu NVL cũng bật hồi khá tốt từ mức giá sàn và đóng cửa chỉ còn giảm nhẹ 1,7%, đứng tại mức giá 11.800 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh hơn 16,05 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhiều mã đã đảo chiều hồi phục sắc xanh và cũng tìm đến mức giá cao nhất ngày như IJC tăng 4,5%, KSB tăng 4,4%, HDC và KHG cùng tăng 3,4%, DPG, VCG, HHV đều tăng hơn 1%...
Trên sàn HNX, dòng tiền cũng được kích thích khi nhận được tín hiệu tích cực từ sàn HOSE đã tiếp sức giúp HNX-Index đảo chiều bật mạnh về sát mốc tham chiếu.
Chốt phiên, sàn HNX có 60 mã tăng và 105 mã giảm, HNX-Index giảm 0,66 điểm (-0,31%), xuống 209,31 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 78,64 triệu đơn vị, giá trị 1.291,43 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,52 triệu đơn vị, giá trị 46,19 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 có diễn biến tích cực hơn thị trường chung khi đảo chiều thành công và đóng cửa tăng 2,74 điểm lên mức cao nhất ngày 366,06 điểm.
Đáng chú ý là cổ phiếu dệt may TNG giật mạnh về cuối phiên và thuộc top 10 cổ phiếu tăng tốt nhất của sàn HNX. Đóng cửa, TNG tăng 7,4% lên mức giá cao nhất ngày 18.800 đồng/CP, đồng thời thanh khoản sôi động đạt hơn 3,84 triệu đơn vị.
Một số mã đóng góp tích cực khác như PVS tăng 1,9% lên 26.500 đồng/CP và khớp 10,19 triệu đơn vị, IDC tăng 1,5% lên 40.100 đồng/CP và khớp 5,83 triệu đơn vị…
Xét về nhóm ngành, cũng như sàn HOSE, nhóm chứng khoán trên HNX diễn biến khởi sắc với SHS đóng cửa tăng 1,2% lên mức cao nhất ngày 8.600 đồng/CP và thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt hơn 12,49 triệu đơn vị; MBS tăng nhẹ 0,7% lên mức 13.900 đồng/CP và khớp 1,98 triệu đơn vị; APS tăng 1,1% lên 9.500 đồng/CP và khớp 1,17 triệu đơn vị…
Trên UPCoM, thị trường cũng có diễn biến đồng pha với các sàn niêm yết.
Đóng cửa, UPCoM-Index chỉ còn giảm nhẹ 0,05 điểm (-0,06%), xuống 77,4 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 34,27 triệu đơn vị, giá trị 431,67 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 4 triệu đơn vị, giá trị 46,85 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR chưa thoát khỏi sắc đỏ nhưng đà giảm thu hẹp đáng kể. Đóng cửa, BSR giảm 1,8% và đứng ở vùng giá cao gần nhất ngày 16.700 đồng/CP, với khối lượng giao dịch vượt trội trên thị trường, đạt 11,37 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cổ phiếu đứng thứ 2 về thanh khoản là C4G khớp hơn 4,17 triệu đơn vị, cũng đóng cửa giảm nhẹ 1,7% xuống 11.600 đồng/CP.
Các cổ phiếu nhỏ như LMH, SBS, VHG đều đóng cửa đứng giá tham chiếu với khối lượng giao dịch đạt trên 1-2 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tăng nhẹ và 1 hợp đồng giảm, trong đó VN30F2303 đáo hạn gần nhất tăng 4,2 điểm, tương đương +0,4% lên 1.048 điểm, khớp lệnh hơn 356.690 đơn vị, khối lượng mở 49.490 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ vẫn chiếm đa số. Phiên này, CHPG2224 là mã giao dịch sôi động nhất khi khớp gần 3,25 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 42,9% xuống 40 đồng/CQ.
Tiếp theo là CVPB2213 khớp hơn 2,42 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 25% xuống 30 đồng/CQ.